Săn hàng giá rẻ là thói quen của nhiều người, đặc biệt là với người trẻ. Tuy nhiên thói quen mua sắm này cũng gây ra không ít tác hại.
Ngày 12/12, nhiều sàn thương mại điện tử lựa chọn để tổ chức những sự kiện siêu giảm giá cuối cùng trong năm 2022. Để kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, các con số ngày đôi như 9/9, 10/10, 11/11… giúp cho sự kiện giảm giá trở nên dễ nhớ hơn, tạo thói quen mua sắm mỗi tháng.
Nhưng với nhiều người, đặc biệt là đối tượng dân văn phòng, những ngày này lại trở thành cơn ác mộng đối với họ; bởi chỉ cần sa đà vào shopping online là sẽ hết lương khi chưa hết tháng.
Mua sắm trực tuyến rất dễ dàng, nhiều khi người mua thậm chí không thể kiểm soát được số tiền mình đã chi. Đôi khi, họ sẽ gặp tình trạng nhận được rất nhiều đơn hàng, gói cũ chưa kịp mở, gói mới đã vào cửa.
Vì sao người trẻ thường có xu hướng mua hàng không kiểm soát?
Có rất nhiều lý do để giải thích cho xu hướng này của người trẻ. Phần lớn mọi người đều có tâm lý "không mua thì thiệt, mất món hời" nên dù không thật sự cần thiết thì họ vẫn mua món đồ đó, chỉ vì đang được giảm giá.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các reviewers (người đánh giá sản phẩm) trên hàng loạt các nền tảng mạng xã hội cũng tác động rất lớn đến việc chi tiêu của người trẻ. Họ sẽ mô tả về công dụng, tính năng và thể hiện những ưu điểm của sản phẩm để kích thích người xem mua hàng. Nếu người xem cảm thấy thích thú, họ chỉ cần nhấp vào đường link và thực hiện vài thao tác đơn giản là đã mua được sản phẩm mình vừa xem.
Giới trẻ nói chung và dân văn phòng nói riêng không thể tiết kiệm dù lương ổn định
Theo Backbase, một công ty Hà Lan chuyên cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho các ngân hàng công bố, khoảng 67% người Việt tham gia khảo sát cảm thấy loay hoay về quản lý tài chính. Tỷ lệ này cao thứ hai trong 10 nước châu Á - Thái Bình Dương, chỉ đứng sau Thái Lan.
Trong đó, tỷ lệ người thừa nhận không biết cách quản lý tiền bạc của nước ta xếp cao nhất trong số 10 quốc gia được khảo sát. Với nhiều người, thách thức lớn nhất trong quản lý tài chính là tiết kiệm (tỷ lệ 67%). Các khó khăn khác bao gồm: nợ nần, dành dụm tiền về hưu, cách thức quản lý tiền bạc, hay cách quản lý danh mục đầu tư.
Mặc dù kết quả khảo sát trên chưa phải quy mô rộng trên toàn quốc, tuy nhiên những con số này cũng phần nào cho chúng ta thấy vấn đề tài chính nói chung hay tiết kiệm nói riêng không phải vấn đề của riêng ai.
Đặc biệt, đáng suy nghĩ hơn với những người trẻ, thế hệ gen Z có lối sống ưa chuộng sự tự do, trải nghiệm hoặc một bộ phận ấp ủ nhiều dự định, mong muốn kiểm soát chi tiêu nhưng vẫn chưa được hỗ trợ bởi các công cụ và phương pháp phù hợp để hiện thực hóa mục tiêu của mình. Do đó, hiện nay nhiều người trẻ đang tìm cách để hết "loay hoay" với tiền.
Theo các chuyên gia, người trẻ Việt đang khá thiếu kỹ năng quản lý tài chính. Không phải bạn không làm trong lĩnh vực kinh tế là không cần quan tâm về những kiến thức này vì tài chính là nền tảng cho tương lai của mỗi người và quản lý tài chính có thể bắt đầu đơn giản từ việc kiểm soát chi tiêu và đầu tư đúng mục đích.
Hậu quả của mua sắm vô tội vạ
Xu hướng mua sắm vô độ đang dần trở thành một "căn bệnh" của nhiều người, đặc biệt với giới trẻ. Phần lớn bạn trẻ đều có xu hướng ham rẻ và muốn có cho mình thật nhiều quần áo, đồ dùng mà ít nghĩ đến việc sử dụng lâu dài.
Điều này gây ra không ít ảnh hưởng đến môi trường và kinh tế. Không chỉ gây lãng phí cho chính người mua, điều này còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.
Những món đồ giá rẻ với chất lượng thấp thường rất khó để sử dụng lâu dài hoặc tái chế, càng không thể để người khác sử dụng lại. Từ đó, một lượng lớn rác không cần thiết bị thải ra ngoài môi trường, gây ra tình trạng ô nhiễm. Vì vậy, thói quen mua sắm vô độ cần phải hạn chế ngay, không chỉ với người trẻ mà với toàn xã hội.
Amazon ra mắt trợ lý AI mua sắm trực tuyến 
Liên tục bị cửa hàng online giành thị phần, bất động sản bán lẻ có động thái mới