Những bước tiến mới của Viettel IOC
Sau 5 năm kể từ mô hình IOC đầu tiên được Viettel Solutions triển khai tại Việt Nam, bài học chuyển đổi số “may đo” theo nhu cầu thực tiễn vẫn còn nguyên giá trị. Hơn thế, việc “may đo” này cũng ngày càng cải tiến hơn.
2 cải tiến lớn của hệ thống IOC ở các địa phương
Nếu như Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại Huế là sản phẩm khai phá thị trường, thì IOC ra mắt năm 2023 tại Đà Nẵng đã có rất nhiều cải tiến. Hiện nay, IOC Đà Nẵng là trung tâm lớn và nhiều phân hệ bậc nhất ở Việt Nam, gồm đầy đủ các tính năng của phiên bản IOC hiện tại, hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển thành sản phẩm điểm hướng đến phiên bản tốt nhất của Viettel IOC.
Theo đội ngũ phát triển, Viettel vẫn đề cao chiến lược “may đo” khi phát triển hệ thống IOC cho địa phương, nhưng việc may đo đã được cải tiến ở 2 điểm chính. Một là khai thác được các giá trị của dữ liệu đã thu thập được. Hai là xây dựng các bộ KPI cho chuyển đổi số.
Hiện nay, IOC ở Đà Nẵng đã có hạ tầng công nghệ thông tin hoàn chỉnh, đặc biệt là dữ liệu tương đối đầy đủ để phát triển tính năng trên nhiều lĩnh vực, quy trình bộ máy tổ chức tương đối hoàn chỉnh. Nhờ đó, hiện nay và trong tương lai, trung tâm IOC có thể khai thác dữ liệu đã thu thập, tích hợp được các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn.
Ví dụ, kể từ IOC Đà Nẵng, hệ thống đã được trang bị các tính năng thông minh như AI (trợ lý ảo AI) và phân tích dữ liệu (dự đoán, chuẩn đoán) hỗ trợ ra quyết định. Ngoài ra, các tính năng mới như cung cấp phân hệ mobile giúp lãnh đạo điều hành linh hoạt, đến việc tiên phong triển khai thử nghiệm chatbot AI thế hệ mới, cũng đã được tích hợp.
Hay trước đây, các bài toán nhận diện hình ảnh khá đơn giản, như phát hiện đám đông, phát hiện vi phạm giao thông chẳng hạn. Giờ đây, Viettel IOC đã có thể xử lý những bài toán phức tạp hơn như phát hiện ra biến đổi khí hậu, thay đổi môi trường...
“Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thực hiện kết nối, đồng bộ các hệ thống cơ sở dữ liệu; và tập trung triển khai phân tích, khai thác dữ liệu để tạo ra thêm nhiều giá trị mới, phục vụ cho công tác dự báo, ra quyết định dựa trên dữ liệu, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành chung của thành phố”, ông Nguyễn Văn Quốc - Giám đốc Trung tâm IOC Đà Nẵng cho biết.
Cùng với đó, IOC hiện đại sẽ xây dựng các bộ KPI, để bên cạnh việc tiêu chuẩn hóa, thì còn đưa các nội dung chuyển đổi số thành mục tiêu và đạt được một cách nhanh nhất. Ví dụ, nếu KPI là tỷ lệ phản ánh của người dân được xử lý đúng hạn thì cả hệ thống, quy trình, bộ máy sẽ điều chỉnh làm sao để đạt được KPI đó.
“Như thế, vẫn là ‘may đo’ nhưng gắn với công nghệ hơn, có KPI và chính bộ KPI cũng được may đo, điều chỉnh liên tục”, Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh Viettel Solutions Dương Công Đức nói.
Doanh nghiệp Việt làm chủ giải pháp, công nghệ cho IOC
So với phiên bản đầu tiên của 5 năm trước, phương pháp triển khai cũng như công nghệ IOC của Viettel Solutions đã có nhiều điểm mới nổi bật.
Hiện nay, IOC của Viettel Solutions đã tập trung hiệu quả chuyên sâu từng usecase, thay đổi cách tiếp cận theo hướng usecase cụ thể thay thế cho việc triển khai dàn trải nhiều lĩnh vực, tập trung hơn về tổ chức, con người, quy trình để vận hành hiệu quả.
Tính năng công nghệ cũng được nghiên cứu bổ sung liên tục với những phiên bản mobile cho lãnh đạo, tự động hóa quy trình điều hành chuẩn SOP, trợ lí ảo chatbotAI và vẫn đang phát triển nhiều tính năng công nghệ hiệu quả khác. Giao diện, trải nghiệm người dùng của Viettel IOC luôn luôn cải tiến đảm bảo các tiêu chuẩn UI/UX hiện đại và nâng cấp đảm bảo chất lượng.
An toàn thông tin hệ thống được nâng cấp liên tục đảm bảo tính bảo mật cho hệ thống đã được kiểm chứng qua hồ sơ ATTT cấp độ 3 và các chứng nhận được cung cấp khi triển khai các diễn tập ATTT cho các dự án.
Đặc biệt, trong từng phiên bản nâng cấp, Viettel IOC đã dần dần cập nhật và làm chủ 100% công nghệ trong các phân hệ chính, phát triển nền tảng thành các bộ công cụ độc lập dễ dàng tích hợp phát triển, đảm bảo khả năng mở rộng nâng cấp trong tương lai.
Theo ông Dương Công Đức, trong các cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất, thứ hai, thứ ba thì công nghệ quyết định cách làm, nhưng cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì từ thói quen, từ hành vi, từ nhu cầu thực tiễn người dùng sẽ hình thành nên hệ thống đáp ứng tương ứng. Vì thế, Viettel IOC luôn luôn cập nhật công nghệ mới, cải tiến liên tục, thấu hiểu nhu cầu và những vấn đề thực tiễn phát sinh.
“Viettel luôn cam kết đồng hành với người dùng, với khách hàng để đưa hệ thống vào cuộc sống một cách tốt nhất”, vị giám đốc khẳng định.
>>Viettel bổ nhiệm tân Tổng Giám đốc tại Myanmar