VNDirect nêu 2 kịch bản 'deal' thuế đối ứng với Mỹ, nhà đầu tư cần chuẩn bị gì?
Nếu Mỹ không quá mạnh tay, mức thuế áp lên hàng hóa Việt Nam chỉ quanh 20–25%, Việt Nam hoàn toàn có thể giữ vững lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu tác động tới xuất khẩu và duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025.
Ngày 9/4, mức thuế đối ứng của Mỹ chính thức có hiệu lực (từ 0h01 ngày 9/4 theo giờ miền Đông, tức 11h01 giờ Việt Nam), khởi đầu một chu kỳ bất định mới cho hoạt động thương mại toàn cầu.
Hàng nhập khẩu từ 86 quốc gia/vùng lãnh thổ hiện phải chịu mức thuế cao hơn từ 11% đến 84%. Trung Quốc sẽ phải chịu tổng mức thuế 104% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, gồm mức thuế đối ứng 34% và mức thuế bổ sung 50% do ông Trump quyết định vào 8/4.
![]() |
Hàng chục quốc gia bắt đầu chịu mức thuế quan mới khi xuất khẩu vào Mỹ kể từ sau 11h ngày 9/4 (giờ Việt Nam) |
Tác động tức thì đã thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán Việt Nam: VN-Index có lúc giảm gần 60 điểm trong phiên sáng, mất mốc 1.100 điểm, nâng tổng mức điều chỉnh lên hơn 215 điểm chỉ trong vòng 4 ngày kể từ khi ông Donald Trump công bố các mức thuế dự kiến áp lên hàng hóa từ các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Đinh Quang Hinh – Trưởng bộ phận Phân tích vĩ mô và thị trường chứng khoán của Chứng khoán VNDirect, với thặng dư thương mại hơn 104,6 tỷ USD trong năm 2024 (sau mức gần 100 tỷ USD năm trước), Việt Nam đã lọt nhóm các quốc gia dễ chịu mức thuế đối ứng cao nhất – tới 46%. Mức thuế này, nếu áp lên diện rộng, sẽ là cú đánh mạnh vào các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, vốn tăng trưởng đều đặn 2 năm liên tiếp qua Mỹ.
Tuy nhiên, thị trường không chỉ có một kịch bản. Theo VNDirect, hai khả năng đang được các nhà đầu tư quan tâm:
- Kịch bản tiêu cực: Thuế cao, rủi ro lớn
Nếu mức thuế áp dụng là 46% – cao hơn đáng kể so với các nước như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia – hàng hóa Việt Nam sẽ giảm sức cạnh tranh, giá bán tới tay người tiêu dùng Mỹ bị đẩy lên, dẫn tới sụt giảm cầu, đặc biệt với các mặt hàng nhạy cảm về giá như dệt may, da giày, gỗ, nông sản.
Trong kịch bản này, xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm 20–25%, tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 9–11%. Tăng trưởng GDP năm 2025 có thể thấp hơn 2–3 điểm % so với kịch bản không bị áp thuế.
- Kịch bản tích cực: Thuế thấp, vẫn giữ lợi thế
Nếu mức thuế áp dụng chỉ ở mức 20–25%, thấp hơn Trung Quốc và ngang bằng các đối thủ cạnh tranh, Việt Nam vẫn giữ được sức cạnh tranh tương đối. Xuất khẩu sang Mỹ có thể chỉ giảm nhẹ 5–10%, tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 3–5%, tăng trưởng GDP năm 2025 có thể chỉ giảm nhẹ 0,5–1 điểm %.
Lối đi nào cho Việt Nam và nhà đầu tư?
Mỹ là thị trường lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024. Tuy nhiên, vẫn còn 70% thị phần đến từ các thị trường khác. VNDirect cho rằng, chiến lược đa dạng hóa xuất khẩu là mấu chốt trong giai đoạn bất định hiện nay.
Việt Nam có quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN và đang là thành viên của các hiệp định thương mại tự do lớn như CPTPP, EVFTA, RCEP – tạo lợi thế dài hạn. Ở cấp ngành, nhóm sản phẩm phụ thuộc cao vào Mỹ như gỗ, dệt may, giày dép, điện tử sẽ cần tái cơ cấu thị trường và chuỗi cung ứng. Ngược lại, các nhóm thép, điện thoại, thủy sản, máy ảnh… có mức độ lệ thuộc thấp hơn có thể tránh được cú sốc trực tiếp.
Một giải pháp khác là tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, đặc biệt là nông sản, LNG và máy bay – vừa đảm bảo nhu cầu trong nước, vừa giúp cân bằng cán cân thương mại, giảm rủi ro bị Mỹ áp thuế ở mức cao.
Dưới góc độ đầu tư, diễn biến thuế quan sẽ tiếp tục tạo ra biến động mạnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc xác lập kịch bản cụ thể, theo dõi phản ứng của Chính phủ và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ là yếu tố then chốt để đánh giá lại triển vọng từng nhóm cổ phiếu. Sự phân hóa sẽ diễn ra sâu sắc hơn bao giờ hết – đó là lúc nhà đầu tư cần nhìn xa hơn thị trường Mỹ.
Mỹ áp thuế đối ứng 46%: Kinh tế TP.HCM ứng phó thế nào?
Bất động trước cú rơi 200 điểm của VN-Index: ITA và hai thập kỷ từ 'hàng khủng' hóa thành 'hàng chợ'