Nhận lại 6 'ông lớn' có tổng vốn 800.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói gì?
Bộ Công Thương sẽ nhận về 6 đơn vị này, tuy nhiên quyết định thế nào là việc liên quan đến sắp xếp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Kế hoạch 141 ngày 6/12/2024 của Chính phủ về định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, mô hình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ kết thúc, 19 tập đoàn, tổng công ty do cơ quan này quản lý sẽ trở về lại các bộ chuyên ngành.
Tại phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo Tinh gọn Bộ máy Chính phủ diễn ra vào ngày 6/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập đến phương án chuyển đổi mô hình quản lý một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có vai trò chiến lược về trực thuộc Chính phủ.
Đề xuất Bộ Công Thương quản lý 6 tập đoàn, tổng công ty
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án và báo cáo lên Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo.
Theo đề xuất, Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận lại 6 tập đoàn, tổng công ty từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN ), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN ), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem ), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex ), Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba ).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân (Ảnh: Bộ Công Thương). |
"Trong đề xuất, Bộ Công Thương sẽ nhận về 6 đơn vị này, tuy nhiên quyết định thế nào là việc liên quan đến sắp xếp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Tân thông tin.
Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, một trong các phương án được xem xét là kết thúc nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng không loại trừ phương án chuyển đổi mô hình tổ chức doanh nghiệp để trực thuộc quản lý trực tiếp của Chính phủ.
"Đây mới chỉ là dự kiến và cần theo dõi thêm các diễn biến cụ thể", Thứ trưởng Tân nhấn mạnh.
6 tập đoàn có tổng vốn khoảng 800.000 tỷ đồng
Trước đó, vào tháng 11/2018, 6 tập đoàn và tổng công ty lớn này đã được chuyển từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Sau 6 năm, nhiều khả năng các doanh nghiệp này sẽ quay lại dưới sự quản lý của Bộ Công Thương.
Hiện tại, số vốn Nhà nước tại 6 doanh nghiệp lớn nói trên khoảng 800.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng vốn Nhà nước mà "siêu Ủy ban" đang quản lý tại 19 tập đoàn và tổng công ty.
EVN bất ngờ thoát lỗ năm 2024: Đâu là động lực cho cú 'lội ngược dòng' ngoạn mục? 
Tập đoàn EVN đề xuất được tiếp tục đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận