Nhiều doanh nghiệp "buôn" cổ phiếu HPG trong quý II đã lỗ!

28-07-2022 23:37|Trần Trung

Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng những cập nhật về diễn biến kinh doanh kém sắc của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã phản ánh nhiều vào giá cổ phiếu, tài khoản nhà đầu tư cũng như lợi nhuận quý II/2022 của nhiều doanh nghiệp "nương vốn" đầu tư tại cổ phiếu này.

Đến thời điểm này, mùa công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 đã đi qua được một nửa chặng đường; bước tranh kinh doanh tại các nhóm doanh nghiệp hiện ra rõ nét hơn, sinh động hơn và cũng muôn màu muôn vẻ.

Trong khi nhóm ngân hàng, thủy sản, hóa chất,... tiếp tục báo lợi nhuận tăng trưởng đáng kể trong quý II, vẫn còn đâu đó nhiều nhóm như thép, chứng khoán, bảo hiểm,... ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc. 

Với nhóm chứng khoán, việc thị trường lùi sâu, nhà đầu tư lỗ nặng cùng các diễn biến bất lợi trong và ngoài nước được cho là nguyên nhân chính khiến hàng loạt công ty như SSI, VND, HCM,... báo lãi suy giảm, thậm chí nhiều gương mặt lớn khác như TPS, VDS báo lỗ.

"Bết bát" KQKD quý II/2022 của những công ty chứng khoán

Trong khi đó, với nhóm thép, việc phải sản xuất trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và bán ra khi giá thép liên tục điều chỉnh giảm khiến biên lợi nhuận thuần của nhóm doanh nghiệp ngành lao dốc.

Nhìn lại phân nửa bức tranh kinh doanh quý II/2022, bên cạnh những doanh nghiệp gặt hái được thành quả từ hoạt động kinh doanh chính, vẫn có không ít doanh nghiệp báo lãi/lỗ từ các hoạt động đầu tư ngắn hạn ngoài lĩnh vực trong đó nổi bật là đầu tư chứng khoán.

Thành bại tại... "HPG"

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (Mã VDS - HOSE) - cái tên quen thuộc  đối với nhà đầu tư qua các bản tin nhận định thị trường, báo cáo phân tích vừa báo lỗ 267 tỷ trong quý II/2022.

Trong quý II, VDS bất ngờ ghi nhận khoản lỗ từ các tài sản tài chính (chủ yếu là các cổ phiếu đầu ngành) lên đến 269 tỷ đồng trong đó lỗ đã thực hiện khoảng 60 tỷ và lỗ tạm tính chênh lệch giá mua và giá thị trường 209 tỷ đồng.

Với việc ghi nhận lãi 1,3 tỷ đồng hồi đầu năm, VDS đã rót thêm 70 tỷ đồng vào khoản đầu tư cổ phiếu HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát) nâng giá trị đầu tư tại mã này lên mức gần 85 tỷ đồng. Đến cuối quý II/2022, khoản đầu tư này ghi nhận mức lỗ 35%.

Tương tự, CTCP Chứng khoán Trí Việt (Mã TVB - HOSE) - gương mặt từng gây chú ý hồi tháng 4/2022 cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với ghi nhận doanh thu vỏn vẹn 26,7 tỷ đồng và mức lãi sau thuế vỏn vẹn 1,46 tỷ đồng - không đáng kể so với cùng thời điểm.

Kỳ này, TVB ghi nhận sự lao dốc mạnh ở nhiều nguồn thu trong đó hoạt động tự doanh chuyển lỗ 4,5 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2022, danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) tăng 40% lên 369 tỷ đồng hồi đầu năm (giá gốc 444 tỷ đồng. Tuy nhiên, TVB lại ghi nhận lỗ 75 tỷ đồng trong đó (lỗ 85 tỷ đối với cổ phiếu HPG); lỗ 7 tỷ với cổ phiếu PVT, lỗ 37 tỷ đồng với các cổ phiếu khác. TVB chỉ xuất hiện khoản lãi gần 17 tỷ đồng với cổ phiếu FPT.

Trong khi nhiều công ty chứng khoán "thất trận" ngay trên chính sở trưởng của mình, cũng có đáng kể các doanh nghiệp lấn sân sang mảng đầu tư chứng khoán và... không thành công.

CTCP Hoá An (Mã DHA - HOSE) - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng và vật liệu xây dựng cách đây không lâu đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với khoảng lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 8% so với số lãi 21,5 tỷ đồng đạt được trong quý II/2021.

Đến 30/6/2022 Hoá An có khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh hơn 86 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào cổ phiếu HPG với giá trị tạm tính hơn 78 tỷ đồng).

Đến cuối quý II/2022, với 2,54 triệu cổ phiếu HPG, Hoá An đã phải trích lập dự phòng 20,17 tỷ đồng - lỗ khoảng 26%.

Tương tự, CTCP Đầu tư CMC (Mã CMC - HNX) - doanh nghiệp có hoạt động chính với mảng sản xuất công nghiệp vừa báo lỗ ròng hơn 6,4 tỷ đồng - quý lỗ đầu tiên kể từ quý III/2020 với nguyên nhân đến từ hoạt động tài chính.

Trong cơ cấu đầu tư ngắn hạn, mảng chứng khoán kinh doanh bất ngờ tăng đáng kể từ mức 22,3 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 28,9 tỷ đồng. Đáng buồn là việc bắt hụt đáy nhiều cổ phiếu khiến khoản dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư tăng đột biến 98% lên mức 8,97 tỷ đồng.

So với thời điểm đầu năm, danh mục đầu tư chứng khoán của CMC đến thời điểm cuối năm ghi nhận thêm nhiều cổ phiếu mới trong đó có 75.000 cổ phiếu HPG.

Biến động một số khoản đầu tư chứng khoán của CMC
tính đến đến cuối quý II/2022

Triển vọng cổ phiếu HPG?

Có thể thấy, việc lựa chọn HPG là khoản đầu tư ngắn hạn với nhiều doanh nghiệp trong quý II/2022 có vẻ như là phương án đầu tư thất bại bởi kể từ sau mức lãi khủng quý III/2021 giúp cổ phiếu lập đỉnh giá 44.000 đồng (giá đã điều chỉnh), cổ phiếu HPG đã liên tục lao dốc và rơi về vùng 21.400 đồng (kết phiên 28/7/2022). 

hpp.png

Mới nhất, Hòa Phát đã có báo cáo sơ bộ về tình hình kinh doanh quý II và bán niên 2022 trong đó quý II/2022 ghi nhận doanh thu 37.714 tỷ đồng - tăng 6% so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế là 4.023 tỷ đồng - giảm 59% so với quý I/2021 - mức lợi nhuận thấp nhất trong 7 quý gần đây.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, HPG ghi nhận doanh thu 82.118 tỷ đồng - tăng 24% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm 27% về mức 12.229 tỷ đồng qua đó hoàn thành 46% kế hoạch năm.

Đáng nói, trong cùng thời điểm, sau giai đoạn đột phá, biên lãi ròng của HPG đã lao mạnh từ mức đỉnh 27,5% hồi quý II/2021 về còn 10,67% trong quý II/2022.

Dù chưa công bố kết quả kinh doanh chi tiết song có thể nhận thấy đà lao dốc này đến từ việc giá vốn và chi phí sản xuất tại HPG đã tăng lên đáng kể, nhất là trong bối cảnh giá than, thép nhập đầu vào liên tục tăng tăng mạnh trong giai đoạn đầu năm.

Thêm vào đó, qua 11 lần giảm giá gần nhất, ngành thép đang được dự báo có thể đứng trước một số rủi ro nửa cuối năm - nhất là với các doanh nghiệp có tồn kho lớn.

Chờ Hòa Phát (HPG) báo số liệu "hàng tồn kho" quý II/2022?

Giới phân tích cho rằng, với bức tranh chưa thể sáng cửa trở lại trong ngắn hạn, kỳ vọng về việc giá cổ phiếu HPG và nhóm cổ phiếu thép phục hồi trở lại vùng giá đỉnh đang được đánh giá không khả quan. Theo đó, nhà đầu tư cần cân nhắc các chiến lược đầu tư cụ thể trước khi xuống tiền.

Khốc liệt cuộc đua thị phần môi giới sàn HoSE 2024: Nhóm midcap trỗi dậy, một ông lớn chào thua

CTCK thông tin về hệ thống KRX: Chìa khóa nâng hạng thị trường năm 2025

Bài thuộc chủ đề Sắt thép
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhieu-doanh-nghiep-buon-co-phieu-hpg-trong-quy-ii-gio-da-lo-142202.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nhiều doanh nghiệp "buôn" cổ phiếu HPG trong quý II đã lỗ!
    POWERED BY ONECMS & INTECH