Bình yên trong biến động, 5 cổ phiếu ngân hàng được SSI khuyến nghị mua trong quý II
Giữa tâm bão thuế quan và cạnh tranh lãi suất gay gắt, ngành ngân hàng vẫn giữ được trạng thái ổn định đáng khâm phục. Mới đây, SSI Research bất ngờ “chỉ điểm” 5 cổ phiếu ngân hàng được dự báo có thể bứt phá tới gần 30% ngay trong quý II/2025.
Bước vào quý II năm 2025, thị trường tài chính toàn cầu đầy bất định với các vấn đề về thương mại quốc tế và áp lực lãi suất duy trì ở mức cao.
Tuy nhiên, theo Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), hệ thống ngân hàng Việt Nam đang nổi lên như một "điểm sáng bình yên". Lý do quan trọng nằm ở khả năng thích ứng nhanh nhạy, nền tảng vốn mạnh mẽ cùng chất lượng tín dụng ổn định.
Đặc biệt, định giá cổ phiếu ngân hàng hiện nay đã ở mức thấp nhất trong 5 năm qua, tạo cơ hội vàng cho các nhà đầu tư dài hạn và cả những người lần đầu bước chân vào thị trường.
Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ nhưng lợi nhuận còn áp lực
Theo SSI Research, kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025 của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) trong phạm vi nghiên cứu tăng trung bình khoảng 17%, gần sát với dự báo 18% của SSI.
Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ đạt mức rất tích cực là 21%, phản ánh niềm tin mạnh mẽ vào sự hồi phục của tiêu dùng nội địa và đầu tư công . Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa mức tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận phần nào thể hiện khó khăn của các ngân hàng trong việc duy trì hiệu quả hoạt động.
Một trong những yếu tố gây áp lực lớn nhất đến lợi nhuận là biên lãi ròng (Net Interest Margin - NIM). Đây là chỉ số quan trọng nhất, thể hiện chênh lệch giữa thu nhập lãi thuần và tài sản sinh lãi trung bình.
Trong môi trường cạnh tranh lãi suất huy động cao, theo SSI Research, “NIM dự kiến tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2025”. Nhiều ngân hàng đang chịu sức ép giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp trước áp lực thuế đối ứng từ Mỹ, làm biên lợi nhuận bị bào mòn.
Dù vậy, chất lượng tín dụng vẫn là điểm sáng tích cực. Hầu hết ngân hàng đều đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu (Non-Performing Loan – NPL) dưới 2%, ngoại trừ VIB (2,7%) và OCB (dưới 3%). Việc không chia cổ tức tiền mặt (ngoại trừ một số ngân hàng như ACB, MBB, OCB) nhằm giữ lại vốn chủ sở hữu cũng giúp củng cố năng lực tài chính của toàn ngành. Báo cáo cũng cho rằng, việc tối ưu hóa chi phí hoạt động trong nội bộ các ngân hàng sẽ hỗ trợ đáng kể cho lợi nhuận ròng trong năm 2025.
Định giá cổ phiếu chạm đáy lịch sử, cơ hội bứt phá mở ra
Một trong những phát hiện đáng chú ý nhất của SSI Research là hệ số định giá P/B (giá trên giá trị sổ sách) bình quân ngành ngân hàng đã giảm xuống còn khoảng 1,2 lần, gần mức đáy của đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng trái phiếu năm 2022.
Đây là cơ hội hiếm có để các nhà đầu tư tiếp cận những mã cổ phiếu chất lượng cao với mức giá thấp hơn nhiều so với giá trị nội tại.
![]() |
Biểu đồ so sánh hệ số P/B hiện tại với trung bình 5 năm và biên độ dao động từ năm 2020 đến nay của các ngân hàng niêm yết. Nguồn: SSI Research. |
SSI đã xây dựng ba kịch bản thuế quan Mỹ (10%, 20% và 30%) để dự đoán tác động lên ngành ngân hàng. Theo kịch bản cơ sở 10%, tiềm năng tăng giá cổ phiếu ngân hàng dao động từ 10% tới gần 30%. Các mã cổ phiếu đáng chú ý nhất quý II/2025 gồm Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), Techcombank (TCB), MBBank (MBB) và HDBank (HDB). SSI đặc biệt ưa thích những ngân hàng có lợi thế về huy động vốn và phản ánh sự phục hồi kinh tế nội địa rõ nét.
Cụ thể, Vietcombank dù có P/B khá cao (2,12) nhưng vẫn được SSI khuyến nghị “Mua” với giá mục tiêu 69.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng trưởng tiềm năng 23%. MBBank và HDBank, dù có định giá thấp (P/B lần lượt 1,05 và 1,01), lại có cơ hội tăng giá mạnh nhất, đạt lần lượt 21,5% và 28,5%. Điều này minh chứng rằng, giá trị đầu tư không nằm ở giá hiện tại mà nằm ở khả năng tăng trưởng và thích ứng với biến động thị trường.
![]() |
Biểu đồ diễn biến hệ số P/B trung bình của ngành ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu từ năm 2017 đến nay. Nguồn: SSI Research. |
Top 5 cổ phiếu ngân hàng: Năm chiến lược vượt bão khác biệt
Vietcombank là đại diện tiêu biểu cho sự ổn định, nhờ lợi thế về huy động ngoại tệ chiếm 12,3% tổng nguồn vốn – cao nhất hệ thống. “VCB có khả năng điều chỉnh linh hoạt chi phí vốn trong môi trường tỷ giá biến động”, SSI Research nhận định. Với nền tảng mạnh mẽ, VCB sẽ duy trì hiệu quả hoạt động ổn định bất chấp biến động thị trường.
VietinBank gây ấn tượng đặc biệt với kế hoạch chia cổ tức cổ phiếu lên tới 44,64% và giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2024 để tăng vốn tự có. SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của CTG năm 2025 là 40.011 tỷ đồng. Với P/B 1,15, CTG rõ ràng là lựa chọn đầu tư đáng cân nhắc.
Techcombank hưởng lợi lớn từ sự phục hồi của thị trường bất động sản và tiêu dùng. SSI dự báo lợi nhuận trước thuế đạt 33.543 tỷ đồng (+21,8%), với mức P/B chỉ 1,06, tạo nên điểm vào rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
MBBank tiếp tục duy trì hiệu quả vượt trội với tăng trưởng tín dụng 24%, lợi nhuận dự kiến đạt 33.444 tỷ đồng. Với tỷ lệ nợ xấu dưới 1,7% và cổ tức tiền mặt ổn định, MBB nổi bật như một điểm đến an toàn.
HDBank là nhân tố tăng trưởng đặc biệt nhờ chiến lược tập trung tín dụng bất động sản, thương mại, xây dựng, với lợi nhuận dự kiến đạt 21.179 tỷ đồng (+27%). SSI tin rằng HDB có thể giành thị phần lớn nhờ lợi thế tín dụng từ quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.
Triển vọng dài hạn: Thay đổi lớn phía trước
Dù chính sách thuế quan Mỹ hiện đang hoãn áp dụng 90 ngày, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Các ngân hàng có mức độ liên quan cao đến xuất khẩu và FDI (như VCB, BID, CTG) sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Tuy nhiên, chính sách đầu tư công và hỗ trợ lãi suất của Chính phủ có thể giúp ngân hàng giảm bớt áp lực này.
Trong dài hạn, SSI Research nhấn mạnh Việt Nam đang dần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa và đầu tư công, tư nhân. Các ngân hàng cần nhanh chóng thích ứng, tái cấu trúc danh mục tín dụng và quản trị rủi ro một cách chặt chẽ hơn để tận dụng xu hướng mới.
Giữa bối cảnh vĩ mô phức tạp, SSI Research tin rằng thời điểm hiện tại là cơ hội hiếm hoi để nhà đầu tư lựa chọn những cổ phiếu ngân hàng tiềm năng cao với giá hấp dẫn. Với định giá thấp, lợi thế cạnh tranh rõ ràng và triển vọng phục hồi mạnh mẽ, các mã cổ phiếu VCB, CTG, TCB, MBB và HDB được dự đoán sẽ trở thành "ngôi sao sáng" trong quý II/2025, giúp nhà đầu tư không chỉ giữ vững vị thế mà còn có thể bứt phá trong dài hạn.
>> Trái phiếu doanh nghiệp quý I/2025 chạm đáy 5 năm: Tín hiệu tích cực nào đang chờ đợi?
Một cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA với tiềm năng tăng gần 40%
Một mã cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng 22%