Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm để hợp tác phát triển toàn diện
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, Nhật Bản được Cần Thơ xác định là nhà đầu tư chiến lược, là đối tác tin cậy và trọng điểm để hợp tác phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản từ ngày 15-18/12, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, nhiều công trình dự án quan trọng được đối tác Nhật Bản đã và đang quan tâm đầu tư hỗ trợ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại tại địa phương.
Là một trong những điểm đến tin cậy, hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản, xin ông cho biết TP. Cần Thơ đã mở rộng hợp tác như thế nào với Nhật Bản trong thời gian qua?
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường: Việt Nam, Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/1973, mối quan hệ của hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, toàn diện và thực chất. Nhật Bản được xác định là nhà đầu tư chiến lược, là đối tác tin cậy của Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng trong thời gian qua. Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, nhiều công trình dự án quan trọng được đối tác Nhật Bản đã và đang quan tâm đầu tư hỗ trợ.
Một trong các công trình nổi bật, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội không chỉ của Cần Thơ mà còn cho các địa phương lân cận là cầu Cần Thơ (hoàn thành năm 2010), hay gần đây là 2 công trình "Khu phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu" và "Tòa nhà công nghệ cao", thuộc hợp phần "Xây dựng cơ sở vật chất" của dự án "Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ" vay nguồn vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) Nhật Bản, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của trường, chất lượng đào tạo sinh viên, nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cho cả vùng ĐBSCL.
Đối với hợp tác trong lĩnh vực ODA, Thành phố đang tích cực xúc tiến, kêu gọi nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, JICA cho 2 dự án. Đó là dự án Bệnh viện Tim mạch TP. Cần Thơ (quy mô 200 giường) và dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ, với 2 hợp phần.
Đối với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Nhật Bản xếp thứ 1/22 quốc gia và vùng lãnh thổ về vốn đầu tư dự án FDI tại Cần Thơ với 8 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,35 tỷ USD, hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất (sản xuất điện, chế biến thực phẩm, thủy sản, sản xuất găng tay bóng chày), công nghệ thông tin, dịch vụ.
Nhằm triển khai các hoạt động thúc đẩy thu hút đầu tư đối với các đối tác Nhật Bản, hỗ trợ thủ tục, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư tại Cần Thơ, Văn phòng Japan Desk Cần Thơ đã được thành lập. Trong đó, mời một số thành viên người Nhật hỗ trợ, tư vấn.
Bên cạnh đó, nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư đối tác Nhật Bản được tổ chức tại Cần Thơ và tổ chức các chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản với mong muốn quảng bá môi trường đầu tư của Thành phố và giới thiệu các dự án mời gọi đầu tư đến các nhà đầu tư Nhật Bản tiềm năng.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản là 207,18 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu là 26,48 triệu USD. 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản là 134,14 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu là 18,97 triệu USD. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, may mặc, nông sản và nông sản chế biến, thép và các sản phẩm từ thép, dược phẩm, hóa chất, lông vũ; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược, vải, máy móc, thiết bị.
Không chỉ hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, Cần Thơ còn mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản trên các lĩnh vực môi trường, giáo dục, giao lưu văn hóa, tiếp nhận tình nguyện viên. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về hợp tác trong lĩnh vực này?
Ông Trần Việt Trường: Trong quá trình hội nhập quốc tế, Cần Thơ luôn xác định Nhật Bản là người bạn, là đối tác tin cậy và quan trọng. Mối quan hệ hợp tác Cần Thơ-Nhật Bản còn được khẳng định qua các dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài có nguồn gốc từ Nhật Bản đã hoàn thành và đang triển khai tại địa phương, như: Khoản viện trợ "Thí điểm ở quy mô nhỏ việc phân loại rác tại nguồn ở Cần Thơ" thuộc nghiên cứu "Thu thập dữ liệu về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo hiệu quả của các dự án xử lý rác thu hồi năng lượng" do JICA Việt Nam tài trợ; khoản viện trợ "Viện trợ khẩn cấp các vật tư y tế từ TP. Okayama (Nhật Bản) để phòng chống dịch COVID-19 tại Cần Thơ" do chính quyền TP. Okayama (Nhật Bản) viện trợ;
Khoản viện trợ "Xây dựng cầu Mười Thước kênh KH7 tại huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ" của Công ty Ô tô Mitsubishi Việt Nam-(Nhật Bản); khoản viện trợ "Tổ chức chương trình đào tạo giảng viên để nhân rộng hoạt động bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ ở ĐBSCL (giai đoạn 2)" của Quỹ bảo vệ môi trường toàn cầu Nhật Bản đã hoàn thành; và dự án "Nâng cấp nhạc cụ cho Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ thuộc Chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở về văn hóa" với tổng vốn viện trợ khoảng 75.716 USD viện trợ từ Chính phủ Nhật Bản thông qua Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM đang triển khai hoạt động.
Đồng thời, nhiều văn bản hợp tác quốc tế được ký kết giữa Cần Thơ do UBND là đại diện và các địa phương của Nhật Bản, như: Tỉnh Hyogo, TP. Okayama, TP. Nasushiobara thuộc tỉnh Tochigi; và các ghi nhận hợp tác thông qua thỏa thuận hợp tác của đơn vị, sở, ban, ngành, các trường trên địa bàn Thành phố với các đơn vị, tổ chức của Nhật Bản, như: Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Lao động Công thương tỉnh Hiroshima; Sở Tài nguyên và Môi trường và Công ty Fujitsu Việt Nam về dự án quản lý thông tin đất đai và đề xuất khả năng tiến hành dự án thí điểm tại Cần Thơ.
Từ năm 2015-2023, 12 tình nguyện viên JICA đến làm việc tại 7 cơ quan, đơn vị trên các lĩnh vực y tế, thể thao, xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư, nông nghiệp và hợp tác thương mại xuất nhập khẩu Cần Thơ-Nhật Bản.
Các hợp tác khác gồm Trường Cao đẳng Y tế ký kết với Tập đoàn Bệnh viện Kenwa-kai Medical Foundation; Hiệp hội Medicare Network ký với Công ty cổ phần Dịch vụ hợp tác quốc tế nhằm giảng dạy tiếng Nhật và định hướng cho học sinh, sinh viên có nhu cầu học tập và làm việc tại Nhật sau khi ra trường; và Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Học viện máy tính Kobe.
Công tác giao lưu văn hóa được quan tâm thông qua việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao và lễ hội giao lưu văn hóa khác. Công tác ngoại giao nhân dân được chú trọng:Từ năm 2018, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Thành phố, Hội Hữu nghị Việt-Nhật TP. Cần Thơ đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về ngoại giao nhân dân với 6 đối tác: Hội hữu nghị Nhật -Việt TP. Sakai, Hội Hữu nghị Nhật-Việt chi hội TP. Okayama, Hội Hữu nghị Nhật-Việt chi hội tỉnh Oita, Hội Hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam chi hội đường sắt Nhật Bản vùng Kinki, Hội Hữu nghị Osaka-Việt Nam, Hội Hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam chi hội đường sắt phía Đông Nhật Bản. Sau khi ký kết, các bên hàng năm có trao đổi đoàn nhân dịp các sự kiện lớn của thành phố, hoặc khi có chuyến công tác sang nước bạn.
Xác định Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm để hợp tác phát triển toàn diện, vậy nhân dịp Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ Nhật Bản-ASEAN từ ngày 15-18/12, TP. Cần Thơ có mong muốn, đề xuất gì để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các nhà đầu tư Nhật Bản?
Ông Trần Việt Trường: Trong quá trình hội nhập quốc tế, Cần Thơ luôn xác định Nhật Bản là người bạn, là đối tác tin cậy và quan trọng. Thành phố đã và đang tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hữu nghị với các đối tác Nhật Bản.
Với nền tảng hợp tác với Nhật Bản được thiếp lập xây dựng thời gian qua, tiềm năng, thế mạnh của hai bên, Cần Thơ định hướng đẩy mạnh hợp tác và kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư tại tỉnh, nhằm phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, Cần Thơ sẽ đẩy mạnh hợp tác đầu tư với đối tác Nhật Bản trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ, công nghệ chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh, logistics; thực hiện đầu tư các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào Khu công nghệ thông tin tập trung TP. Cần Thơ; quan tâm nghiên cứu dự án Cần Thơ đang mời gọi đầu tư, như dự án Trung tâm Logistics hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế ĐBSCL tại Cần Thơ.
Tăng cường sự hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực đầu tư, phát triển các dự án trung tâm thương mại; kết hợp với phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ nhà cung cấp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối; góp phần khai thác các sản phẩm thế mạnh của Thành phố.
Giới thiệu, kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng của Nhật Bản nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư tại Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản thuộc Khu công nghiệp Hưng Phú 1, quận Cái Răng.
Cần Thơ mong muốn được hỗ trợ, giới thiệu thông tin và mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm, nghiên cứu thực hiện các dự án sản xuất, chế biến, cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông sản tại trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ sau khi đề án thành lập trung tâm liên kết được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hợp tác với đối tác Nhật Bản vào Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) một số ngành công nghiệp, như: Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện; thiết bị y tế, dược phẩm; thực phẩm chức năng, gia vị.
Hợp tác lĩnh vực lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp; mong được tiếp nhận tình nguyện viên JICA lĩnh vực hợp tác, phát triển quốc tế để có thể kết nối hiệu quả mối quan hệ với các địa phương (tỉnh Hyogo, TP. Okayama, TP. Nasushionara) và đối tác Nhật Bản trong thời gian tới.
Chúng tôi mong muốn Chính phủ Nhật Bản, các cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục quan tâm thúc đẩy mối quan hệ giữa Cần Thơ và Nhật Bản ngày càng thắt chặt, toàn diện trên tất cả lĩnh vực.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(thực hiện)