Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, trong tuần tới, thị trường có thể tiếp tục diễn biến thăm dò để các chỉ số kiểm định các ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự đang ở khá gần. Nếu như những VNMidcap, VNSmallcap và HNX-Index đóng cửa dưới hỗ trợ MA10 ngày, nhiều khả năng nhóm cổ phiếu đầu cơ sẽ tiếp tục bị bán tháo.
Tổng quan thị trường chứng khoán tuần từ 20 - 24/9/2021:
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 1,47 điểm (-0,11%), xuống 1.351,17 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 1,8% lên 107.830 tỷ, khối lượng tăng 15% lên 4.194 triệu cổ phiếu.
HNX-Index tăng 1,66 điểm (+0,49%), lên 359,63 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 6,1% lên 18.774 tỷ đồng, khối lượng tăng 9,8% lên 950 triệu cổ phiếu.
Về diễn biến dòng tiền, giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán vẫn là điểm tích cực của thị trường trong bối cảnh khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng.
Cụ thể, theo dữ liệu của FiinPro, khối ngoại mua vào hơn 36 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE, trị giá 1.393 tỷ đồng trong khi bán ra 28,4 triệu cổ phiếu, trị giá 1.305 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức hơn 7,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 87 tỷ đồng. Tuy nhiên so với tuần trước đó thì mức mua ròng nói trên giảm đến 92%. Đây cũng là tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp của dòng vốn này trên HOSE với tổng cộng 1.282 tỷ đồng.
Trái ngược với dòng vốn tự doanh, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp trên HOSE với giá trị giảm 80% so với tuần trước và ở mức 829 tỷ đồng. Tính chung cả 7 tuần vừa qua, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng tổng cộng 17.968 tỷ đồng.
Về diễn biến giá cổ phiếu, trong tuần, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng nhờ sức bật tương đối tốt ở phiên cuối tuần đã giúp cho VN-Index tổng thể không giảm sâu, với một số cổ phiếu như VCB (+2,4%), TCB (+1,7%), MBB (+3,1%), ACB (+1,3%), TPB (+2%), MSB (+2,56%), OCB (+7,88%)...
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm tăng vượt xu hướng thị trường với BVH (+9,7%), BMI (+5,97%), MIG (+4,35%), BIC (+3,62%), PRE (+5,29%), PTI (+9,71%), và đặc biệt là PVI (+16,08%)...
Nhóm bảo hiểm tăng đến từ lực đẩy thông tin Phụ lục Nghị định 31/2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây quy định không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) đối với lĩnh vực bảo hiểm.
Bên cạnh đó là việc Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm dự kiến có hiệu lực từ năm 2023.
Ở chiều ngược lại, ngành cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất, trong đó, nhóm thép với các mã HPG (-1,9%), HSG (-2,4%), NKG (-1,3%), TLH (-10,49%), POM (-4,35%), VIS (-4,36%), ...Nhóm hóa chất, phân bón với DPM (-1%), DCM (-2%), DGC (-5,1%), BFC (-3,63%), LAS (-4,79%)...
Nhận định chứng khoán tuần từ 27/9 - 1/10/2021:
CTCK Bản Việt (VCSC): Thăm dò để kiểm định
Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của các chỉ số vẫn được duy trì Tích cực với tâm lý thăm dò của các bên mua và bên bán. Tín hiệu cạnh báo suy yếu xuất hiện trên đồ thị VNMidcap, VNSmallcap và HNX-Index trong khi VN-Index, VN30 chưa vượt qua kháng cự mạnh.
VCSC dự báo trong phiên tới, thị trường có thể tiếp tục diễn biến thăm dò để các chỉ số kiểm định các ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự đang ở khá gần. Nếu như những VNMidcap, VNSmallcap và HNX-Index đóng cửa dưới hỗ trợ MA10 ngày, nhiều khả năng nhóm cổ phiếu đầu cơ sẽ tiếp tục bị bán tháo. Ngược lại, nếu VN-Index có thể hồi phục được từ vùng hỗ trợ MA10, MA20 ngày tại 1.340 - 1.347 điểm để đóng cửa trên mốc 1.355 điểm, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ thu hút được dòng tiền thị trường, giúp chỉ số này có thể tăng lên vùng 1.375 điểm hoặc cao hơn. Mặc dù vậy, nếu VN-Index đóng cửa dưới 1.340 điểm, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng với kịch bản giảm điểm của cả thị trường.
CTCK MB (MBS): Đi ngang ở vùng 1.327 điểm - 1.360 điểm
Thị trường chứng khoán trong nước tuy chỉ giảm nhẹ nhưng cổ phiếu giảm trên diện rộng khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục điều chỉnh từ đỉnh, đáng chú ý là thanh khoản sụt giảm cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng.
Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE giảm còn 16.724 tỷ đồng từ mức 21.771 tỷ đồng ở phiên hôm 23/9, đây cũng là mức thanh khoản thấp nhất trong tuần.
Dòng tiền tỏ ra thận trọng rõ nét trong phiên cuối tuần và đây cũng là tuần thứ 2 liên tiếp thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE chỉ ở mức bình quân 20.000 tỷ đồng. Thị trường đã đi ngang trong 3 tuần vừa qua trong bối cảnh chứng khoán thế giới biến động và nhóm cổ phiếu đầu cơ có dấu hiệu đạt đỉnh. Do vậy, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục dao động trong xu hướng đi ngang ở vùng 1.327 - 1.360 điểm khi dòng tiền trở nên thận trọng và giải ngân ở các phiên điều chỉnh.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): Bán giảm tỷ trọng
VN-Index tăng điểm giằng co trong biên độ hẹp trước khi suy yếu và đánh mất sắc xanh về cuối phiên. Theo quan sát, chỉ số vẫn đang vận động đi ngang quanh cạnh trên của mẫu hình tam giác cân. Một phiên bứt phá, vượt qua vùng cản 1.46x với thanh khoản tăng trở lại là tín hiệu xác nhận cho khả năng tiếp nối xu hướng tăng điểm.
Mặc dù vậy, trước khi kịch bản này xảy ra, khả năng một lần nữa VN-Index quay xuống test lại cạnh dưới tam giác, nằm tại vùng 1.41x, vẫn còn để ngỏ. Nhà đầu tư nên duy trì vị thế trung hạn và bán giảm vị thế trading ngắn hạn nếu chỉ số không vượt cản thành công trong phiên kế tiếp.
Chứng khoán BIDV (BSC): Tái cơ cấu danh mục theo KQKD quý III của doanh nghiệp
Các tín hiệu phân tích kỹ thuật tuần và ngày vẫn đang nằm ở xu hướng phân hóa. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức ổn định cùng với biên độ vận động eo hẹp trong tuần qua đang cho thấy dấu hiệu hình thành xu hướng mới. Chỉ báo động lượng ADX ngày giảm xuống mức rất thấp cũng cho thấy nhịp tích lũy sắp kết thúc.
Thị trường có thể có biến động mạnh vào tuần sau khi các nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý III/2021 ít chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhằm đón đầu dòng tiền đầu tư trong tháng 10. Hiện tượng này cũng sẽ giúp VN-Index kiểm tra lại ngưỡng 1.380 điểm trong giai đoạn tới.
Nhận định chứng khoán 8/1: VN-Index có thể hồi phục ngắn hạn 
Chứng khoán ngày 7/1: Giữ trụ neo chỉ số, nhiều cổ phiếu bị bán mạnh