Đây là Nhà nước quân chủ tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Cuối năm 93, sau chiến thắng đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền  xưng vương, đưa ra quyết định quan trọng đặt trăm quan, định ra triều nghi phẩm phục và xây dựng triều đình tại Cổ Loa, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thời kỳ này không chỉ đánh dấu sự chấm dứt ách đô hộ của chính quyền phương Bắc kéo dài hơn mười thế kỷ mà còn mở ra thời kỳ độc lập tự chủ.
Dưới thời Vương triều Ngô, mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế về mô hình nhà nước và quản lý đất nước, nhưng sự thống nhất đất nước đã bắt đầu từ thời Ngô Quyền.
Triều đình rơi vào tình trạng rối ren sau sự ra đi của Ngô Quyền vào năm 944, cùng với đó là các thổ hào, tù trưởng nổi lên khắp nơi, tạo nên tình trạng phân tán ở các địa phương. Sự chia cắt và hỗn loạn lan rộng khi con cái của Ngô Quyền cũng mất (Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn mất năm 954 và 965), 12 vùng đất biệt lập được thiết lập do 12 thủ lĩnh đứng đầu, lịch sử gọi là “Loạn 12 sứ quân”. Tuy nhiên, vào năm 967, Đinh Bộ Lĩnh  nổi lên và dẹp tan sự loạn lạc, thống nhất đất nước.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh chính thức lên ngôi Hoàng đế, đặt tên quốc gia là Đại Cồ Việt (hay còn gọi là Nước Việt lớn), và lựa chọn Hoa Lư làm đô thành, từ đó bắt đầu quản lý đất nước dưới triều chính của mình.
Vào mùa Xuân năm 970, Đinh Tiên Hoàng từ chối sử dụng niên hiệu của triều đại nhà Tống, thay vào đó, ông tự đặt niên hiệu là Thái Bình. Bằng việc "đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đủ" (Theo Toàn thư) và thiết lập niên hiệu mới, Đinh Tiên Hoàng đã khẳng định rõ ràng sự độc lập và tự chủ của Đại Cồ Việt, đồng thời bắt đầu triển khai một mô hình nhà nước mới, trong đó quyền lực tập trung vào tay quân chủ Trung ương.
Quốc hiệu "Đại Cồ Việt" bắt đầu tồn tại từ năm 968 và kéo dài cho đến năm 1054, bao gồm ba triều đại chính: Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009) và thời kỳ đầu của nhà Lý (1009-1054). Dưới triều Đinh, tổ chức bộ máy nhà nước đã trải qua sự cải tổ đáng kể: từ hình thức "Vương quyền" chuyển sang hình thức "Đế quyền" với cấp bậc được phân chia rõ ràng: Triều đình Trung ương - Đạo (trung gian) - Giáp, Xã (cơ sở).
- Thời Đinh:
Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh được biết đến như một quốc gia võ trị, với một quân đội đông và tương đối mạnh mẽ, được trang bị với đa dạng các loại bạch khí, kết hợp giữa các loại vũ khí như giáo, kiếm, côn cùng với cung, nỏ... Trong lĩnh vực pháp lý, vua Đinh đã thành lập chức vụ Đô hộ phủ sĩ sư, có trách nhiệm giám sát hình phạt, và giao phó cho Lưu Cơ nhiệm vụ này. Đồng thời, vua cũng ra lệnh đặt vạc dầu và cũi hố tại sân triều nhằm trừng phạt tội phạm.
Vua Đinh cũng tiến hành định giải phẩm cho các quan văn, võ và tăng đạo, thiết lập các chức quan trong triều chính như Sĩ sư, Tướng quân, Phò mã đô úy, Định quốc công, Ngoại giáp... Các chức vụ cao cấp này đã tồn tại trong quan chế nhà Đường và thậm chí có nguồn gốc từ thời Hán.
Ngoài ra, vua Đinh còn phong các chức quan Tăng thống, Tăng lục, Sùng chân uy nghi cho các nhà lãnh đạo của đạo Phật và đạo Giáo. Hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền cũng trải qua nhiều thay đổi, khi cả nước được chia thành 10 đạo và có 10 đạo quân tương ứng. Số lượng quân lính lên đến một triệu, trong tổng số ba triệu dân. Quân đội được trang bị mũ áo đặc biệt, phân biệt rõ ràng so với quân đội ở các khu vực khác, dưới sự chỉ huy của Thập đạo tướng quân.
Kinh đô còn có lực lượng Tứ sương quân, bao gồm hơn 3.000 người, để bảo vệ kinh thành và bảo vệ chính quyền. Trong thiết chế nhà nước, có cả quan Đô hộ phủ sĩ sư, có trách nhiệm giám sát việc thực thi án pháp. Đặc biệt, dưới triều vua Đinh, có cả chức vụ Thái tể, tương đương với chức vị Tể tướng của các triều đại sau này.
Trong lĩnh vực kinh tế, nhà vua giữ quản lý đất đai trong nước. Ngoài ra, một số ngành nghề thủ công nghiệp cũng được phát triển, như nghề thợ nề, thợ đá, mộc, chạm khắc, dát vàng bạc... Các nghề truyền thống như trồng dâu, nuôi tôm, dệt vải lụa, làm giấy tiếp tục được khuyến khích. Về văn hóa, Đạo Phật đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và tổ chức bộ máy nhà nước thời Đại Cồ Việt, đóng góp vào sự phát triển và ổn định của quốc gia.
- Thời Tiền Lê và thời đầu của nhà Lý (980 - 1054):
Dưới thời Tiền Lê và nhà Lý đầu đời (980 - 1054), sự phát triển của Đại Cồ Việt tiếp tục khẳng định nền độc lập và tự chủ của dân tộc.
- Về tổ chức bộ máy nhà nước:
Chính quyền Trung ương thời Tiền Lê được duy trì như thời Đinh, với vua nắm quyền hành dân sự và quân sự. Dưới vua là các quan văn, võ, chủ yếu là những người có công với triều đình. Vua Lê Hoàn (hay Lê Đại Hành) vẫn đặt đô ở Hoa Lư và nâng cấp cung điện vào năm 984. Năm 1006, Lê Long Đĩnh (vị hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Lê) sửa đổi quan chế và triều phục theo mô hình của nhà Tống. Chế độ phong tước và cấp thái ấp dưới thời Tiền Lê cũng được cải thiện.
Tới thời nhà Lý, các vua Lý tự xưng là Thiên tử, thành lập ngôi Hoàng hậu và Thái tử, phong tước cho người thân trong họ hàng và quan lại có công tôn phù. Hệ thống quan chức được chia làm 9 phẩm cấp, bên cạnh một số cơ quan hỗ trợ cho vua.
Chính quyền địa phương đầu thời Tiền Lê vẫn giữ 10 đạo như thời Đinh; đến năm 1002, đổi thành lộ, dưới có phủ, châu, giáp, xã.
Năm 1010, Lý Công Uẩn (vua Lý Thái Tổ) chia nước thành các lộ và phủ; dưới phủ là huyện và cuối cùng là hương, giáp; miền núi và vùng xa trung ương thì chia thành châu, trại. Đây là công cuộc cải tổ hành chính quy mô lớn, quản lý đất nước một cách toàn diện.
- Về tổ chức quân đội: Sự chú trọng vào xây dựng lực lượng quân sự để bảo vệ độc lập và chủ quyền tiếp tục thể hiện. Quân đội triều đình và địa phương được tổ chức và huấn luyện kỹ lưỡng. Thời Tiền Lê đã thấy sự xuất hiện của những chiến thuyền lớn, trong khi thời Lý, quân đội có nhiều binh chủng phong phú hơn.
- Về luật pháp:
Dưới thời Tiền Lê, vua Lê Đại Hành "định luật lệ", mặc dù việc xét xử vẫn còn tùy tiện. Thời Lý, năm 1042, Lý Thái Tông (con trưởng của vua Lý Thái Tổ) soạn "Hình thư", bộ luật thành văn đầu tiên của Việt Nam, thể hiện sự tiến bộ trong việc trị nước.
- Về kinh tế:
Nông nghiệp và nghề thủ công được khuyến khích và phát triển. Cả vua Lê Đại Hành và nhà Lý đều chú trọng vào phát triển nông nghiệp và thủ công nghiệp. Giao thương trong và ngoài nước cũng được khuyến khích.
- Về văn hóa:
Đạo Phật tiếp tục đóng vai trò lớn trong xã hội, và các loại hình văn hóa dân gian được duy trì và phát triển. Nhiều nhà vua và quý tộc đã theo đạo Phật, đề cao tư tưởng từ bi, bác ái. Trong triều, có hệ thống tăng quan, một số được phong là Quốc sư. Các loại hình văn hóa dân gian đã có từ thời Đinh vẫn được duy trì và phát triển. Bên cạnh đó, xuất hiện thêm loại hình hát tuồng.
- Về đối ngoại:
Sau chiến thắng quân Tống (năm 981), vua Lê Đại Hành của nhà Tiền Lê tiếp tục duy trì tinh thần thần phục và cử sứ bộ sang dâng cống phẩm, thể hiện sự tôn trọng và thân thiện với nhà Tống. Tuy nhiên, triều đình nhà Tiền Lê vẫn khẳng định tinh thần tự cường và độc lập của Đại Cồ Việt. Nhờ vào tinh thần này, trong khoảng gần 30 năm sau đó, đất nước được bình yên, tạo điều kiện cho việc củng cố và phát triển mọi nguồn lực nội địa.
Trong thời kỳ đầu của nhà Lý, chính sách hòa hiếu với nhà Tống tiếp tục được chăm sóc và củng cố. Đối với quan hệ với Champa ở phía Nam, đến năm 1018, quan hệ giữa Việt - Chăm duy trì mức độ hòa thuận và tương tác tích cực. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, quan hệ này trở nên căng thẳng, khiến các vua Lý phải triển khai quân đội hoặc thân chinh để đàn áp và ổn định tình hình.
Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời và phát triển, đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh của ý chí độc lập, hòa bình và thống nhất của dân tộc Việt sau hàng nghìn năm chịu chế độ Bắc thuộc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam thiết lập một chính quyền trung ương tập trung quyền lực, đánh dấu bước tiến quan trọng trong cuộc đấu tranh vì độc lập và tự do của dân tộc.
Thành công của Nhà nước Đại Cồ Việt đã khai mở một trang sử rực rỡ của dân tộc Việt Nam, trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước trong kỷ nguyên độc lập và tự chủ kéo dài qua các thời kỳ của các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần và Hậu Lê. Các chủ trương, chính sách và thành tựu của nhà nước này đã đặt nền tảng cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, tài chính, đối ngoại và giao thông trong quá trình tiến trình lịch sử của dân tộc.
1056 năm đã trôi qua trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động phức tạp, chúng ta càng nhìn thấy rõ tầm vóc, vai trò và địa vị vĩ đại của Nhà nước Đại Cồ Việt. Đây không chỉ là một bài học lịch sử quan trọng cho thời điểm hiện tại, mà còn là một di sản vĩnh cửu cho các thế hệ tương lai. Kỷ niệm 1056 năm của Nhà nước Đại Cồ Việt cũng là dịp để tôn vinh những anh hùng như Đinh Tiên Hoàng Đế, người đã có công lớn trong việc thống nhất quốc gia và lập nền móng cho nhà nước quân chủ tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam!
*Tham khảo Báo điện tử Phòng Không - Không Quân, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình/Báo Ninh Bình
Vị vua phát hành đồng tiền giấy đầu tiên trong lịch sử tiền tệ Việt Nam 
Đền thờ duy nhất có lăng mộ vị vua đầu tiên xưng Đế trong lịch sử dân tộc Việt Nam