Nhà thuốc An Khang đóng cửa hơn 200 cửa hàng từ đầu năm, lỗ lũy kế 982 tỷ đồng
Trong 9 tháng đầu năm 2024, nhà thuốc An Khang lỗ thêm 320 tỷ đồng.
Theo báo cáo kinh doanh mới đây của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG ), chuỗi nhà thuốc An Khang  ghi nhận có 326 cửa hàng đang hoạt động tính đến cuối tháng 10/2024. Con số này đã không thay đổi trong suốt ba tháng liên tiếp sau giai đoạn liên tục cắt giảm trước đó, cho thấy chuỗi nhà thuốc này có thể đã hoàn tất quá trình tái cấu trúc.
So với đầu năm, An Khang đã đóng cửa 201 nhà thuốc, tương đương giảm 38% số lượng điểm bán. Giai đoạn tinh gọn đạt đỉnh vào tháng 7/2024, khi chuỗi cắt giảm tới 94 cửa hàng chỉ trong một tháng. Sau đó, An Khang đã dừng việc đóng cửa và tập trung vào ổn định hoạt động.
Chuỗi nhà thuốc An Khang đã dừng hoạt động cắt giảm các cửa hàng |
Thế giới Di động bắt đầu tham gia thị trường dược phẩm từ năm 2018 thông qua việc đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang. Nhờ tốc độ mở rộng nhanh chóng, chuỗi này đạt mốc 500 cửa hàng vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh không đạt kỳ vọng. Từ việc lỗ nhẹ vài tỷ đồng trong các năm 2019 và 2020, An Khang bắt đầu gánh chịu các khoản lỗ lớn hơn khi chi phí vận hành tăng mạnh do mở rộng quy mô. Năm 2022, doanh nghiệp lỗ 306 tỷ đồng, con số này tiếp tục tăng lên 343 tỷ đồng vào năm 2023. Trong 9 tháng đầu năm 2024, chuỗi nhà thuốc lỗ thêm 320 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên 982 tỷ đồng.
Báo cáo từ ACBS cho thấy An Khang dự kiến sẽ chỉ đóng góp khoảng 2% tổng doanh thu của MWG trong giai đoạn 2024-2025. Chuỗi nhà thuốc này sẽ tập trung tăng doanh thu trên từng cửa hàng và tối ưu hóa hoạt động vận hành. Nhờ quá trình tái cấu trúc vừa qua, doanh thu của An Khang đã có dấu hiệu tăng trưởng trong tháng 9 và 10/2024, đồng thời mức lỗ cũng được thu hẹp.
Trong cuộc họp nhà đầu tư gần đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em  - CEO chuỗi nhà thuốc An Khang - cho biết chiến lược tái cấu trúc của chuỗi gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, công ty tập trung thu gọn mô hình, đó là lý do đóng hơn 200 cửa hàng.
Sang giai đoạn tiếp theo, MWG sẽ hoàn thiện mô hình kinh doanh, đồng thời không loại trừ khả năng tìm kiếm nguồn lực từ bên ngoài để cải thiện danh mục sản phẩm, chuyên môn dược sĩ và vận hành hệ thống. Theo ông, điều này cần thiết khi dược phẩm là một ngành đặc thù, về dài hạn, chuỗi nhà thuốc này phải hướng tới điểm hòa vốn và có lời.
Nhà thuốc An Khang đã ổn định trở lại sau 'cơn bão' đóng cửa 
Nhờ AI, Long Châu dẫn đầu thị trường dược phẩm, vượt xa Pharmacity và An Khang