Tài chính Ngân hàng

Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém: Đừng để bình mới rượu cũ!

Duy Quang 11/04/2025 21:00

Các chuyên gia cho rằng rằng, động thái chuyển giao bắt buộc gần đây đã tạo ra động lực thay đổi thực sự cho các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, vấn đề vẫn là câu chuyện khả năng khôi phục dòng tiền kinh doanh đi cùng việc giám sát chặt chẽ về lợi ích nhóm và sở hữu chéo - là những yếu tố đã từng khiến cho nhiều thương vụ tái cấu trúc trước đó thất bại.

Tái cấu trúc ngân hàng có bước tiến mới

Hoạt động tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém trong hệ thống gần đây có diễn biến mới, khi 4 ngân hàng yếu kém chia nhau “nhập” vào một ngân hàng quốc doanh, ba ngân hàng thương mại tư nhân theo kiểu “mẹ con”.

Động thái này diễn ra sau gần 15 năm Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua lại 3 ngân hàng yếu kém với giá “0 đồng”, sau đó kiểm soát đặc biệt thêm Ngân hàng Đông Á.

Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém: Đừng để bình mới rượu cũ! ảnh 1
Ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - chủ trì Hội thảo “Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?” do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 11/4.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, các ngân hàng trên nhiều năm qua vẫn làm ăn thua lỗ, không vực dậy được. Điều này nói lên đợt tái cấu trúc theo phương án Ngân hàng Nhà nước mua lại và tái cấp vốn là thất bại, ông Hiếu chia sẻ tại Hội thảo “Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?” do báo Tiền Phong tổ chức sáng ngày 11/4.

Tương tự, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC - nhìn nhận, ở khía cạnh pháp lý, câu chuyện vẫn chưa được giải quyết triệt để trên khía cạnh pháp lý, dù khái niệm “chuyển giao bắt buộc” để cơ cấu lại đã có trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017, được hiện thực hóa vào cuối năm 2024.

Ở góc độ khác, PGS. TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - chia sẻ, việc tái cơ cấu ngân hàng thành công hay không trong 10 năm qua cần xem xét ở nhiều góc độ.

“Cá nhân tôi cho rằng bảo vệ được người gửi tiền, không bất ổn hệ thống là tái cơ cấu ngân hàng thành công”, ông Trung nói.

Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém: Đừng để bình mới rượu cũ! ảnh 2
PGS, TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, định nghĩa thành công còn được đo lường bằng bổ sung từ góc nhìn của “người cho vay cuối cùng” là Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, mặc dù nói là “0 đồng” nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn phải cho vay tái cấp vốn, cho vay đặc biệt. Những ngân hàng yếu kém này phải “gánh nợ” và nếu tái cơ cấu không thành công thì những khoản này có thể mất.

“Đứng trên quan điểm cơ quan quản lý thì mục tiêu tái cấu trúc là hệ thống không đổ vỡ, dân không mất tiền, và cuối cùng Nhà nước không mất tiền”, ông Thành nói.

Trong 15 năm qua, Việt Nam có nhiều ngân hàng buộc phải tái cơ cấu, chủ yếu giai đoạn 2011-2015. Có bốn giải pháp bao gồm sáp nhập, hợp nhất, nhà đầu tư mới tham gia và chuyển giao bắt buộc. Có những trường hợp thất bại, nhưng cũng nhiều phương án thành công.

Ở góc độ thành công, một kinh nghiệm rút ra là ngân hàng nhận sáp nhập phải lớn hơn, mạnh hơn ngân hàng bị sát nhập chẳng hạn như trường hợp Habubank với SHB, hay Đại Á Bank với HDBank. Điều kiện là ngân hàng nhận sáp nhập sẽ dùng nguồn lực của họ để xử lý khi thấy được lợi ích.

Ở những trường hợp thất bại, đa phần đến từ sự tham gia của các nhà đầu tư mới thiếu nguồn lực tài chính, từ đó dẫn đến việc tăng vốn ảo. “Muốn tái cơ cấu mà không dùng nguồn lực thực thì là ảo, tay không bắt giặt”, ông Thành chia sẻ.

Cẩn trọng với mô hình chuyển giao bắt buộc

Trước bước tiến mới khi chuyển ngân hàng yếu kém từ Ngân hàng Nhà nước sang nhóm ngân hàng cổ phần, luật sư Trương Thanh Đức vẫn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của vấn đề cơ sở pháp lý trong dài hạn.

Vấn đề đặt ra là khái niệm “chuyển giao đặc biệt” tương đương với việc cổ đông mất đi toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ. Tuy nhiên việc chuyển giao sang nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân thì lại chưa thể xác định được đây là mối quan hệ pháp lý gì, dẫn đến khó xác định mối quan hệ kinh tế. Việc đưa ra mô hình ngân hàng mẹ con cũng được ông Đức nói là giải pháp tình thế.

“Quan trọng là phải vững về pháp lý và cả kinh tế thì mới có thể giải quyết hiệu quả việc tái cơ cấu ngành ngân hàng. Nên định hình xa hơn chứ không nên loay hoay với các giải pháp chữa cháy”, ông Đức nhìn nhận.

Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém: Đừng để bình mới rượu cũ! ảnh 3
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu lo ngại vấn đề về minh bạch và tuân thủ các nguyên tắc tài chính khi các ngân hàng nhận sáp nhập có ưu đãi lớn, như không hợp nhất số liệu tài chính của ngân hàng con, trong khi được quyền sáp nhập tài sản như bất động sản hay nguồn nhân lực.

Ngân hàng nhận chuyển giao được loại trừ mức lỗ của ngân hàng con là không phù hợp với nguyên tắc kế toán và thông lệ quốc tế. Dẫn đến nguy cơ các ngân hàng mẹ có thể “đẩy” các khoản tài sản xấu về ngân hàng con. “Trong quá khứ, các tập đoàn bất động sản thường là nhóm lợi ích tại các ngân hàng thương mại đã gây ra nhiều hệ lụy”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Thêm nữa, tái cấu trúc được xem là thành công phải giải quyết tận gốc tình trạng sở hữu chéo thao túng cho vay sân sau, đã được nhiều bên nói đến. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng vấn đề tái cơ cấu quan trọng là thiếu nguồn lực để xử lý, từ đó dẫn đến những sai lầm nối tiếp khi vay nợ mới để trả nợ cũ hay tăng vốn, không có nguồn thu và khách hàng.

Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém: Đừng để bình mới rượu cũ! ảnh 4
TS Nguyễn Trí Hiếu lo ngại vấn đề về minh bạch và tuân thủ các nguyên tắc tài chính khi các ngân hàng nhận sáp nhập có ưu đãi lớn.




Từ góc độ cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước cần có khung quản lý, thanh tra giám sát phù hợp với bức tranh tăng trưởng phức tạp của ngành. Ông Hiếu chia sẻ, ở Mỹ, việc thanh tra, giám sát ngân hàng cần một hệ thống giám sát liên ngành gồm nhiều chuyên môn khác nhau tại Mỹ Cơ quan bảo hiểm tiền gửi có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thanh tra hoạt động của ngân hàng, không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ mà còn đặt trọng tâm vào việc giám sát năng lực quản trị, điều hành của ngân hàng và đưa ra những cảnh báo rủi ro từ rất sớm.

Thị trường hiện nay hiện còn lại Ngân hàng SCB, sau khi 4 ngân hàng yếu kém giai đoạn trước đã có địa chỉ mới. Thông tin liên quan gần đây cho thấy một tập đoàn tư nhân, tức doanh nghiệp phi tài chính, muốn tham gia tái cấu trúc ngân hàng trong vòng 15 năm. Việc tái cơ cấu ngân hàng này dù diễn ra dưới bất kỳ hình thức nào thì điều kiện tiên quyết là đối tác phải có “thực lực” và không thao túng theo kiểu “hệ sinh thái”.

>> Đơn vị vừa nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng, yếu kém nói gì?

Nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, các ngân hàng lớn 'đủ lực' để hấp thụ và tiếp quản

Chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém: Cơ hội hay gánh nặng cho ngân hàng mẹ?

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/chuyen-giao-bat-buoc-ngan-hang-yeu-kem-dung-de-binh-moi-ruou-cu-post1732879.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém: Đừng để bình mới rượu cũ!
    POWERED BY ONECMS & INTECH