Nhà máy thủy điện có độ dốc lớn nhất Việt Nam: Công trình 'bất bại' trước trận bão lũ lịch sử 2006
Nhà máy có tổng công suất 210MW gồm 2 tổ máy, điện lượng bình quân hàng năm là 737,35 triệu KWh.
Giữa những dãy núi hiểm trở của tỉnh Quảng Nam , nhà máy thủy điện  A Vương hiện lên như một kỳ quan kỹ thuật độc đáo, không chỉ nhờ vào vốn đầu tư khổng lồ mà còn bởi những thách thức địa chất đặc biệt.
Thủy điện A Vương tọa lạc tại xã Macooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, cách TP. Đà Nẵng khoảng 100km về phía Tây. Được xây dựng trên dòng sông A Vương – một trong những phụ lưu chính của sông Bung thuộc hệ thống sông Thu Bồn.
>> Cung cạn, cầu tăng: Nhà trong ngõ từ 3-4 tỷ đồng tại Hà Nội đang dần cạn kiệt 
Công trình này chính thức được khởi công vào ngày 31/8/2003. Tuy nhiên, hành trình xây dựng không hề dễ dàng. Đội ngũ thi công đã phải đối mặt với vô vàn thử thách, từ điều kiện địa chất khó khăn đến các hiện tượng thiên tai nghiêm trọng như bão số 6 và số 1 năm 2006 cũng như trận lũ lụt gây thiệt hại lớn vào năm 2006.
Bão số 1 (bão ChanChu), tháng 5/2006
Cơn bão Chanchu là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào Biển Đông trong năm 2006.
Bão đổ bộ Philippines trưa 13/5, sau đó vượt qua quần đảo này vào Biển Đông. Hai ngày sau, bão theo hướng Tây và Tây Tây Bắc với sức gió tăng từ cấp 10 lên 12, giật trên cấp 12.
Khi đó, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban quốc gia tìm kiếm, cứu nạn chuẩn bị ứng phó như thường thấy, trong tâm thế bão hướng vào đất liền Việt Nam. Hơn 29.000 phương tiện trên biển, trong đó khoảng 1.000 tàu đánh bắt xa bờ được kêu gọi về nơi trú ẩn.
Thế nhưng, bão không đổ bộ đất liền mà quét trúng vùng trú ẩn của ngư dân đánh bắt xa bờ ở Bắc Biển Đông. Cơn bão Chanchu quét qua đã khiến 266 ngư dân chết và mất tích ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, chỉ 20 thi thể được vớt, số còn lại mãi mãi nằm dưới lòng biển.
Quảng Nam có nhiều ngư dân thiệt mạng nhất với gần 160 người, trong đó nặng nề nhất là xã Bình Minh, huyện Thăng Bình với 86 người. 20 gia đình có 2-3 người bị nạn. Những người chết và mất tích đều là lao động chính trong những gia đình nghèo.
Bão số 6 (bão Xangsane), tháng 10/2006
Siêu bão Xangsane, theo tiếng Lào có nghĩa là "con voi lớn", còn được gọi là Milenyo tại Philippines, hoặc bão số 6 năm 2006 tại Việt Nam, là một cơn bão rất mạnh, hình thành từ vùng biển phía đông quần đảo Philippines vào cuối tháng 9/2006.
Bão Xangsane đổ bộ vào bờ biển Việt Nam từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi ngày 1/10/2006. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km/h), giật trên cấp 13 (thực chất thì sức gió của nó đạt cấp 15, cấp 16).
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam, cơ quan chức năng đã sử dụng khái niệm cấp 13 và trên cấp 13 trong thang sức gió Beaufort, sau khi rút kinh nghiệm từ bài học của cơn bão Chanchu.
Nhận thức được độ nguy hiểm của cơn bão này, Việt Nam đã gấp rút chuẩn bị công tác phòng chống bão và thực hiện cuộc "di dân kỷ lục" với khoảng 180.000 người dân miền Trung được sơ tán để tránh bão.
Sau hơn 6 giờ tàn phá tại Việt Nam, Xangsane khiến 76 người thiệt mạng và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 ngôi nhà bị đổ, hư hỏng nặng, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại, gây thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng.
Cơn bão lũ năm 2006 đã gây thiệt hại nặng nề, cuốn trôi hơn 100 tấn thiết bị, trong đó có hàng chục tấn thép đặc dụng phải nhập khẩu. Sự cố này không chỉ gây thiệt hại lớn mà còn làm chậm tiến độ hoàn thành công trình.
Để đảm bảo tiến độ, công ty đã quyết định áp dụng giải pháp đột phá: kết hợp thi công xây dựng với lắp đặt thiết bị một cách đồng thời. Dù nhà máy chỉ mới có 4 trụ bê tông đạt yêu cầu, đơn vị đã nhanh chóng lắp dầm cầu trục và triển khai hàng loạt biện pháp đặc biệt.
Cụ thể, đơn vị đã đưa cần cẩu 200 tấn vào hoạt động để đảm bảo tiến độ lắp đặt thiết bị. Trong một thời gian, đơn vị còn phải nhờ đến sự hỗ trợ của một tiểu đoàn công binh với hơn 300 cán bộ, chiến sĩ, tham gia kè đá trong hơn một tháng để đảm bảo công tác tích nước hồ chứa diễn ra đúng kế hoạch.
Sau nhiều năm nỗ lực, tổ máy 1 đã được đưa vào hoạt động vào ngày 11/10/2008 và tổ máy 2 hoàn thành vào ngày 28/12 cùng năm. Đến năm 2010, thủy điện A Vương được khánh thành và chính thức vận hành, hoàn thành kế hoạch trước thời hạn một năm.
Với tổng vốn đầu tư lên tới 3.800 tỷ đồng và công suất 210MW, dự án này không chỉ là niềm tự hào của miền Trung mà còn là một trong những công trình trọng điểm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả đất nước.
Không chỉ nổi bật với vốn đầu tư lớn, nhà máy này còn gây ấn tượng bởi kỹ thuật xây dựng đầy thách thức. Cụ thể, hệ thống đường ống áp lực của nhà máy có đường kính rộng 5,5m và dài 600m, cùng với đó là độ dốc kỷ lục 46,3 độ – cao nhất trong các công trình thủy điện tại Việt Nam hiện nay.
Việc xây dựng và lắp đặt hệ thống này đã đòi hỏi sự tinh vi và kỹ thuật cao, cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ từ đội ngũ kỹ sư và công nhân.
Thủy điện A Vương không chỉ đóng góp vào mạng lưới điện quốc gia mà còn mang lại lợi ích to lớn cho người dân tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Công trình cung cấp nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp, góp phần bảo đảm an toàn cho cộng đồng và chống hạn, chống lũ hiệu quả.
Đồng thời, việc điều chỉnh lượng nước sẽ giúp cải thiện hệ sinh thái và môi trường trong khu vực. Trong giai đoạn 2021 - 2025, công ty đặt mục tiêu trồng mới và chăm sóc 5.000 cây xanh, cũng như thả 20.000 con cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản trong hồ thủy điện.
Có thể nói, thủy điện A Vương là một công trình kỹ thuật vĩ đại và là biểu tượng của sự phát triển bền vững. Dự án này chứng minh rằng, ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất, sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng có thể tạo ra những kết quả vượt trội, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.