Nhà sáng lập Huawei: Chúng tôi vẫn chưa dám nói chắc có thể tồn tại hay không
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi chia sẻ về những khó khăn của công ty do bị Mỹ cấm vận bất chấp những thành tựu đạt được trong các lĩnh vực như chip AI, hệ điều hành.
Tại cuộc trò chuyện gần đây với sinh viên và học giả Trung Quốc, ông Nhậm Chính Phi, 80 tuổi, cho rằng, Huawei  cần học hỏi từ văn hóa tiếp thu của Mỹ, thứ đã giúp nước này đạt tiến bộ khoa học và công nghệ.
Cuộc trò chuyện được công bố ngày 31/10 trên trang web của Cuộc thi Lập trình Đại học Quốc tế (ICPC).
"Mỹ đã làm gương cho tất cả các quốc gia và công ty trên toàn thế giới về sự cởi mở", ông nói tại sự kiện do Huawei tài trợ. "Nếu một quốc gia đóng cửa, nó sẽ tụt lại phía sau”.
Huawei bị cấm mua phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ các nhà cung cấp công nghệ cao của Mỹ kể từ tháng 5/2019, khi bị thêm vào danh sách đen thương mại của Washington.
Các hạn chế thương mại do chính phủ Mỹ áp đặt vào năm 2020 đã hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của công ty đối với các chất bán dẫn tiên tiến được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ Mỹ, bất kể chúng sản xuất ở đâu.
Từ đó tới nay, Huawei chuyển đổi thành lá cờ đầu trong nỗ lực tự chủ công nghệ của Trung Quốc, từ chip AI đến hệ điều hành.
Năm 2023, Huawei gây sốc khi tung ra một loạt smartphone chứa bộ vi xử lý tiên tiến được sản xuất hoàn toàn trong nước.
“Ông lớn” đại lục cũng giảm dần phụ thuộc vào Android của Google với nền tảng “cây nhà lá vườn” HarmonyOS.
Công ty còn đang phát triển chip AI nhằm thay thế loại của Nvidia.
Theo truyền thông Trung Quốc, Huawei chuẩn bị ra mắt smartphone mới – Mate 70 – trong tháng này. Nếu thông tin chính xác, nó là bằng chứng mới nhất cho thấy công ty đang từng bước giành lại lợi thế đã mất vào tay Apple, Samsung.
Hãng nghiên cứu CINNO chỉ ra, vào tháng 8, lần đầu tiên trong 46 tháng, doanh số điện thoại thông minh Huawei vượt qua iPhone.
Nguồn tin của SCMP tiết lộ Huawei đặt hàng linh kiện cho Mate 70 cao hơn 50% so với Mate 60. Công ty đã sẵn sàng để phát hành hơn 1 triệu Mate 70 trong đợt đầu.
Theo nguồn tin, Huawei bán được khoảng 12 triệu Mate 60 từ khi thiết bị lên kệ tháng 8/2023.
Linda Sui, Giám đốc cấp cao hãng nghiên cứu TechInsights, nhận xét Mate 70 sẽ là flagship Huawei thứ ba sử dụng con chip nội địa, giúp củng cố vị thế của hãng trong phân khúc smartphone cao cấp Trung Quốc.
Hệ điều hành HarmonyOS thoát ly hoàn toàn Android cho phép tích hợp sâu hơn giữa phần cứng và phần mềm, tạo lợi thế khác biệt so với các đối thủ đồng hương.
Nói về AI tại sự kiện, ông Nhậm gọi đây là xu thế “không thể cản phá”. “Tương tự cách tàu hỏa, máy dệt và tàu biển tạo ra bước ngoặt lịch sử, các ứng dụng AI đang tạo ra bước ngoặt cho thời đại chúng ta”.
Nhà sáng lập Huawei thừa nhận họ “vẫn đang gặp khó khăn”.
“Cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn chưa dám nói chắc có thể tồn tại hay không”, đồng thời nhấn mạnh Huawei thiếu quyền tiếp cận những con chip và công nghệ mới hơn so với đối thủ.
"Công nghệ và công cụ của Mỹ rất tốt... nhưng Huawei không thể sử dụng chúng; Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tạo ra các công cụ của riêng mình", ông nói. "Mở mang đổi mới và sử dụng những thành tựu tiên tiến của người khác là con đường thực sự phía trước đối với một doanh nghiệp".
Ông Nhậm thường xuyên bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình trước Mỹ và Apple.
Ông tự nhận mình là người hâm mộ Apple trong cuộc trò chuyện với các thí sinh ICPC năm ngoái.
Tại một cuộc họp nội bộ vào năm 2021, ông kêu gọi nhân viên học hỏi khoa học và công nghệ từ Mỹ.
>> Lộ diện công ty trung gian giúp Huawei có được chip TSMC bất chấp lệnh cấm của Mỹ