Chứng khoán Aseansc dự báo, trong phiên giao dịch 17/6/2022, sự giằng co có thể diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.200 - 1.220 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.240 – 1.260 điểm.
Tổng quan thị trường chứng khoán ngày 16/6
Thị trường chứng khoán tăng mạnh ngay khi mở cửa phiên chiều, VN-Index và VN30 nhanh chóng lấy lại các mốc hỗ trợ đã mất chỉ sau ít phút giao dịch, sau đó đà tăng tiếp tục mở rộng. Dù vậy lực bán trong phiên ATC đã khiến chỉ số không thể đóng cửa ở ngưỡng cao nhất phiên với nhiều cổ phiếu bất ngờ giảm điểm.
Rổ VN30 có tới 28 mã tăng, 2 mã đóng cửa trong sắc đỏ là VIC và SSI với tỷ lệ giảm lần lượt là 0,1% và 2,2% trong đó không phải POW hay MSN, MWG mới là cổ phiếu giữ sắc tím trần khi đóng cửa.
Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức năm 2021.
Cụ thể, Thế giới Di động chuẩn bị trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng gấp đôi từ khoảng 7.320 tỷ đồng lên 14.640 tỷ đồng.
Hôm nay là phiên đáo hạn HĐTL chỉ số VN30 và được tính theo phương thứ mới và chính điều này khiến biến động của thị trường về cuối phiên là không còn quá đột biến. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản gây bất ngờ khi vấp phải áp lực bán và lao dốc trong đó VND giảm đến 6,7%; DIG, LDG và KHG đều bị kéo xuống mức giá sàn.
Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 22,7 điểm (1,87%) lên 1.236,63 điểm; toàn sàn có 298 mã tăng, 154 mã giảm và 52 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,52 điểm (1,6%) lên 287,77 điểm; toàn sàn có 113 mã tăng, 47 mã giảm và 83 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,6 điểm (0,68%) lên 89,25 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.990 tỷ đồng - giảm 5,5% trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 11,2% xuống còn 6.976 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng mạnh 700 tỷ đồng ở sàn HOSE.
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 17/6
CTCK Yuanta Việt Nam: Thị trường vẫn đang ở giai đoạn hồi phục kỹ thuật
Yuanta cho rằng thị trường có thể quay trở lại đà giảm và chỉ số VN-Index có thể sẽ chưa thể vượt được vùng kháng cự 1,260 – 1,285 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao, đặc biệt thanh khoản suy yếu tại các nhịp hồi cho thấy thị trường vẫn đang ở giai đoạn hồi phục kỹ thuật và nhịp hồi phục có thể sẽ nhanh chóng kết thúc. Vùng hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số VN-Index là 1.210 - 1.215 điểm.
CTCK Agribank (Agriseco): Áp lực bán vẫn chiếm ưu thế
Về đồ thị kỹ thuật, VN-Index phiên 16/6 cho tín hiệu khả quan khi đóng cửa với một cây nến xanh trên vùng 1.235 điểm. Tuy nhiên độ tin cậy của cây nến vẫn chưa cao do thanh khoản trong phiên ở mức thấp. Vì vậy chỉ số có thể cần thêm 2 - 3 phiên để kiểm định lại các vùng hỗ trợ trước khi bật tăng trở lại. Chỉ báo MACD hiện đã cắt đường tín hiệu đi xuống cho thấy áp lực bán vẫn chiếm ưu thế.
CTCK Asean (Aseansc): Áp lực chốt lời trong phiên 17/6
Aseansc nhận thấy đang có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngành và đà tăng chủ yếu đóng góp bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Dự báo trong phiên giao dịch 17/6, sự giằng co có thể diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.200 - 1.220 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.240 – 1.260 điểm.
CTCK Vietcombank (VCBS): Tiếp tục sideway quanh 1.230 - 1.300
VCBS đánh giá việc thanh khoản có phần sụt giảm và có áp lực bán vào phiên ATC của ngày 16/06 cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn rất dễ dao động khi thị trường biến động mạnh.
Về góc nhìn kĩ thuật, VN-Index sau khi chạm hỗ trợ mạnh đã có nhịp bật hồi quay trở lại, các chỉ báo như MACD, ADX, RSI cũng dần đi ngang và có xu hướng nhích dần lên cho thấy đà giảm đã chững lại. Trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ tiếp tục giao dịch sideway quanh khu vực 1.230 – 1.300.
Nhận định chứng khoán phiên 2/1/2025: VN-Index có thể lùi về 1.255 điểm 
Chứng khoán Pinetree: VN-Index 2025 và những kỳ vọng bứt phá nhờ nâng hạng thị trường