Nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém: MB, VPBank, Vietcombank và HDBank được hưởng lợi gì?
Cả 4 ngân hàng yếu kém bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015.
Sau khi hoàn tất việc chuyển giao bắt buộc  (CGBB) ngân hàng CBBank và OceanBank lần lượt cho Vietcombank  và MB  vào tháng 10/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục thực hiện chuyển giao hai ngân hàng yếu kém khác gồm DongA Bank (DAB) và GPBank, lần lượt cho HDBank  và VPBank  vào ngày 17/01/2025.
Cả bốn ngân hàng trên đều bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015. Trong đó, vốn điều lệ của các ngân hàng này không thay đổi so với thời điểm trước khi bị kiểm soát. Đặc biệt, ba ngân hàng OceanBank, CBBank và GPBank đã được NHNN mua bắt buộc với giá "0 đồng".
Sau chuyển giao bắt buộc, CBBank, Oceanbank, GPBank, DongA Bank tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do ngân hàng nhận chuyển giao sở hữu 100% vốn điều lệ, được thực hiện các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại theo quy định.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém là nhiệm vụ hết sức khó khăn, không chỉ đối với NHNN mà còn đối với các Ngân hàng Trung ương trên thế giới. Đây là một nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, đòi hỏi nhiều thời gian, nỗ lực cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành ngay từ giai đoạn đầu xây dựng đề án.
Các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được hưởng lợi gì?
Theo quy định của Luật các TCTD 2024 (sửa đổi), ngân hàng nhận CGBB không phải hợp nhất BCTC của ngân hàng yếu kém được chuyển giao. Ngân hàng nhận chuyển giao được phép loại trừ ngân hàng yếu kém khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất và các giới hạn tín dụng theo quy định. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, việc không hợp nhất và được loại trừ các khoản liên quan giúp ngân hàng nhận CGBB giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực lên báo cáo tài chính, đồng thời duy trì các tỷ lệ an toàn, giới hạn theo quy định một cách hợp lý nhất.
Ngân hàng nhận CGBB được vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất tương đương lãi suất cho vay hoặc gửi tiền tại ngân hàng yếu kém. Số tiền và thời hạn vay tái cấp vốn không vượt quá số tiền và thời hạn mà ngân hàng nhận CGBB đã cho vay hoặc gửi tại ngân hàng yếu kém. Theo VDSC, chính sách này giúp ngân hàng nhận CGBB duy trì thanh khoản, tránh chi phí vốn cao và đảm bảo cân đối kỳ hạn.
Một ưu đãi quan trọng khác là ngân hàng nhận CGBB được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc. VDSC đánh giá, điều này sẽ giúp NHTM nhận CGBB tăng tính linh hoạt trong quản lý vốn khi tăng lượng vốn khả dụng để cho vay và đầu tư, qua đó tăng tốc độ tăng trưởng Tổng tài sản. NHTM nhận CGBB cũng có thể cải thiện khả năng sinh lời nếu tận dụng nguồn vốn tự do mới này để đầu tư vào các tài sản sinh lời cao.
Về quy định NHTM nhận CGBB không bị hạn chế về tỷ lệ mua, nắm giữ, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, VDSC đánh giá điều này sẽ gia tăng khả năng tăng trưởng tổng tài sản hiệu quả khi có thể nhanh chóng phân bổ nguồn vốn huy động vào các các tài sản có tính thanh khoản cấp, bên cạnh kênh liên ngân hàng, trong khoảng thời gian nhất định.
Với quy định cho phép NHTM nhận CGBB được phát hành trái phiếu dài hạn cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, điều này sẽ giúp các ngân hàng nhận chuyển giao tăng vốn cấp 2 hoặc bổ sung vốn dài hạn với ưu đãi về chi phí vốn – Theo VDSC.
Luật các TCTD 2024 cũng cho phép các NHTM nhận CGBB được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc. VDSC cho rằng, quy định này sẽ tạo động lực để NHTM nhận CGBB quyết liệt tái cấu trúc thành công các TCTD được CGBB thông qua lợi ích về tài chính và đảm bảo đáp ứng quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần tại TCTD là là Công ty TNHH theo phương án CGBB.
Luật sư nói gì?
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Lan Hương - Văn phòng Luật sư Đại Quốc Việt cho biết, tại Khoản 1 Điều 185 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của bên nhận chuyển giao bắt buộc là tổ chức tín dụng.
Cụ thể, bên nhận chuyển giao sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc trong trường hợp ngân hàng này chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên. Ngoài ra, bên nhận chuyển giao được phép góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt và quy định liên quan.
Khoản vốn góp vào ngân hàng được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của bên nhận chuyển giao bắt buộc.
Về quản trị và điều hành, bên nhận chuyển giao không cần hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng được chuyển giao và được loại trừ ngân hàng này khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất. Trong khi đó, bên nhận chuyển giao được quyền quản lý, giám sát tổ chức và hoạt động cũng như lựa chọn nhân sự tham gia quản trị, điều hành ngân hàng được chuyển giao...
Về chính sách tài chính, bên nhận chuyển giao được vay tái cấp vốn với lãi suất bằng lãi suất bên nhận chuyển giao bắt buộc cho vay, gửi tiền tại ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc, giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc... Ngoài ra, bên nhận chuyển giao được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc.
Bà Lan Hương cho biết, điều này đặt ra các cơ chế đảm bảo quá trình chuyển giao bắt buộc diễn ra thuận lợi, tạo điều kiện và khuyến khích cho tổ chức tín dụng nhận chuyển giao quản lý hiệu quả ngân hàng thương mại được chuyển giao.
Chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng GPBank và DongA Bank, Ngân hàng Nhà nước nói gì? 
4 ngân hàng yếu kém vừa hoàn tất chuyển giao bắt buộc có quy mô ra sao?