Nhận định về thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên mới nổi, đa số công ty đại chúng tham gia khảo sát của Vietnam Report đặt niềm vào năm 2025. Số ít lạc quan hơn, thậm chí đặt niềm tin vào nửa sau năm 2024.
Ngày 22/5, Vietnam Report và Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng VIX50 - Top 50 Công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2024. Lễ vinh danh các doanh nghiệp sẽ diễn ra vào tháng 8 tại Hà Nội.
Đáng chú ý, khảo sát của Vietnam Report cho thấy, nâng hạng thị trường được đánh giá là yếu tố tác động tích cực nhất đến diễn biến thị trường chứng khoán trong nửa năm trở lại đây cũng như trong thời gian tới.
Yếu tố trên được thể hiện thông qua quyết tâm của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng tới các Bộ ngành liên quan, đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)… Theo kế hoạch, Việt Nam phấn đấu nâng hạng thị trường trong năm 2025.
Cụ thể, UBCKNN đang tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán bao gồm: Cải thiện hệ thống pháp lý, nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp hóa thị trường, giúp thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán trong nước.
Trong 8 yếu tố có ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán năm 2024, có tới 66,7% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá tích cực về câu chuyện nâng hạng - mức cao nhất trong tất cả các tiêu chí.
Tuy nhiên, có 77,7% số ý kiến khảo sát cho rằng thị trường chứng khoán trong nước sẽ được nâng hạng trong năm 2025 (trong đó 33,3% nghiêng về nửa đầu năm và 44,4% cho nửa cuối năm). Trong khi đó, kết quả khảo sát vẫn ghi nhận 15,7% số doanh nghiệp đại chúng cho rằng việc nâng hạng phải đợi sang năm 2026 trở đi.
Từ tháng 9/2018 - thời điểm Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ, câu chuyện nâng hạng luôn là chủ đề “nóng” được theo dõi sát sao. Đây là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ hướng tới, được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” và dự thảo “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030”.
Tuy nhiên, theo MSCI và FTSE Russell, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn những vướng mắc tồn tại liên quan đến công bố thông tin bằng tiếng Anh, thị trường ngoại hối, thủ tục đăng ký với nhà đầu tư nước ngoài… Để tháo gỡ các “điểm nghẽn” và hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường, cần đẩy mạnh những cải cách sâu rộng và toàn diện, đặc biệt tập trung vào các chính sách.
Theo khảo sát của Vietnam Report, các khuyến nghị chính sách mà doanh nghiệp ưu tiên bao gồm: Hoàn thiện khung pháp lý về thị trường chứng khoán; hiện đại hoá công nghệ thông tin phục vụ hoạt động giao dịch và thanh toán; tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh lọc hoạt động thị trường chứng khoán; nâng cao năng lực cho các tổ chức trung gian thị trường…