Dự báo trong tuần giao dịch tới, việc VN30 cải thiện tín hiệu kỹ thuật có thể thúc đẩy lực cầu đổ mạnh hơn vào nhóm vốn hóa lớn qua đó tạo cơ hội cho VN-Index thử thách kháng cự tại 1.355 điểm. Vượt lên trên kháng cự này, VN-Index có thể sẽ kéo dài đà tăng lên ngưỡng cản tiếp theo tại 1.375 điểm và thậm chí sẽ kiểm định lại vùng đỉnh lịch sử ở vùng 1.400 - 1.420 điểm.
Tổng quan diễn biến thị trường chứng khoán tuần 13 - 17/9:
Kết thúc tuần giao dịch từ 13 - 17/9/2021, VN-Index tiếp tục tăng 7,33 điểm (0,54%) so với tuần trước lên 1.352,64 điểm. HNX-Index tăng 7,92 điểm (2,26%) lên 357,97 điểm. UpCOM-Index tăng 1,99 điểm (2,09%) lên 97,4 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó, tổng giá trị giao dịch trung bình đạt 26.845 tỷ đồng/phiên - giảm 3,4% trong đó giá trị khớp lệnh trung bình 24.862 tỷ đồng/phiên - giảm 4%.
Cổ phiếu ngân hàng giá trở lại sau chuỗi ngày giằng co và tích lũy. Tại nhóm ngân hàng, TPB tăng tới 5,6% lúc đóng cửa, VPB tăng 3,1%. Trong 5 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho số điểm tăng của VN-Index, có 4 đại diện đến từ nhóm ngân hàng là VPB, BID, TPB, TCB, bên cạnh VHM.
Tại nhóm chứng khoán, VND, BSI, CTS, AGR, FTS,... đều tăng từ 3% trở lên trong khi SSI và VCI cũng ghi nhận mức tăng khoảng hơn 1%.
Trong tuần, nhóm hàng tiêu dùng tăng mạnh nhất với đóng góp của các cổ phiếu đầu ngành như MSN (+12,3%), SAB (+6,3%), BHN (+14%) ...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin với các mã tiêu biểu FPT (+2,4%), CMG (+10,6%), ICT (+17,15%).
Tiếp theo là nhóm dầu khí với BSR (+5,6%), OIL (+3,8%), PLX (+0,4%), PVD (+11,8%), PVS (+10,6%), PVB (+6,3%), PXS (+14,3%), CNG (+14,4%), GAS (+3,7%),
Các cổ phiếu thuộc nhóm bán lẻ với việc giãn cách xã hội bắt đầu nới lỏng có tuần thứ hai liên tiếp tăng tốt với MWG (+3,4%), DGW (+12,7%), FRT (+15,1%) ...
Dòng tiền tiếp tục dành sự ưu tiên đối với nhóm vốn hóa vừa và nhỏ khi VNMidcap và VNSmallcap tăng tương ứng 1,44% và 1,58% - cao hơn mặt bằng chung. Nếu như EIB, DGC, VIB, MSB, LPB nâng đỡ cho vận động của VNMidcap thì DGW, NKG, FTS đóng vai trò tương tự đối với VNSmallcap.
Theo dữ liệu từ FiinPro, khối tự doanh trong tuần mua ròng ở mức 26,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 1.020 tỷ đồng.
Cá nhân trong nước có tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp trên HOSE nhưng giá trị giảm 65% so với phiên trước và đạt 1.606 tỷ đồng (hầu hết đến từ giao dịch khớp lệnh). Tính chung cả 3 tuần vừa qua, dòng vốn này mua ròng tổng cộng 8.424 tỷ đồng.
Tổ chức trong nước mua ròng trở lại 2.614 tỷ đồng trên HOSE sau 2 tuần bán ròng liên tiếp trước đó trong đó cả tổ chức (không gồm tự doanh) và khối tự doanh đều mua ròng.
Khối ngoại bán ròng 82,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 3.336 tỷ đồng.
Nhận định thị trường chứng khoán tuần từ 20 - 24/9:
Các công ty chứng khoán:
Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Thị trường đang phát đi nhiều tín hiệu lạc quan hơn khi kết tuần trên 1.350 điểm bất chấp những thông tin tiêu cực từ kinh tế Trung Quốc và chứng khoán thế giới cũng như những diễn biến của đại dịch COVID-19 trong nước. Các chỉ báo kỹ thuật trong tuần này vẫn nằm ở vùng trung tính, do đó đà tăng của các chỉ số có thể được duy trì trong tuần tới.
Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân với tỷ trọng vừa phải vào nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình với nền tảng tài chính lành mạnh và đang có sự tăng trưởng ổn định trong nửa cuối năm 2021. Bên cạnh đó là chốt lời một phần danh mục ngắn hạn đã đạt kỳ vọng về lợi nhuận để có thể tận dụng tốt hơn vòng quay vốn cũng như bảo vệ thành quả đầu tư.
CTCK Tân Việt (TVSI): VN-Index tạo cây nến tăng giá Bulish Enguffling với giá đóng cửa phiên 17/9 vượt lên kháng cự 1,350 điểm. Thanh khoản giao dịch thị trường tăng mạnh trong phiên 17/9 nhờ tác động từ các quỹ ETF. VN-Index chấm dứt vùng sideway đi ngang quanh 1.330 - 1.350 điểm và dự báo sẽ tiến đến vùng kháng cự cao hơn quanh 1,375 điểm.
TVSI đánh giá rằng, VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index chuyển sang xu hướng tăng giá với kháng cự vùng trên quanh 1.375 điểm. Hỗ trợ mạnh hiện tại ở quanh vùng 1.330 - 1.340 điểm..
Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VNMidcap được cải thiện lên mức Tích cực, tương đồng với tín hiệu của các chỉ số còn lại. Trong khi đó, tín hiệu kỹ thuật Trung hạn của VN30 cũng được cải thiện lên mức tích cực khi chỉ số này đóng cửa trên đường MA50 ngày.
Chứng khoán MB (MBS): Thị trường có nhiều cơ hội để kết thúc chuỗi đi ngang kéo dài hơn hai tuần vừa qua khi vượt thành công trendline giảm giá kể từ tháng 7 với ự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép,… bên cạnh sự sôi động ở nhóm midcap và smallcap.
Về kỹ thuật, nhóm midcap đã chính thức vượt đỉnh lịch sử trong khi nhóm smallcap vẫn đi tìm đỉnh cao mới. Việc thị trường vượt ngưỡng cản kỹ thuật trong trong tuần có nhiều sự kiện quan trọng như trong tuần này cho thấy khả năng trở lại đỉnh tháng 8 là rất sáng.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC): Dự báo trong phiên giao dịch tới, việc VN30 cải thiện tín hiệu kỹ thuật có thể thúc đẩy lực cầu đổ mạnh hơn vào nhóm vốn hóa lớn qua đó tạo cơ hội cho VN-Index thử thách kháng cự tại 1.355 điểm.
Vượt lên trên kháng cự này, VN-Index có thể sẽ kéo dài đà tăng lên ngưỡng cản tiếp theo tại 1.375 điểm và thậm chí sẽ kiểm định lại vùng đỉnh lịch sử ở vùng 1.400 - 1.420 điểm. Ngưỡng hỗ trợ MA10 ngày của chỉ số sàn HOSE đang nằm tại 1.345 điểm.
Đối với chỉ số đại diện nhóm vốn hóa trung bình VNMidcap, nếu có thể vượt lên trên mốc 1.710 điểm khi đóng cửa, chỉ số này cũng sẽ tiếp tục quá trình dò đỉnh lịch sử mới, tương tự như động thái của HNX-Index hay VNSmallcap ở thời điểm hiện tại.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): VN-Index ghi nhận nhịp tăng điểm tích cực với đà tăng mở rộng về cuối phiên trước khi đánh mất một phần trong phiên ATC.
Sau một nhịp điều chỉnh tích lũy, chỉ số đang dần đi lên và tiếp cận vùng kháng cự quanh 1.360. Với sự cải thiện của thanh khoản, cùng tín hiệu vừa thoát khỏi nền ngang tích lũy, cơ hội tiếp tục mở rộng đà hồi phục vẫn đang được duy trì.
Mặc dù vậy, vùng cản quanh 1.360 điểm sẽ sớm gia tăng sức ép trong những phiên tới và rủi ro đảo chiều cần được tính đến. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì vị thế trung hạn và tiếp tục trải bán một phần vị thế trading khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự đã đề cập.
Ý kiến chuyên gia:
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS: Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index có nhiều cơ hội để vượt đỉnh tháng 8 khi chốt tuần trên ngưỡng 1.350 điểm đồng thời vượt đường xu hướng giảm kể từ tháng 7. Diễn biến này khá tương đồng với nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này đã có quá trình kiểm tra ngưỡng hỗ trợ thành công.
Tuy vậy, vẫn cần thêm dấu hiệu xác nhận từ thanh khoản thị trường ở các phiên sắp tới mặc dù ở phiên cuối tuần thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX đã tăng lên mức 23.700 tỷ đồng so với mức bình quân 17.200 tỷ đồng ở 3 phiên giữa tuần.
Về cơ bản thì những lực cản đối với thị trường cũng đang dần qua đi, dữ liệu quý III của doanh nghiệp hay của nền kinh tế cũng đã được thị trường phản ánh và cũng nằm trong dự phóng của nhà đầu tư.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC): Sự gia tăng mạnh về thanh khoản trong phiên cuối tuần là do ảnh hưởng của việc cơ cấu danh mục ETF, không nên căn cứ vào đó để kết luận dòng tiền gia tăng trở lại, thay vào đó chúng ta cần quan sát thêm ở một số phiên đầu tuần tới.
Nếu VN-Index đủ lực để tiếp tục vượt lên trên vùng 1.355 điểm, tôi cho rằng chỉ số này có thể hướng lên vùng 1.375 điểm và thậm chí là vùng 1.400 điểm sau đó.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng: Đây là điều tích cực nhưng cần lưu ý là trong suốt 5 ngày giao dịch thì thanh khoản luôn giảm dần đều và chỉ cải thiện vào cuối tuần. Do đó cần thêm một vài phiên tiếp theo cũng nhưng khả năng đứng trên 1.350 trong tuần tới.
Ngoài ra, cần lưu ý dòng tiền tập trung nhiều vào penny, các nhóm cổ phiếu lớn hưởng lợi rất ít nếu không muốn nói là có tỷ suất lợi nhuận rất thấp nếu so sánh với penny. Vì vậy, nếu tập trung vào cổ phiếu lớn và chỉ số quá nhiều thì danh mục đầu tư của nhà đầu tư vẫn không có thành quả thậm chí là lỗ.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng Phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS): Xu thế chủ đạo của thị trường thời gian gần đây vẫn là giằng co đi ngang, đan xen các phiên tăng giảm trong biên độ khá hẹp. Mặc dù phiên giao dịch cuối tuần qua có ghi nhận giá trị khớp lệnh tăng khá mạnh so với mức bình quân các phiên gần đây, nhưng đó cũng là điều thường diễn ra trong ngày cơ cấu danh mục của ETF.
Về cơ bản, thị trường vẫn chưa bứt ra khỏi kênh đi ngang tích lũy (với hỗ trợ gần nhất tại 1.330 điểm và kháng cự tại vùng 1.360 - 1.370 điểm). Tuy nhiên trong tuần tới đây chỉ số nhiều khả năng sẽ có cơ hội kiểm định lại vùng kháng cự mạnh, chỉ khi nào vượt qua vùng cản kèm thanh khoản tăng tương ứng thì mới kỳ vọng vào xu hướng tăng điểm quay trở lại.
Cổ phiếu bất động sản Top đầu VHM, NVL, PDR, DXG tăng mạnh 15-30% 
Khối ngoại đảo chiều, một cổ phiếu ngân hàng hút ròng hơn 730 tỷ đồng tuần 12-16/8