Nhật Bản đang thiếu gạo nghiêm trọng
Chuyên gia nhận định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng hiện nay là do chính sách cắt giảm diện tích đất trồng lúa trong nhiều năm.
Mối lo ngại về tình trạng thiếu gạo đang gia tăng ở Nhật Bản , khi các siêu thị và cửa hàng liên tục “cháy hàng” trong bối cảnh nhu cầu tăng cao.
Một bộ phận người tiêu dùng đang cố gắng tích trữ gạo sau khi vào đầu tháng này cơ quan thời tiết ban hành cảnh báo đầu tiên về nguy cơ xảy ra động đất lớn dọc theo rãnh Nankai trải dài từ miền Trung đến Tây Nam Nhật Bản ở Thái Bình Dương.
Ngay lập tức trấn an người tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản khẳng định tình trạng thiếu hụt sẽ được giải quyết trong tương lai gần.
Tại một siêu thị ở Tokyo vào cuối tuần trước, người dân sửng sốt khi nhìn thấy những kệ gạo trống rỗng. Một bà nội trợ ngoài 50 tuổi than phiền: "Gạo là lương thực chính, nhưng ngày càng khó mua. Thật là khó khăn."
Ito-Yokado, một chuỗi siêu thị lớn của Nhật Bản do Seven & i Holdings Co điều hành, gần đây đã đặt ra các hạn chế đối với việc mua gạo, giới hạn mỗi gia đình chỉ được mua một loại gạo. Một nhà bán lẻ cho biết: "Chúng tôi sẽ kiên nhẫn cho đến khi có nguồn gạo bổ sung".
Minoru Kanaya, chủ tịch của Skylark Holdings Co – tập đoàn sở hữu hơn 2.717 nhà hàng tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Mỹ, cho biết, "Giá gạo tăng cao đang đẩy nhanh tốc độ tăng chi phí". Royal Holdings Co, công ty trong lĩnh vực nhà hàng , cũng dự đoán chi phí gạo sản xuất trong nước sẽ tăng khoảng 100 triệu yên (693.000 USD).
Vào tháng 7, giá gạo tăng vọt 18,0% so với năm trước, mức tăng lớn nhất trong 20 năm. Điều này một phần đến từ nhu cầu gia tăng của người nước ngoài trong bối cảnh tổng số người từ quốc gia khác đến Nhật Bản hàng năm vào năm 2024 dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 35 triệu người.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu gạo như hiện nay, Kazuhito Yamashita, cựu quan chức Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản và là giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon cho biết: “ Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu gạo là do chính sách giảm diện tích đất canh tác. Theo chính sách này, sản lượng gạo đã bị cắt giảm để nhường chỗ cho các loại cây khác. Chính phủ đã trợ cấp cho các cây trồng khác như lúa mì hoặc đậu nành. Nhật Bản đã thực hiện nó trong hơn 50 năm”.
Ông nói thêm: “Do lượng tiêu thụ bánh mì, mì ống và các loại thực phẩm thay thế khác đang tăng lên, việc nông dân sản xuất cùng một lượng gạo như trước sẽ khiến giá gạo giảm. Để tránh tình trạng như vậy, sản lượng đã bị cắt giảm qua từng năm và gần đây chỉ có khoảng 60% ruộng lúa được sử dụng”.
Chuyên gia này cảnh báo tình trạng thiếu lương thức vẫn sẽ tiếp diễn nếu chính sách này vẫn được duy trì trong thời gian tới.
Tuy nhiên, một người nông dân ở tỉnh Aomori phía Bắc vẫn tỏ ra lạc quan: "Nhiệt độ cao khiến lúa phát triển nhanh hơn. Mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp khi không có tác động nào từ bão. Không cần phải hoảng sợ".
Một người dân khác cho biết: "Chúng tôi đã nghe từ các vùng sản xuất về việc lúa đang phát triển tốt. Khi gạo mới sớm được phân phối, chúng tôi tin rằng tình trạng thiếu gạo sẽ được giải quyết ở một mức độ nào đó".
>> Trồi sụt như 'tàu lượn siêu tốc', đồng yên có còn là tài sản trú ẩn an toàn? 
Một doanh nghiệp Nhật Bản vừa 'chi đậm' 200 triệu USD để xây nhà máy tại Hoà Bình 
Một 'ông lớn' từ Nhật Bản chính thức đổ bộ thị trường đồ nướng Việt Nam