Nhà đầu tư tháo chạy, một loạt chỉ số từ Âu sang Á tăng vọt lên mức đáng ngại: Thị trường đang lo sợ điều gì?
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm vọt lên mức cao nhất 14 tháng, dẫn đầu làn sóng bán tháo toàn cầu khi các nhà đầu tư lo ngại Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất và thâm hụt ngân sách các nước ngày càng tăng.
Thị trường trái phiếu toàn cầu chứng kiến đợt bán tháo mạnh mẽ, với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vọt lên 4,799% vào đầu tuần này - mức cao nhất trong 14 tháng qua.
Theo các chuyên gia, làn sóng bán tháo bắt nguồn từ 2 yếu tố chính: kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất chậm hơn dự kiến và lo ngại về thâm hụt ngân sách ngày càng tăng của Chính phủ Mỹ.
Tác động của đợt bán tháo lan rộng khắp các thị trường lớn. Tại Anh, lợi suất trái phiếu 30 năm chạm đỉnh cao nhất kể từ 1998, trong khi lợi suất 10 năm lập kỷ lục mới kể từ 2008. Nhật Bản  cũng ghi nhận lợi suất trái phiếu 10 năm vượt 1% - mức cao nhất trong 13 năm.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương không nằm ngoài xu hướng. Ấn Độ chứng kiến lợi suất trái phiếu 10 năm tăng mạnh lên gần 6,846%. New Zealand và Úc cũng ghi nhận mức lợi suất cao nhất trong 2 tháng.
Trung Quốc là ngoại lệ duy nhất khi lợi suất trái phiếu 10 năm giảm xuống mức thấp kỷ lục, buộc ngân hàng trung ương phải can thiệp bằng cách tạm dừng mua trái phiếu chính phủ vào ngày 10/1.
Làn sóng bán tháo này làm dấy lên lo ngại về gánh nặng tài chính của chính phủ các nước và khả năng chi phí vay tăng cao đối với cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp trên toàn cầu.
Nguyên nhân của đợt bán tháo
Theo các chuyên gia phân tích thị trường, đợt bán tháo trái phiếu hiện nay xuất phát từ hai yếu tố chính: dự báo Fed sẽ thận trọng hơn trong việc giảm lãi suất và lo ngại về thâm hụt ngân sách ngày càng tăng của các chính phủ.
Báo cáo việc làm Mỹ tháng 12 bất ngờ khả quan với 256.000 việc làm mới, vượt xa dự báo 155.000 của Dow Jones, càng làm tăng thêm sự không chắc chắn về lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed. Trước đó, Fed đã điều chỉnh giảm dự kiến số lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025 từ bốn xuống còn hai lần.
"Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, điều này đồng nghĩa Fed có ít hoặc không có dư địa để cắt giảm lãi suất", ông Ben Emons, nhà sáng lập FedWatch Advisors nhận định. Theo chỉ số FedWatch của CME Group, thị trường đang đặt cược vào khả năng chỉ có một đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách chính phủ tăng cao cũng gây áp lực lên thị trường trái phiếu. Riêng tháng 12/2024, thâm hụt ngân sách Mỹ đã lên tới 129 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ. Tại Anh, nợ công (không tính ngân hàng khu vực công) đã vượt 98% GDP.
Trong khi đó, chiến lược gia cấp cao Zachary Griffiths của CreditSights cảnh báo: "Thị trường trái phiếu chính phủ Anh tiếp tục bán tháo mạnh do lo ngại về tình hình tài chính và sự suy yếu của đồng bảng Anh, khiến rủi ro lạm phát tăng cao”.
"Tối hậu thư" về thâm hụt ngân sách
"Đây là lời cảnh báo rõ ràng từ các nhà đầu tư trái phiếu tới các cơ quan tài chính toàn cầu: Hãy kiểm soát chặt ngân sách, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng", ông Tony Crescenzi, Phó Chủ tịch điều hành Pimco nhận định.
Theo các chuyên gia, lợi suất trái phiếu tăng cao đồng nghĩa với chi phí trả nợ tăng mạnh, đặc biệt nguy hiểm đối với các chính phủ đang trong tình trạng thâm hụt kéo dài. Điều này có thể buộc các "người bảo vệ trái phiếu" phải can thiệp và yêu cầu lãi suất cao hơn để bù đắp rủi ro.
Tác động của đợt bán tháo lan rộng tới thị trường châu Á. Frederic Neumann, Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC, cho biết việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao khiến nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực khó có thể hạ lãi suất, điển hình như quyết định giữ nguyên lãi suất của Ngân hàng Indonesia .
HSBC cũng dự báo làn sóng mất giá tiền tệ có thể lan rộng khắp châu Á. Chênh lệch lợi suất ngày càng lớn giữa trái phiếu châu Á và Mỹ đang thúc đẩy dòng vốn rút khỏi khu vực.
Không chỉ các chính phủ, doanh nghiệp cũng chịu tác động nặng nề khi chi phí vay tăng theo lợi suất trái phiếu. "Điều này có thể dẫn đến lợi nhuận sụt giảm hoặc bỏ lỡ cơ hội đầu tư", chuyên gia Sosnick nhận định.
Theo FedWatch Advisors, tác động có thể lan rộng tới toàn bộ nền kinh tế: lợi suất tăng khiến chi phí vay thắt chặt, đồng USD mạnh lên, cổ phiếu giảm giá, ảnh hưởng tới niềm tin người tiêu dùng và cuối cùng là tác động tới thị trường nhà ở và bán lẻ.
Những người tham gia thị trường trái phiếu đang dõi theo lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần tới, với kỳ vọng về những chính sách kinh tế mới sẽ sớm được công bố.
Theo các nhà quan sát ngành, “bài kiểm tra thực sự” sẽ diễn ra sau khi ông Trump chính thức nhậm chức. Một loạt sắc lệnh hành pháp về thuế quan  và các hạn chế nhập cư dự kiến sẽ được ban hành, làm thay đổi cục diện thị trường.
Ông Dan Tobon, Giám đốc Chiến lược G10 FX tại Citi, cho biết thị trường trái phiếu hiện đang trải qua trạng thái “đình công của người mua,” khi nhiều nhà đầu tư tạm dừng giao dịch để chờ đợi thêm thông tin. “Tại sao phải mạo hiểm bây giờ khi bạn sẽ có thêm nhiều dữ liệu chỉ trong vài tuần tới? Điều này khiến lợi suất tiếp tục tăng mạnh”.
Ông nhấn mạnh rằng, nếu các chính sách mới bị xem là gây lạm phát hoặc làm gia tăng thâm hụt ngân sách, thị trường trái phiếu có thể đối mặt với đợt tháo chạy lớn hơn. Ngược lại, nếu các chính sách được đánh giá là ôn hòa, thị trường trái phiếu  có khả năng ổn định hoặc thậm chí hồi phục.
Các nhà đầu tư và chuyên gia sẽ theo dõi sát sao những động thái của chính quyền Trump trong những ngày đầu, để đánh giá tác động dài hạn lên cả thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.
Theo CNBC
>> Nhân dân tệ lao dốc xuống đáy 2 năm, USD mạnh lên gây sức ép lên tiền tệ châu Á 
Chứng khoán Mỹ 'xanh mướt' sau báo cáo lạm phát mới của Mỹ 
Trung Quốc tiếp tục nới lỏng tiền tệ bất chấp áp lực từ Fed