Nhà khoa học tự tiêm virus nuôi cấy vào cơ thể để thử nghiệm thuốc điều trị ung thư
Thử nghiệm của nhà khoa học này đã nhận rất nhiều tranh cãi trong thời điểm công bố vì việc tự thử nghiệm lên bản thân được coi là trái với đạo đức y khoa.
Nhà khoa học Beata Halassy, 53 tuổi, đã trở thành tâm điểm của sự chú ý khi công bố báo cáo về một thử nghiệm cá nhân đầy tranh cãi trong tạp chí Vaccines vào tháng 8/2024. Bà Halassy đã tự tiêm virus nuôi cấy trong phòng thí nghiệm vào khối u ung thư vú  của mình nhằm tìm ra phương pháp điều trị mới.
Trước đó vào năm 2020, khi phát hiện ung thư vú tái phát ở tuổi 49, Halassy đã quyết định không tiếp tục với liệu pháp hóa trị truyền thống. Thay vào đó, bà đã nghiên cứu và áp dụng liệu pháp virus diệt ung thư (OVT), một lĩnh vực mới nổi trong điều trị ung thư sử dụng virus để tấn công tế bào ung thư  và kích thích hệ miễn dịch chống lại chúng. Mặc dù phương pháp này thường được áp dụng cho bệnh nhân giai đoạn cuối, Halassy đã sử dụng nó cho giai đoạn đầu của bệnh.
Bà lựa chọn hai loại virus cho thử nghiệm của mình, đó là virus sởi và virus viêm miệng mụn nước (VSV), đều được biết đến với khả năng lây nhiễm vào các tế bào ung thư vú. Halassy và một đồng nghiệp đã tiến hành "chế độ điều trị bằng vật liệu cấp nghiên cứu", bao gồm nuôi cấy và tiêm trực tiếp virus vào khối u. Trong suốt quá trình này, các bác sĩ ung thư của bà đã theo dõi sát sao sức khỏe của bà, sẵn sàng chuyển sang hóa trị nếu cần.
Phương pháp điều trị cho thấy hiệu quả rõ rệt. Khối u của Halassy không những mềm hơn và co lại đáng kể mà còn tách rời khỏi ngực và vùng da xâm lấn, giúp việc phẫu thuật cắt bỏ trở nên dễ dàng hơn. Kết quả phân tích sau phẫu thuật cho thấy khối u đã bị tế bào miễn dịch lympho xâm nhập hoàn toàn, chứng minh rằng liệu pháp OVT đã kích thích hệ miễn dịch của Halassy tấn công cả virus và tế bào ung thư.
Dù phương pháp này đã cho thấy tiềm năng, nó vẫn gặp phải sự phản đối từ cộng đồng khoa học vì việc tự thử nghiệm lên bản thân được coi là trái với đạo đức y khoa. Nhiều tạp chí chuyên ngành đã từ chối công bố nghiên cứu của Halassy, và một số chuyên gia lo ngại rằng nghiên cứu này có thể khuyến khích bệnh nhân từ chối các phương pháp điều trị đã được chứng minh là hiệu quả để theo đuổi những lựa chọn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, Halassy không hối hận về quyết định của mình và tiếp tục nghiên cứu về ứng dụng OVT trong điều trị ung thư trên động vật, nhận được sự tài trợ vào tháng 9 để tiếp tục công trình của mình.
* Theo Nature
Loại củ ‘nước mắt’ hay bị xa lánh vì có mùi lạ nhưng lại là ‘thần dược’ bổ tim, ngừa ung thư