Nhà thơ lẫy lừng 26 tuổi đã giữ chức Bộ trưởng, là đại diện trực tiếp vào Huế tiếp nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại

11-02-2024 14:11|Quỳnh Châu

Ông là gương mặt xuất sắc của phong trào Thơ mới, nổi tiếng từ những năm cuối thập kỷ 30 của thế kỷ trước.

Ở Việt Nam, có không ít nhà thơ, nhà văn vừa hoạt động nghệ thuật vừa hoạt động cách mạng. Nhưng có lẽ Cù Huy Cận (1919-2005) là người đặc biệt nổi bật. Bởi lẽ năm 26 tuổi, ông đã giữ chức Bộ trưởng. Ông cũng là nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam, có nhiều sáng tác gây chú ý như Lửa thiêng (1939), Vũ trụ ca (1942), Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Hai bàn tay em (1967)…

Nhà thơ Huy Cận (tên thật là Cù Huy Cận) sinh ngày 31/5/1919 trong gia đình nhà nho nghèo, ở làng Ân Phú, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông theo học trung học ở Huế, đậu tú tài Pháp rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. Huy Cận sớm giác ngộ cách mạng. Từ năm 1942, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh, tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào năm 1945, được bầu vào Ủy ban Giải phóng (Chính phủ lâm thời).

Chân dung nhà thơ Huy Cận

(TyGiaMoi.com) - Chân dung nhà thơ Huy Cận

Sau cách mạng, Huy Cận là một trong những nhà thơ gánh nhiều trọng trách. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời (cùng các ông Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu) vào Huế tiếp nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Huy Cận nhận chức Bộ trưởng Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khi mới 26 tuổi (có tài liệu ghi là 28 tuổi). Sau này, ông làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, rồi Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Từ 1984, ông là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Đến năm 2001, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm thơ thế giới.

Năm 1946, chính Cù Huy Cận khi đó là Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Nghị định thành lập Học viện An ninh nhân dân. Ngày 25/6/1946, Học viện An ninh nhân dân chính thức được thành lập, đây cũng là ngày truyền thống của đơn vị này.

Ông Cù Huy Cận còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời giao phụ trách vấn đề giúp đỡ nước bạn Lào. Theo "Biên bản họp Hội đồng Chính phủ năm 1945" và cuốn "Hồi ký song đôi" của nhà thơ Huy Cận, ông được Chính phủ ủy nhiệm giúp đỡ bí mật cho cách mạng Lào, thông qua đại diện là Hoàng thân Suphanuvông để tổ chức kháng chiến. Chính phủ Việt Nam lúc đó đã giúp vũ khí trị giá 4.000 đồng tiền Đông Dương và giao cho tỉnh Quảng Trị giúp 2 tiểu đội đi theo Hoàng thân Suphanuvông sang Lào. Có thể nói, Huy Cận là người đầu tiên được Chính phủ giao thực hiện công tác an ninh tình báo đối ngoại - giúp đỡ bí mật cho cách mạng nước ngoài.

Có thể thấy, nhà thơ Huy Cận quả thật có duyên với ngành Công an và để lại những dấu mốc đặc biệt với 3 sự kiện đầu tiên của ngành Công an: ông là người đầu tiên thực hiện chức năng của một “Điều tra viên cao cấp nhất”; là người ký văn bản thành lập các trường, lớp huấn luyện công an đầu tiên và là người đầu tiên đại diện cho ngành Công an trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn đầu tiên của lịch sử Quốc hội.

Huy Cận cũng là một nhà thơ được ở gần Bác Hồ, được kết nạp và tôn vinh là Viện sĩ Viện thơ thế giới, từng là Đại biểu quốc hội ba khóa. Huy Cận nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996. Năm 2005, ông được truy tặng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao nhất ghi nhận đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước.

Nhà thơ Huy Cận và nhà thơ Xuân Diệu thời trẻ. Ảnh: Cù Huy Hùng/Tư liệu

(TyGiaMoi.com) - Nhà thơ Huy Cận và nhà thơ Xuân Diệu thời trẻ. Ảnh: Cù Huy Hùng/Tư liệu

Về gia đình, Huy Cận chính là em rể của nhà thơ Xuân Diệu. Sinh thời ông có 2 người vợ, trong đó, vợ đầu là bà Ngô Xuân Như - em gái của nhà thơ Xuân Diệu. Không chỉ là em rể - anh vợ, cặp đôi Huy Cận - Xuân Diệu còn vô cùng thân thiết ngoài đời thực. Họ là đôi bạn tri kỷ, thậm chí, Xuân Diệu còn sống cùng gia đình Huy Cận ở ngôi nhà tại 24 Cột Cờ (Điện Biên Phủ), Hà Nội đến tận cuối đời.

>> Hé lộ nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam: Thuyền trưởng đầu tiên chỉ huy tàu ‘không số’ và là thủ lĩnh của ‘Đội quân tóc dài’

Vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam lên ngôi 2 lần, có 4 người con liên tiếp đều lên ngôi vua

‘Thủ lĩnh' nhóm cứu hộ FAS Angel: Đằng sau những đêm dài giành mạng sống với ‘tử thần’ trên đường phố Hà Nội và tấm Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nha-tho-lay-lung-26-tuoi-da-giu-chuc-bo-truong-la-dai-dien-truc-tiep-vao-hue-tiep-nhan-le-thoai-vi-cua-vua-bao-dai-d115032.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nhà thơ lẫy lừng 26 tuổi đã giữ chức Bộ trưởng, là đại diện trực tiếp vào Huế tiếp nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại
    POWERED BY ONECMS & INTECH