Nhiều ngân hàng "chạy đua" tăng lãi suất tiền gửi sau đợt tăng lãi suất của NHNN

27-09-2022 11:49|Nhã Kỳ

Sau khi NHNN áp dụng lãi suất điều hành mới vào ngày 23/9, loạt NHTM đều có động thái điều chỉnh mặt bằng lãi suất huy động của mình.

NHNN tăng lãi suất điều hành

Trong tuần trước, NHNN tiếp tục sử dụng các công cụ hoạt động thị trường mở nhằm duy trì thanh khoản trên hệ thống ở mức vừa đủ và gián tiếp tác động lên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.

Cụ thể, NHNN đã phát hành 73.800 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, tăng 65,5% so với tuần trước. Lãi suất phát hành đạt 4,5%
(tăng 50 điểm cơ bản so với tuần trước) trong 4 ngày đầu tuần và tăng lên 5,0% vào phiên giao dịch thứ 6.

Nghiệp vụ mua kì hạn 7 ngày cũng được sử dụng đều đặn với khối lượng trung bình hàng ngày đạt 1.000 tỷ đồng và lãi suất cũng được điều chỉnh tăng dần và kết tuần đạt 5,5% (tăng 90 điểm cơ bản).

Theo báo cáo tại SSI, kết tuần vừa qua, NHNN đã hút ròng tổng cộng 34.600 tỷ đồng thông qua kênh hoạt động thị trường mở (OMO) và khoảng hơn 23.000 tỷ đồng thông qua kênh bán ngoại tệ.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng 40 điểm cơ bản lên 4,9% và kỳ hạn 1 tuần – 1 tháng lên vùng 5,2% - 5,6%.

anh-chup-man-hinh-2022-09-27-luc-10.02.15.png

Các chuyên gia tại SSI cho rằng, NHNN sẽ duy trì thanh khoản
trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND ở vùng 5,0 – 5,5%, để tạo mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.

Đặc biệt, NHNN cũng đã thông báo tăng một số lãi suất điều hành, sau gần 11 năm kể từ lần tăng gần nhất, trong đó đáng chú ý nhất là việc tăng 100 điểm cơ bản cho một số lãi suất như lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn và trần lãi suất huy động dưới 6 tháng.

Với mức điều chỉnh kể trên, lãi suất điều hành đã về lại mức tương đương tháng 3/2020 và thấp hơn 50 điểm cơ bản so với thời điểm trước Covid (ngoại trừ trần lãi suất huy động dưới 6 tháng).

anh-chup-man-hinh-2022-09-27-luc-10.04.25.png

Động thái này diễn ra ngay sau khi Fed nâng lãi suất điều hành trong kỳ họp tháng 9 và tương đồng với xu hướng của các NHTW khác sau quyết định của Fed.

Theo SSI, tuy việc tăng lãi suất này không gây quá nhiều bất ngờ cho thị trường (khi mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 đã liên tục tăng kể từ cuối tháng 7), mức tăng 100 điểm cơ bản trong 1 lần được đánh giá là tương đối lớn so với các quyết định trước đó của NHNN và so với các quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất nghiêng nhiều về hướng duy trì môi trường ổn đỉnh tỷ giá, hơn là kiểm soát lạm phát khi chỉ số CPI vẫn ở trong tầm kiểm soát.

Các chuyên gia tại SSI cho biết, dư địa NHNN để tiếp tục tăng lãi suất điều hành là có khi lạm phát có thể sẽ cao hơn giai đoạn trước Covid trong khi đó mặt bằng lãi suất vẫn thấp hơn mức trước Covid.

Thêm nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi sau động thái mới của NHNN

Sau khi NHNN áp dụng lãi suất điều hành mới vào ngày 23/9, ngoại trừ các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, các ngân hàng thương mại còn lại đều có động thái điều chỉnh mặt bằng lãi suất huy động của mình, ở hầu hết các kỳ hạn.

Sau khi ngân hàng ACB, SHB, KienlongBank, ngân hàng Bản Việt và BacABank thông báo tăng lãi suất huy động áp dụng từ ngày 23/9, một số ngân hàng khác cũng thông báo điều chỉnh lãi suất huy động sau quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

VPBank đã thông báo điều chỉnh lãi suất huy động áp dụng từ ngày 24/9. Tại các kỳ hạn ngắn 2-5 tháng khi gửi tiền trên kênh online, lãi suất đã được điều chỉnh tăng 1%/năm lên kịch trần 5%/năm khi gửi tiền từ 10 tỷ đồng trở lên, nếu gửi từ 3 đến dưới 10 tỷ đồng, lãi suất cũng tăng 0,9%/năm lên 4,9%/năm.

Eximbank cũng điều chỉnh tăng lãi suất lên 4,5-4,7%/năm tại các kỳ hạn 1-5 tháng. Đáng chú ý, tại kỳ hạn 60 tháng, lãi suất tăng 0,7%/năm lên 6,7%năm. Đây là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay của Eximbank.

0245_lai-suat.jpeg

Tại SCB, lãi suất tại các kỳ hạn ngắn từ 1 đến 5 tháng tăng khoảng 0,9-1%/năm lên khi gửi tiết kiệm online. Hiện nay tại SCB mức lãi suất cao nhất là 7,55% tại kỳ hạn 18 tháng khi gửi tiết kiệm online.

Tương tự tại HDBank, lãi suất huy động cũng được điều chỉnh tăng từ 3,9%/năm lên mức 5%/năm tại kỳ hạn 1-5 tháng. Hiện mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng là 7,65%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng áp dụng cho khoản tiết kiệm tối thiểu từ 300 tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh đó, 4 “ông lớn” ngân hàng là Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank vẫn chưa có động thái mới sau quyết định tăng lãi suất điều hành của NHNN. Hiện mức lãi suất cao nhất của các ngân hàng này đối với tiền gửi online là 5,6-5,8%/năm và 5,6% đối với tiền gửi tại quầy.

Trước đó, tại ACB. lãi suất huy động áp dụng tại gói “Tài Lộc” cũng có sự điều chỉnh tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến 9 tháng. Tại kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất huy động tăng thêm 1%/năm lên mức 5%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ. Trước đó mức lãi suất cao nhất tại kỳ hạn này là 4%/năm.

Ngoài ra, SHB cũng có sự điều chỉnh lãi suất tiết kiệm bậc thang áp dụng từ 23/9. 

Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed tiếp tục nâng lãi suất chính sách 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp, lên mức 3,0 – 3,25% với quyết tâm kiềm chế lạm phát bất chấp nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điều này khiến lãi suất kỳ vọng vào cuối năm 2022 tăng lên 4,4% (tăng từ mức dự báo 3,8% vào cuối tháng 6), và chỉ bắt đầu hạ nhiệt chậm kể từ năm 2024.

Làn sóng tăng lãi suất từ các NHTW trên thế giới cũng được ghi nhận trong những ngày vừa qua, khi NHTW Anh tăng 50 điểm cơ bản và trong khu vực Đông Nam Á có NHTW Indonesia và NHTW Philippnes tăng 50 điểm, và NHNN Việt Nam tăng 100 điểm trong nỗ lực kiểm soát lạm phát và giảm áp lực mất giá của đồng nội tệ.

anh-chup-man-hinh-2022-09-27-luc-10.02.29.png

Tuy nhiên, đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh của mình và chỉ số DXY đã tăng 2,1% trong những ngày qua, lên mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Các đồng tiền chủ chốt khác đều ghi nhận mức giảm mạnh so với USD trong khi đó JPY tăng nhẹ +0,16% nhờ động thái can thiệp vào thị trường ngoại hối của NHTW Nhật Bản.

Tỷ giá USD/VND vừa qua cũng ghi nhận mức tăng mạnh, tương đồng với các đồng tiền khác trong khu vực.

Tỷ giá niêm yết tại Vietcombank tăng 65 đồng cho cả 2 chiều mua vào/bán ra trong khi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đóng tuần ở mức VND 23.705/USD, tương đương là tăng 0,23% so với cuối tuần
trước và 3,86% so với cuối năm 2021.

anh-chup-man-hinh-2022-09-27-luc-10.03.55.png

Theo Investing, đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác vào đầu tuần do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và lãi suất tăng ở phương Tây đang đè nặng lên các tài sản chịu rủi ro khiến USD hưởng lợi.

USD index và hợp đồng tương lai đồng bạc xanh vẫn được ghim ở mức cao nhất trong 20 năm sau một loạt dữ liệu kinh tế châu Âu yếu kém vào tuần trước cùng triển vọng tăng lãi suất nhiều hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hỗ trợ đồng USD.

Trong năm 2022 sức ép lên tỷ giá vẫn còn, nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm nhờ nguồn cung ngoại tệ.

Trên thực tế, số liệu FDI giải ngân trong 9 tháng đầu năm vẫn tương đối tích cực, đạt 15,8 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Vàng thủng đáy nỗi đau: Khi "hầm trú ẩn" không còn an toàn nữa

Kịch bản ít người nghĩ đến về chuyện nâng hạng TTCK Việt Nam

ACBS: Quỹ ngoại sẽ mua lượng lớn cổ phiếu VIC, VHM, HPG, SSI, VND, VIX, SHB khi TTCK Việt Nam được nâng hạng

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhieu-ngan-hang-chay-dua-tang-lai-suat-tien-gui-sau-dot-tang-lai-suat-cua-nhnn-150711.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nhiều ngân hàng "chạy đua" tăng lãi suất tiền gửi sau đợt tăng lãi suất của NHNN
    POWERED BY ONECMS & INTECH