Nhiều doanh nghiệp gỗ bị "vạ lây"
Doanh nghiệp gỗ làm ăn chân chính cũng bị bỏ chung vào “rọ” ngành kinh doanh rủi ro, mất rất nhiều thời gian để xác minh hóa đơn, chứng từ đầu vào hợp lệ, bị “treo” hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế.
Cả công ty dồn lực vài tháng đi xác minh hóa đơn
Ngành thuế quy định, doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc hóa đơn, chứng từ đầu vào là hợp lệ, mới được hoàn thuế.
"Có trường hợp mua hàng từ cách đây mấy năm, giờ tìm mãi chưa gặp được chủ cơ sở đã xuất hóa đơn, chứng từ. Lại có trường hợp không muốn ký xác nhận vì sợ lộ thu nhập, phải đóng thêm thuế. Không ít trường hợp phải đi lại 3-4 lần, người ta mới chịu ký xác nhận hóa đơn, chứng từ.
Không truy xuất được nguồn gốc hóa đơn, chứng từ hợp pháp của các giao dịch mua bán, khoản tiền hoàn thuế bị tạm “treo” lại. Năm ngoái, công ty mất mấy tháng trời chỉ tập trung vào việc xác minh hóa đơn, chứng từ để được hoàn thuế", đại diện một doanh nghiệp gỗ ở Thanh Hóa kể với PV VietNamNet.
So với nhiều địa phương khác, số tiền hoàn thuế của doanh nghiệp gỗ ở Thanh Hóa không lớn, năm ngoái chỉ khoảng vài chục tỷ đồng.
“Dù mất thời gian truy xuất nguồn gốc hóa đơn, chứng từ, cơ bản các doanh nghiệp gỗ ở Thanh Hóa đều đã được giải quyết hoàn thuế. Khó khăn nhất bây giờ có lẽ là các doanh nghiệp gỗ ở Quảng Ninh, tổng số tiền hoàn thuế chưa được giải quyết dồn tới cả nghìn tỷ đồng”, đại diện doanh nghiệp cho hay.
Giám đốc một công ty gỗ dán đã hoàn tất thủ tục hoàn thuế trong năm 2023 cho biết, ngành gỗ dán thường mua trực tiếp của nhà máy nên dễ dàng xác minh nguồn gốc hóa đơn, chứng từ. Trong khi đó, ngành dăm gỗ gặp nhiều vướng mắc hơn vì thu mua từ các hộ dân, có rất nhiều bảng kê và dữ liệu liên quan.
"Cả nước có tới hơn 1 triệu hộ trồng rừng, việc truy xuất nguồn gốc hóa đơn chứng từ, tốn rất nhiều nguồn lực của cả doanh nghiệp và cán bộ thuế. Có trường hợp chủ rừng đã mất, chưa làm thủ tục chia tài sản thừa kế cho con cháu. Giờ phải xác minh nhân thân, hộ khẩu của người thừa kế, mất không ít thời gian”, vị giám đốc nói.
Nếu chỉ khoảng 2-3 tháng giải quyết xong hoàn thuế, thời gian quay vòng vốn nhanh. Nhưng thời gian xác minh hóa đơn, chứng từ kéo dài tới 6-9 tháng, thậm chí hàng năm, với mức thuế 8-10%, tổng doanh số khoảng 1.000 tỷ đồng, khoản tiền hoàn thuế lên tới trăm tỷ đồng, nếu tồn đọng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Con sâu làm rầu nồi canh”
Theo lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhiều năm trước, khâu quản trị hóa đơn chứng từ chưa tốt, tràn lan nạn mua bán hóa đơn, nhiều doanh nghiệp gỗ trốn thuế, trục lợi thuế ở mức vi phạm nghiêm trọng, rơi vào vòng lao lý, nên ngành gỗ đã bị ngành thuế xếp vào diện “rủi ro cao”, phải kiểm soát chặt chẽ hóa đơn, chứng từ.
Thế nên đã xảy ra chuyện những người làm ăn chân chính bị “vạ lây” bởi những kẻ kinh doanh bất hợp pháp.
Giữa năm ngoái, nhiều doanh nghiệp gỗ “cụt vốn” làm ăn, bị đẩy tới đường cùng, đã phải gửi lời kêu cứu lên Thủ tướng bởi quá trình xác minh hóa đơn, chứng từ quá lâu, hàng nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế không được giải quyết.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhiều lần làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngành thuế đã có động thái sàng lọc doanh nghiệp để giải quyết hoàn thuế trước, tình hình dần được cải thiện.
Khoảng 1 năm nay, các doanh nghiệp gỗ đều đã nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc phải chuẩn chỉnh ngay từ đầu các loại hóa đơn, chứng từ đầu vào. Đặc biệt là khi các thị trường nhập khẩu gỗ Việt đều đưa ra cả loạt yêu cầu cần phải đáp ứng về truy xuất nguồn gốc, chứng chỉ rừng trồng…
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp chưa thể truy xuất được hết nguồn gốc hóa đơn, chứng từ đầu vào hợp lệ của vài năm trước, câu chuyện giải quyết hoàn thuế vẫn chưa có hồi kết. Hàng trăm tỷ, nghìn tỷ đồng vẫn đang tạm "treo" trong khi doanh nghiệp rất cần tiền để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp gỗ chung mong muốn, thay vì làm trầm trọng hóa vấn đề gian lận hóa đơn, đẩy trách nhiệm về phía doanh nghiệp, sẽ tốt hơn biết bao nhiêu nếu ngành thuế có giải pháp phân loại để doanh nghiệp làm ăn tử tế không phải chịu vạ lây.