Nguyên tắc cắt lỗ chứng khoán nhìn từ câu chuyện mua bảo hiểm hỏa hoạn

16-05-2022 14:16|Vi Vi

Nếu bạn lỗ 10% thì cần phải lời 11,11% mới hòa vốn. Nếu chần chừ và để tỷ lệ thua lỗ tăng lên 20%, bạn phải kiếm lời 25% chỉ để quay lại với số vốn ban đầu.

Hầu hết những người mới chơi khi mới bước chân vào thị trường tài chính đều muốn kiếm thật nhiều tiền và nhanh chóng, chẳng bao giờ nghĩ đến việc mất tiền, đặc biệt trong giai đoạn thị trường đang uptrend như hiện nay. Thời gian trôi qua đủ lâu để chính bản thân ta tự nhận ra rằng, học giữ tiền chính là bài học đầu tiên và tiên quyết khi tham gia với thị trường này.

Việc xây dựng cho mình nguyên tắc cutloss (cắt lỗ) quan trọng không kém việc tìm điểm mua bởi còn tiền thì mới còn cơ hội. Không phải lúc nào chúng ta mua cũng thành công mà sẽ xảy ra trường hợp cổ phiếu mua sau đó đi ngược với dự báo.

"Nếu một nhà đầu tư dự đoán đúng phân nửa số trường hợp là anh ta đã đạt tới một đẳng cấp trung bình xuất sắc. Ngay cả chỉ cần đoán đúng 3 hoặc 4 trên 10 trường hợp cũng có thể đem lại cho anh ta cả một gia tài nếu biết nhanh chóng cắt giảm những khoản thua lỗ ngay khi phát hiện ra mình sai", Bernard Baruch.

Có một điều chắc chắn là chúng ta sẽ không thể đúng trong tất cả trường hợp nếu đi lâu dài trên thị trường này. Vì vậy, bí quyết để thành công trên thị trường chứng khoán không phải là cố gắng đúng trong mọi trường hợp mà phải là cố gắng giảm thiểu tổn thất khi bạn sai. Nhận ra lúc nào mình có thể đã sai và bán ra một cách không do dự để cắt giảm mọi khoản thua lỗ.

Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần mình “chưa bán là chưa lỗ”. Thật là ảo tưởng sai lầm khi cho rằng cổ phiếu bị xuống giá sẽ phải có lúc lên trở lại. Điều này chỉ phần nào đúng với cổ phiếu của những doanh nghiệp có cơ bản, hoạt động kinh doanh cốt lõi. Nhiều cổ phiếu không bao giờ tăng giá trở lại hoặc ít nhất phải mất đến hàng tháng, thậm chí vài năm trời để hồi phục.

Ví dụ như TTF, bắt đầu rơi mạnh từ tháng 7/2014, thậm chí có lúc về dưới 4.000 đồng. Phải mất 4 năm, đến đầu 2022 mã mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tại vùng giá 18.xxx đồng nhờ kỳ vọng vào câu chuyện tái cơ cấu.

Tuy nhiên, chỉ trong 1,5 tháng trở lại đây, sự rung lắc của thị trường chung đã khiến mã này giảm hơn 60% thị giá và rơi về vùng 8.xxx đồng (14h ngày 16/5/2022).

ttff.png

Khi đang nắm giữ trong tay một khoản lỗ lớn, bạn thường khó có thể suy nghĩ đúng đắn mà thường có xu hướng tự trấn an mình rằng: "Nó không thể xuống nữa đâu". Tuy nhiên, thị trường luôn vận hành theo ý nó chứ không phải theo ý ta trông đợi; còn có rất nhiều cổ phiếu khác ngoài kia có thể sẽ đem lại cơ hội cao hơn giúp bù đắp lại khoản lỗ.

Tốt hơn hết là chúng ta nên bán ra và quay trở lại với tư thế cầm tiền mặt để có được tư duy khách quan hơn, có kịch bản rút lui bảo toàn vốn càng sớm càng tốt, bởi nếu để các khoản lỗ càng lớn sẽ càng khó khăn để lấy lại vốn gốc ban đầu.

Nếu bạn lỗ 10% thì cần phải lời 11,11% mới hòa vốn. Nếu chần chừ và để tỷ lệ thua lỗ tăng lên 20%, bạn phải kiếm lời 25% chỉ để quay lại với số vốn ban đầu. Chờ lâu hơn tới khi cổ phiếu lỗ 25%, bạn sẽ phải kiếm lời 33% mới có thể “về bờ”.

Thảm họa hơn nữa nếu bạn lỗ tới 50% thì bạn cần phải lãi gấp đôi tài khoản mới mong hòa vốn. Vấn đề là phải chờ đến bao giờ cho đến khi giá của nó có thể tăng gấp đôi: 1 tháng? 1 năm? 5 năm? Hay thậm chí hơn thế nữa?

nt-cat.jpg

Càng đợi lâu thì các phép tính sẽ càng chống lại bạn. Vì vậy, đừng chần chừ. Hãy hành động ngay lập tức để loại bỏ mọi quyết định sai lầm. Đừng để phải “dành cả thanh xuân để mong hòa vốn”.

Mọi khoản thua lỗ 50% đều bắt đầu tư những khoản lỗ 20% và những khoản thua lỗ 20% đều bắt đầu từ những khoản lỗ 10%.

Hãy suy nghĩ theo cách này: "Nếu bạn mua bảo hiểm chiếc xe của bạn trong năm ngoái và không gặp phải một tai nạn nào, như thế có thể coi là lãng phí tiền bảo hiểm không?

Tương tự, bạn mua bảo hiểm hỏa hoạn cho căn nhà của bạn, nếu nhà chưa bị cháy, liệu bạn có cảm thấy phiền lòng vì đã đưa ra quyết định sai lầm không?". Nó cũng giống như việc chúng ta nhanh chóng cắt bỏ khoản đầu tư thua lỗ vậy. Khi đó số tiền cắt lỗ giống như khoản phí bảo hiểm mà bạn bỏ ra để bảo hiểm cho số vốn đầu tư còn lại của mình bởi “còn tiền thì mới còn cơ hội”.

Gỗ Trường Thành (TTF) bắt tay chủ nợ lớn nhất, được cấp thêm gói tín dụng trăm tỷ

Gỗ Trường Thành (TTF) tiến công thị trường Dubai, kỳ vọng thu hẹp khoản lỗ 3.200 tỷ đồng

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nguyen-tac-cat-lo-chung-khoan-nhin-tu-cau-chuyen-mua-bao-hiem-hoa-hoan-118312.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nguyên tắc cắt lỗ chứng khoán nhìn từ câu chuyện mua bảo hiểm hỏa hoạn
    POWERED BY ONECMS & INTECH