Phiên giao dịch ngày 3/1, cổ phiếu đầu tư công đồng loạt tăng mạnh với thanh khoản đột biến: HHV (+4,2%); VCG (+3,5%); (LCG (+3,8%); CII (+2,3%); HUT (+3%); FCN (+3,1%); C4G (+3,4%); CTD (+4,6%)...
Tính đến 10h30 ngày 3/1/2024, cổ phiếu nhóm đầu tư công "dậy sóng" khi nhiều mã tăng từ 2-4% cùng thanh khoản tăng đột biến. Tiêu biểu phải kế đến cổ phiếu HHV  của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả với mức tăng 4,2% cùng hơn 11,3 triệu cổ phiếu được sang tay.
Các cổ phiếu khác trong nhóm cũng đạt mức tăng trưởng đáng kể: VCG  (+3,5%); LCG  (+3,8%); CII  (+2,3%); HUT  (+3%); FCN  (+3,1%); C4G  (+3,4%); CTD  (+4,6%)...
Cổ phiếu nhóm đầu tư công có phiên giao dịch thăng hoa |
Hưởng lợi từ thông tin giải ngân đầu tư công
Trong năm 2023, giải ngân đầu tư công ước hoàn thành 65-70% kế hoạch Quốc hội đặt ra song có thể thấy tốc độ giải ngân chỉ tăng mạnh trong nửa sau của năm 2023.
Đây là kết quả từ những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ những nút thắt của công tác giải ngân từ khâu phân bổ, phê duyệt các dự án đầu tư, công tác đầu thầu cho đến giải phóng mặt bằng,..
Tỷ lệ hoàn thành giải ngân đầu tư giai đoạn 2018 – 2023 và kế hoạch 2024 |
Trong cuộc họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 12/2023, Chính phủ đã trình bày kế hoạch chi ngân sách đầu tư cho năm 2024. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển đạt 677.300 tỷ đồng, tăng 108.000 tỷ đồng so với năm 2023 (không bao gồm phần kinh phí cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023), chiếm 32,2% tổng chi ngân sách nhà nước. Đây là mức tăng cao so với các năm trước đây.
Năm 2024 được coi là năm quan trọng để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và bắt đầu xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Hiện tại, hầu hết các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, vì vậy năm nay là thời điểm thích hợp để đẩy nhanh tiến độ. Chứng khoán MB (MBS) ước tính kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công cho năm 2024 là khoảng 750.000 tỷ đồng (bao gồm cả phần kết chuyển từ năm 2023).
MBS kỳ vọng rằng khi những rắc rối đầu tư từ các năm trước đã được giải quyết (như việc chỉ định thầu để tăng tốc quá trình giao thầu, cấp phép khai thác mỏ đất đá mới, giảm giá nguyên vật liệu xây dựng so với giai đoạn 2021-22,...), tỷ lệ giải ngân đầu tư công thực tế năm 2024 sẽ đạt khoảng 85 – 90% kế hoạch, tăng trưởng 38% - 45% so với năm 2023.
Vào tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với mục tiêu giải ngân đạt 95%.
Một số bộ và cơ quan trung ương có kế hoạch vốn lớn bao gồm Bộ Giao thông Vận tải (56.666 tỷ đồng), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (9.935 tỷ đồng)...
Các dự án đầu tư công tập trung trong giai đoạn 2024 - 2025 bao gồm 12 dự án thành phần bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1...
Các doanh nghiệp niêm yết trực tiếp tham gia vào các dự án này bao gồm C4G, VCG, LCG và HHV.
Các dự án đầu tư công trọng điểm trong giai đoạn 2024 - 2025 |
Chuyển động tích cực từ doanh nghiệp
Cienco4 (C4G) cho biết, Công ty đã trúng thầu hai dự án lớn: dự án Cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh, với giá trị trúng thầu phần thi công là hơn 1.800 tỷ đồng; dự án Cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau, với giá trị trúng thầu hơn 1.700 tỷ đồng. Theo chia sẻ của lãnh đạo Cienco4, khối lượng công việc hiện tại đủ cho Công ty hoạt động trong 3 năm.
CTCP FECON (FCN) cũng cho biết đã trúng nhiều gói thầu như thi công kè bê tông thuộc Dự án Cầu Hôn trị giá gần hơn 59,7 tỷ đồng tại Phú Quốc; gói thầu thi công cọc xi măng đất D1200 thuộc Dự án Royal Group Headquarters (tại Campuchia) trị giá hơn 22,2 tỷ đồng, hay gói sản xuất và ép cọc tại Dự án Clubhouse Vũng Bàu (Phú Quốc) trị giá 12,2 tỷ đồng. Ngoài ra, FECON cũng làm nhà thầu phụ tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2… Tính từ đầu năm 2023 đến nay, FECON đã trúng các gói thầu với tổng trị giá gần 800 tỷ đồng.
Vinaconex (VCG) cũng có giá trị trúng thầu các gói thầu thi công dự án đầu tư công khá lớn. Sau khi hoàn thành 3 gói thầu Phan Thiết - Dầu Giây (2.300 tỷ đồng), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (3.225 tỷ đồng) và Mai Sơn - Quốc lộ 45 (2.500 tỷ đồng), Vinaconex được giao các dự án giao thông lớn khác như gói XL -11 dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi (5.232 tỷ đồng), gói XL01 dự án Vũng Áng - Bùng (5.400 tỷ đồng), gói XL-12 dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh (3.055 tỷ đồng), gói XL-02 dự án Vân Phong - Nha Trang (3.549 tỷ đồng).
Trong khi đó, Đèo Cả (HHV) trúng thầu 3 gói trong dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, với tổng trị giá 14.677 tỷ đồng, thời gian thi công đến cuối năm 2026. Bên cạnh đó, sự hồi phục của ngành du lịch giúp hoạt động thu phí giao thông của Công ty khả quan hơn khi phần lớn các trạm BOT ở các tuyến từ Khánh Hòa đến Huế là các khu vực có du lịch phát triển.
>> Liên danh Lizen (LCG), Vinaconex (VCG) bứt tốc trong gói thầu gần 12.000 tỷ đồng 
Đèo Cả: Dự án 1.700 tỷ đồng ‘về đích’ 
Diễn biến tích cực của cổ phiếu các doanh nghiệp cơ cấu tài sản dịp cuối năm