Hai tháng trở lại đây, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường bắt đầu chững lại đặc biệt là tại nhóm doanh nghiệp địa ốc.
Những tiêu cực, vấn đề xoay quanh chuyện huy động vốn thông qua kênh trái phiếu đã nhóm lên những lo ngại về rủi ro mà thị trường có thể sẽ hứng chịu trong thời gian tới.
Khi "hầu bao" trái phiếu - tín dụng bị bộc lại
Sự kiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ 9 lô trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã để lại hệ quả nặng nề không chỉ với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà cả thị trường chứng khoán, thậm thí đã nhen nhóm nguy cơ ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA), trong tháng 4/2022 không có bất kỳ doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu.
Sang tháng 5 (tính tới 27/5), một vài doanh nghiệp thuộc ngành này đã “rón rén” phát hành trở lại, nhưng khối lượng là không đáng kể.
Không chỉ vậy, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu bất động sản đã có chuỗi lao dốc kéo dài, khiến vốn hóa nhiều doanh nghiệp “bốc hơi” tới trên dưới 50%.
Dự báo dòng tiền trái phiếu bất động sản trong các quý còn lại của năm 2022? 
Các động thái siết chặt dòng tiền, siết chặt các phương thức huy động vốn của cơ quan quản lý thời gian gần đây khiến cho kênh trái phiếu doanh nghiệp đã bớt nóng phần nào; không ít doanh nghiệp thậm chí đã bỏ tiền mua lại trái phiếu trước hạn trong đó mới nhất là việc Becamex IDC Corp (BCM) thông báo sẽ chi 79 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn vào ngày 11/6 tới đây.
Ngoài việc bị siết chặt trái phiếu, huy động vốn từ kênh tín dụng của doanh nghiệp cũng bị kiểm soát chặt chẽ.
Đầu tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 1976/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu triển khai, thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động trong đó thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro.
Nếu ví trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và ngân hàng là như chiếc kiềng 3 chân để đảm bảo cân bằng trong hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp, thì đến nay 2 chân đã khuỵu xuống. Trong khi đó, dù không có động thái chính thức để siết tín dụng bất động sản, nhưng bản thân các ngân hàng từ lâu cũng đã nhận thấy rủi ro từ thị trường này. Do đó, để nói ngân hàng mở thêm “van tín dụng” với các doanh nghiệp bất động sản thời điểm này gần như là không thể.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, hiện nay ngành ngân hàng không đặt vấn đề siết hay cấm tín dụng bất động sản, nhưng luôn cảnh báo rủi ro và bản thân các ngân hàng phải thận trọng với các khoản vay này.
Ở thời điểm hiện tại, có đến 70% tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng là bất động sản - một con số quá lớn. Khi giá bất động sản đang bị đẩy cao, nếu thị trường này có vấn đề thì bản thân các ngân hàng sẽ chịu nhiều rủi ro vì tài sản đảm bảo không bán được.
Lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng cũng cho biết, theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tháng 10/2022 tới, các ngân hàng phải thực hiện đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về mức 30%. Do đó, tín dụng bất động sản (tín dụng trung và dài hạn) sẽ gặp áp lực. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, lộ trình này cần thiết phải thực hiện để đảm bảo an toàn trong hoạt động cho vay của các ngân hàng.
“Cần phải xác định lại thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Trong đó, ngành ngân hàng là thị trường tiền tệ, cung ứng vốn ngắn hạn, còn thị trường vốn là chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp cung cấp vốn trung dài hạn. Nên không thể thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề để “đổ hết lên đầu” ngân hàng được, ngành ngân hàng không thể thay thị trường vốn được”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) lo lắng việc siết trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến bất động sản dẫm vào vết xe đổ, đóng băng như năm 2008 và 2011.
“Tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp giống như 2 lỗ mũi của doanh nghiệp, nếu bịt cả 2 thì doanh nghiệp sẽ phá sản. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với khó khăn thanh khoản” - ông Lê Hoàng Châu phân tích.
Trong một báo cáo mới đây, Bộ Tài chính cho biết, ghi nhận tỏng năm 2021, có 57 doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong tổng số 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2021 có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành. Như vậy, việc siết chặt các tiêu chí tiền huy động vốn của doanh nghiệp tiếp tục được giới quản lý quan tâm đặc biệt.
Doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành cổ phiếu
Với nhiều doanh nghiệp, do nhu cầu vốn vẫn tăng cao, đặc biệt sau giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng huy động vốn trên sàn chứng khoán thông qua hoạt động phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong mùa ĐHCĐ thường niên 2022 vừa qua.
Tiêu biểu là nhóm ngành bất động sản có một loạt các doanh nghiệp huy động một khoản vốn lớn thông qua phát hành cổ phiếu như: Địa ốc Hoàng Quân (HQC), DIC Corp (DIG), CEO Group (CEO), Hodeco (HDC), Thủ Đức House (TDH),...
Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp ngành sản xuất cũng tranh thủ huy động vốn trên thị trường chứng khoán như: HAGL (HAG), Phú Tài (PTB), Masan MEATLife (MML), Gỗ Trường Thành (TTF),...
Mặc dù vậy, vẫn có không ít kế hoạch huy đông bị hoãn lại trong bối cảnh thị tường chứng khoán trong tháng 4 vừa nửa đầu tháng 5/2022 đã kéo hàng loạt cổ phiếu giảm sâu 30 - 40%.
Đơn cử như tại CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh - Haxaco (HAX) vừa quyết định tạm hoãn phương án phát hành 49,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn. Doanh nghiệp lý giải cho quyết định này là do diễn biến thị trường hiện nay không tốt, nếu phát hành ở thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông và lợi ích của công ty.
Tương tự, CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu - Hodeco (HDC) cũng tạm hoãn việc phát hành riêng lẻ năm nay và xem xét thực hiện vào một thời điểm khác nhằm đảm bảo lợi ích của công ty cũng như cổ đông. Giá cổ phiếu HDC kết thúc phiên giao dịch ngày 3/6 chỉ còn 60.200 đồng - bằng 60% mức giá phát hành 100.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, CTCP Louis Capital (TGG) cũng thông báo hủy phương án phát hành 41 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 20.000 đồng/cổ phiếu được cổ đông thông qua từ kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra cuối tháng 11/2021.
Tổng Giám đốc công ty cho biết, thị giá cổ phiếu TGG trên sàn chứng khoán biến động lớn tại thời điểm chuẩn bị phát hành. Ban điều hành nhận thấy đợt phát hành không còn phù hợp nên quyết định hủy bỏ đợt phát hành riêng lẻ. Giá cổ phiếu TGG kết thúc phiên giao dịch ngày 3/6 là 7.890 đồng.
Ngoài ra, thị giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp này đang ở dưới giá phát hàng như giá cổ phiếu HQC kết thúc phiên giao dịch 3/6 là 5.920 đồng trong khi giá phát hàng là 10.000 đồng thị giá.
Tương tự, Thuduc House dự kiến phát hành cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu xong giá cổ phiếu THD kết phiên 3/6 chỉ còn hơn 7.100 đồng.
Việc nhiều mã cổ phiếu giảm sâu, thậm chí giảm xuống dưới giá phát hành đã khiến cho các doanh nghiệp lo ngại về sự thành công của các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cũng như chào bán cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, kế hoạch huy động vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh dường như lại chông chênh và bất định.