Tài chính Ngân hàng

Người Việt Nam ‘chưa giàu đã già’

Hoàng Hiếu 13/12/2024 10:15

Việt Nam đối mặt thách thức dân số già khi thu nhập chưa cao, người cao tuổi chịu gánh nặng bệnh tật và chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng.

Tại hội thảo khoa học "Già hóa dân số và chính sách thích ứng với già hóa dân số tại TP.HCM" do Sở Y tế TP.HCM phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức ngày 11/12, các chuyên gia nhấn mạnh rằng tình trạng dân số "chưa giàu đã già" đang đặt ra những thách thức lớn, cần được ưu tiên giải quyết.

Gánh nặng bệnh tật và tài chính ở người cao tuổi

Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, khi tỉ lệ người trên 60 tuổi đạt 10%, và con số này đã tăng lên 12,8% vào năm 2021. Dự kiến, Việt Nam sẽ chính thức trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036.

PGS. Nguyễn Văn Tân, Trưởng bộ môn Lão khoa, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết già hóa dân số tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng, với tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi năm 1994 lên 79,2 tuổi vào năm 2023.

Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người lại thấp, chưa vượt ngưỡng 10.000 USD. Điều này khiến việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trở thành một gánh nặng lớn khi chi phí điều trị cao gấp 7-8 lần so với trẻ em.

Đáng lo ngại, người cao tuổi trung bình sống chung với 14 năm bệnh tật, mắc ít nhất 2,69 bệnh mạn tính như tim mạch, rối loạn chuyển hóa và bệnh không lây nhiễm khác. Tỉ lệ nhận lương hưu hiện chỉ dưới 30%, trong khi bảo hiểm y tế (BHYT) chưa thể giảm thiểu đáng kể gánh nặng tài chính do mức chi trả còn hạn chế.

Bác sĩ Tân dẫn chứng: “Như vậy đối với kỹ thuật cao rất tốn kém với người bệnh hoặc như nhiều người muốn được khám nhanh phải chọn bệnh viện ngoài công lập, như vậy càng thêm gánh nặng tài chính cho người bệnh và gia đình người bệnh".

Người Việt Nam ‘chưa giàu đã già’
Hình ảnh minh họa, nguồn: Internet

Đặt người cao tuổi ở trung tâm các chính sách

ThS. Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho rằng tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh thu nhập thấp đòi hỏi sự hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ người cao tuổi.

Một trong những giải pháp quan trọng là duy trì mức sinh hợp lý để đảm bảo cơ cấu dân số phù hợp, đồng thời quy hoạch các trung tâm chăm sóc sức khỏe và viện dưỡng lão với sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, triển khai khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, kết hợp lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Hệ thống tình nguyện viên và cộng tác viên hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi cũng là yếu tố then chốt, góp phần quản lý hiệu quả các bệnh mạn tính và không lây nhiễm.

Việc đặt người cao tuổi ở vị trí trung tâm của chính sách không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà còn đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, khi Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già với nhiều thách thức phía trước.

>> Quốc hội đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 4.900 USD

World Bank chỉ ra chìa khóa để Việt Nam vượt qua ‘bẫy thu nhập trung bình’

Hãng hàng không nhận thêm tàu, giá vé Tết vẫn 'tăng phi mã' ngang ngửa thu nhập trung bình một tháng của công nhân

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nguoi-viet-nam-chua-giau-da-gia-265530.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Người Việt Nam ‘chưa giàu đã già’
    POWERED BY ONECMS & INTECH