Kiến thức

Những bài học dựng nghiệp 'vàng' từ nhà sáng lập Hyundai: Mất tiền là mất ít, mất tín là mất rất nhiều, mất ý chí là mất tất cả

Manh Lan 20/07/2024 08:14

Hơn 80 năm cuộc đời với nhiều biến cố thăng trầm, kỳ nhân kinh tế Hàn Quốc và nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai - Chung Ju Yung, đã đúc kết cho thế hệ trẻ rất nhiều bài học vàng về dựng nghiệp.

“Không bao giờ là thất bại! Tất cả là thử thách” được coi là cuốn tự truyện chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của cố Chủ tịch Chung Ju Yung. Cuốn sách không chỉ thuật lại hành trình xây dựng một trong những tập đoàn công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới mà còn chứa đựng những bài học sâu sắc về quản trị, kinh doanh và đạo làm người với tinh thần “đắc nhân tâm”. Đây chính là cuốn sách gối đầu giường của nhiều doanh nhân Việt Nam.

Những bài học dựng nghiệp 'vàng' từ nhà sáng lập Hyundai: Mất tiền là mất ít, mất tín là mất rất nhiều, mất ý chí là mất tất cả - ảnh 1
Cuốn "Không bao giờ là thất bại! Tất cả là thử thách" của cố Chủ tịch Chung Ju Yung

“Không bao giờ là thất bại! Tất cả là thử thách” đã được tái bản nhiều lần tại Việt Nam, và không chỉ là một tựa sách, nó đã trở thành phương châm sống, truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.

Chính vì thế, cuốn sách này cũng nằm trong danh sách 5 cuốn sách "Nền tảng đổi đời" do Chủ tịch Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tuyển chọn, viết thư ngỏ và tổ chức trao tặng hàng triệu thanh niên Việt Nam để khơi dậy chí lớn và tinh thần khởi nghiệp - kiến quốc.

Bài học thứ nhất: Suy nghĩ tích cực, không có thất bại

Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc, chúng ta thường tự hỏi điều gì thực sự mang lại sự hài lòng và niềm vui. Dù có một cuộc sống đầy đủ với tình yêu, sức khỏe, mối quan hệ xã hội, năng lực làm việc, và tiền bạc, nhiều người vẫn cảm thấy thiếu thốn hạnh phúc. Đối với Chung Ju Yung, người đã trải qua nhiều thăng trầm và đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, hạnh phúc đến từ việc dốc toàn tâm toàn lực vào công việc và nuôi dưỡng suy nghĩ tích cực.

Chung Ju Yung cho rằng suy nghĩ tích cực là nền tảng của mọi nguồn năng lượng khác. Nó khởi nguồn cho sức mạnh tinh thần, chuyển hóa thành sức mạnh thể chất và vật chất. Để mạnh mẽ, con người trước hết phải có ý chí mạnh mẽ. Thành công chỉ đến khi ta tin rằng mình có thể làm được.

“Vì vậy tôi thường nghĩ, con người quan trọng nhất là có ý chí hay không mà thôi. Có ý chí thì chẳng việc gì là không làm được. Nếu mang suy nghĩ tích cực thì dù trời sập xuống cũng có lỗ chui ra, và việc gì cũng có thể làm được“, nhà sáng lập Huyndai từng chia sẻ.

Những bài học dựng nghiệp 'vàng' từ nhà sáng lập Hyundai: Mất tiền là mất ít, mất tín là mất rất nhiều, mất ý chí là mất tất cả - ảnh 2

Ông kể về kỷ niệm thời thơ ấu khi phải làm việc cực nhọc dưới nắng gắt. Trong hoàn cảnh đó, người tiêu cực có thể chỉ thấy sự vất vả, nhưng Chung Ju Yung lại tìm thấy niềm vui trong những khoảnh khắc nghỉ ngơi ngắn ngủi dưới bóng râm, cảm nhận cơn gió mát và cảm thấy hạnh phúc. Khi lớn lên, với mục tiêu làm giàu, ông đã kiên nhẫn tiết kiệm từng đồng lẻ và tận hưởng niềm vui từ những điều nhỏ bé.

Suy nghĩ tích cực và lòng tin vào khả năng của bản thân đã giúp ông và Tập đoàn Hyundai vượt qua nhiều thách thức. Khi muốn xây dựng nhà máy đóng tàu Ulsan, ông đã kiên trì thuyết phục các ngân hàng cho vay dù không có kinh nghiệm. Chung Ju Yung tin rằng mọi việc đều có thể làm được nếu ta tin tưởng và nỗ lực. Chính niềm tin này đã giúp ông vay được 50 triệu USD từ ngân hàng Barclays và hiện thực hóa ước mơ của mình.

Theo Chung Ju Yung, suy nghĩ tích cực không chỉ là lời nói suông mà là kim chỉ nam cho mọi hành động. Tất cả sự phát triển của nhân loại đều dựa trên sự chỉ đạo của những con người có lối suy nghĩ tích cực. Đây là bài học quan trọng mà ông muốn truyền đạt: hãy luôn giữ tinh thần lạc quan và lòng tin vào bản thân, vì đó là chìa khóa để vượt qua mọi thử thách và đạt được thành công.

Bài học thứ hai: Thành bại của cuộc đời là hành động và thời gian

Từ thuở nhỏ, Chung Ju Yung đã được thừa hưởng đức tính chăm chỉ từ cha mẹ, và vì làm việc vất vả, ông rất ghét những người lười biếng. Ông hiểu rằng mọi người đều muốn tận hưởng sự thoải mái ở một mức độ nào đó, nhưng để thành công, chúng ta phải vượt qua rào cản lười biếng này. Những ai xuất phát điểm khó khăn càng phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người khác để mong có ngày vươn lên.

Suy nghĩ tích cực là quan trọng, nhưng chỉ suy nghĩ thôi thì chưa đủ. Đối với Chung Ju Yung, không gì lãng phí bằng việc để thời gian trôi qua mà không hành động. Ông khẳng định, doanh nghiệp chỉ lớn mạnh khi có hành động. Tập hợp những người thông minh mà chỉ ngồi suy nghĩ thì không thể tạo ra kết quả.

Ông lấy ví dụ về việc gặp gỡ ai đó: giữa việc suy nghĩ rồi 1 giờ sau mới gặp và đứng lên đi gặp ngay lập tức sẽ đem lại kết quả khác nhau. Sự nhanh chậm và quyết đoán quyết định sự thành bại của công việc.

“Với tôi, khi giao việc cho nhân viên dù khó đến mấy cũng không cho thời gian dài. Nếu cho thời gian dài họ sẽ trì hoãn, dẫn đến việc công việc bị chồng chất và cuối cùng không đạt kết quả mong muốn”, Chung Ju Yung chia sẻ.

Những bài học dựng nghiệp 'vàng' từ nhà sáng lập Hyundai: Mất tiền là mất ít, mất tín là mất rất nhiều, mất ý chí là mất tất cả - ảnh 3

Là chủ doanh nghiệp lớn, ông thường xuyên đốc thúc công nhân trên mọi công trường, nhà máy. Ông luôn có mặt để kiểm tra, làm gương về thái độ sẵn sàng hành động và tiết kiệm thời gian. Sau những chuyến công tác dài ngày, ông vẫn đi làm ngay hôm sau dù mệt mỏi.

Trong khi các công ty khác cho nhân viên thời gian thích nghi với lệch múi giờ, ở Hyundai không như vậy. Chung Ju Yung và nhân viên đi thẳng vào bàn họp mà không quan tâm đến yếu tố bên ngoài.

Chung Ju Yung phân tích, các doanh nghiệp Nhật Bản có triết lý kinh doanh vững chắc và đó là lý do họ không bị gục ngã. Doanh nghiệp Hàn Quốc nỗ lực nhưng vẫn chưa thể vượt qua sự đi trước cả 100 năm của Nhật Bản. Để vươn lên, cần tăng thời gian làm việc, bồi dưỡng doanh nghiệp có năng lực và chí tiến thủ.

“Mỗi ngày chúng ta phải đổi mới. Nếu hôm nay vẫn như hôm qua, ngày mai vẫn như hôm nay, chúng ta đang lùi bước. Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai phải phát triển hơn hôm nay. Đó mới là cuộc sống có ý nghĩa và xã hội loài người mới phát triển, hoàn thiện hơn.

Tôi tin rằng những người có chí tiến thủ và kiến thức thì không việc gì là không làm được”, ông viết trong cuốn tự truyện của mình.

Bài học thứ ba: Cần cù, tiết kiệm làm nguồn vốn

Chung Ju Yung, sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, đã thấm nhuần đức tính tiết kiệm và cần cù từ nhỏ. Ông cho rằng đây là nguồn vốn quý giá nhất, tạo nên uy tín và danh dự của con người.

Một lần, ông xem một chương trình trên TV về một thanh niên nông thôn. Thanh niên này so sánh thu nhập và tiết kiệm của mình với bạn bè ở thành phố: "Dù thu nhập của tôi chỉ bằng một nửa họ, nhưng tôi tiết kiệm được một nửa số tiền tôi kiếm được. Tôi tin rằng với cách sống này, tương lai tôi sẽ giàu có hơn họ." Chung Ju Yung đồng ý với quan điểm này, ông tin rằng sự nhiệt tình làm việc và tiết kiệm triệt để sẽ dẫn đến thành công.

Chung Ju Yung tự nhận mình đã sống rất tiết kiệm và giản dị. Thời còn làm thuê ở cửa hàng gạo, ông dậy sớm mỗi ngày để đi bộ đi làm, tiết kiệm 5 won tiền tàu điện. Đôi giày mòn vẹt của ông không bị bỏ đi mà được đế thêm để tiếp tục sử dụng. Quần áo của ông đơn giản, chỉ có một bộ cho mùa hè và thu, thêm áo lót khi đông đến. Ông đọc báo nhờ của người khác và tiết kiệm một nửa lương tháng, dành hết tiền thưởng cho việc tích lũy vốn liếng.

Ngay cả khi đã trở thành chủ doanh nghiệp lớn, Chung Ju Yung vẫn giữ lối sống giản dị, tránh xa cám dỗ, không dùng rượu bia, thuốc lá và không mua sắm đồ xa xỉ. Ông khuyên công nhân của mình cũng nên tiết kiệm, ít nhất đến khi mua được nhà thì hãy nghĩ đến việc sống thoải mái hơn. Những cách tiết kiệm đơn giản như không hút thuốc, uống rượu, cafe, bài bạc, không mua đồ xa xỉ và không sắm nhiều quần áo là những điều ông thường nhắc nhở.

Những bài học dựng nghiệp 'vàng' từ nhà sáng lập Hyundai: Mất tiền là mất ít, mất tín là mất rất nhiều, mất ý chí là mất tất cả - ảnh 4

Theo Chung Ju Yung, tiết kiệm là tiêu chí tạo nên uy tín. Lối sống ngay thẳng, dựa vào sức mình sẽ giúp chúng ta xây dựng mối liên hệ đáng tin cậy với người xung quanh. Sự uy tín có được từ cần cù và trung thực sẽ giúp chúng ta gặp được người hỗ trợ dễ dàng hơn.

"Tôi không tin vào những người tiêu xài hoang phí, luôn mang nợ và không biết tiết kiệm.

Một ngày làm việc cần cù thì đêm mới có thể ngủ ngon giấc. Một tháng cần cù thì cuộc sống sẽ đi lên. Cả cuộc đời cần cù sẽ phát triển lớn mạnh. Cuộc sống của người cần cù sẽ ý nghĩa hơn, họ có thể làm việc gấp nhiều lần người khác. Sự cần cù chính là tính trung thực của cuộc đời. Nếu chúng ta không cần cù thì sẽ không có uy tín", cựu Chủ tịch Huyndai nhấn mạnh.

Bài học thứ tư: Giữ chữ tín - Vấn đề sống còn trong sự nghiệp

Chung Ju Yung, người sáng lập Hyundai, đã nhiều lần thành công trong những tình huống tưởng chừng do may mắn. Như việc ông chủ cửa hàng gạo tin tưởng giao lại cơ ngơi, đấu thầu thành công cảng Dubai, hay vay được số tiền lớn từ ngân hàng Barclays để đóng tàu dù chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, những ai hiểu về Chung Ju Yung đều biết rằng thành công của ông không phải là may mắn ngẫu nhiên, mà là kết quả của sự nỗ lực không ngừng và uy tín vững vàng. Với ông, không có điều gì gọi là kỳ tích trong công việc; tất cả đều phải trả giá bằng sự cố gắng và giữ chữ tín.

Khi khởi nghiệp, Chung Ju Yung không có gì ngoài uy tín. Ông được chủ cửa hàng tin tưởng và giao lại cơ ngơi, bắt đầu kinh doanh với vốn duy nhất là sự đáng tin cậy. Uy tín của ông không chỉ về tài chính, mà còn về số lượng, chất lượng sản phẩm, thời gian và hợp đồng. Khi uy tín tăng lên, Chung Ju Yung đã xây dựng được đế chế Hyundai vững mạnh.

Những bài học dựng nghiệp 'vàng' từ nhà sáng lập Hyundai: Mất tiền là mất ít, mất tín là mất rất nhiều, mất ý chí là mất tất cả - ảnh 5

Khoảng 20 năm trước, Hyundai đã có thể giao dịch với 20 ngân hàng lớn trên thị trường tiền tệ quốc tế mà không cần giấy bảo lãnh của chính phủ hay thế chấp. Chỉ cần một lời hứa sẽ chi trả của Hyundai cũng có thể mượn được hàng tỷ USD, một con số rất lớn vào thời điểm đó.

Uy tín là tài sản quý giá mà Chung Ju Yung luôn gìn giữ. Khi xây dựng cầu Koriong, Hyundai thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản. Chung Ju Yung đã họp bàn với gia đình, đồng lòng bán hết nhà cửa và tài sản để tiếp tục dự án. Công trình đó khiến Hyundai mất 20 năm mới trả hết nợ, nhưng Chung Ju Yung chưa bao giờ hối tiếc. Ông giữ được thứ mà tiền bạc không thể mua được – chữ tín. Chính phủ tin tưởng vào Hyundai, mở đường cho nhiều dự án tiếp theo của tập đoàn.

>> Jack Ma: ‘Đừng trách móc tại sao người khác giàu có, đó là điều vô dụng nhất vì thế giới vốn dĩ không công bằng’

Hàn Quốc đau đầu với vấn nạn mạo danh người nổi tiếng trên MXH

Hoàng tử Việt Nam làm tướng ở nước ngoài, được dân gọi 'Bạch Mã tướng quân'

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/nhung-bai-hoc-dung-nghiep-vang-tu-nha-sang-lap-hyundai-mat-tien-la-mat-it-mat-tin-la-mat-rat-nhieu-mat-y-chi-la-mat-tat-ca-124318.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Những bài học dựng nghiệp 'vàng' từ nhà sáng lập Hyundai: Mất tiền là mất ít, mất tín là mất rất nhiều, mất ý chí là mất tất cả
    POWERED BY ONECMS & INTECH