Một số đại gia Việt từng công khai sở hữu máy bay riêng như ông Đoàn Nguyên Đức, ông Trần Đình Long, ông Trịnh Văn Quyết (thời kỳ làm lãnh đạo FLC)...
Trong dự thảo báo cáo tổng kết Luật Hàng không dân dụng, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, thời gian qua, do tác động của dịch COVID-19, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không thường lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam, nước ngoài giảm. Thay vào đó, nhu cầu sử dụng máy bay tư nhân tăng mạnh nhằm phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh. Do đó, thói quen sử dụng máy bay cá nhân dần được hình thành và nhu cầu tiếp tục tăng tại Việt Nam.
Trong tổng số 45 máy bay  tại Việt Nam được cấp phép hoạt động hàng không chung, chỉ có 8 máy bay phục vụ nhu cầu đi lại của cá nhân, số lớn còn lại phục vụ các nhu cầu dịch vụ dàn khoan, bay du lịch, bay khảo sát…
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tới nay tất cả máy bay phục vụ cá nhân đều thuộc sở hữu của các công ty hàng không chung để cho cá nhân thuê, hiện không có cá nhân nào ở Việt Nam sở hữu máy bay riêng.
Trước đó, Việt Nam có một số cá nhân sở hữu máy bay riêng  như ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát, ông Trịnh Văn Quyết (thời kỳ làm lãnh đạo FLC)…
Máy bay riêng của bầu Đức
Ông Đoàn Nguyên Đức  (bầu Đức) - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai  - được biết là người Việt Nam đầu tiên công khai việc mua máy bay riêng (nếu không kể đến trường hợp "công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy, còn gọi là ông Ba Huy, thời kỳ 1930-1940).
Bầu Đức là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng. Ảnh: Dân Trí |
Năm 2008, bầu Đức chi 5,1 triệu USD mua chiếc máy bay hãng Beechcraft King Air 350, số seri FL-417, có sức chứa 12 người, do hãng Raytheon Aircraft (Mỹ) sản xuất, động cơ Pratt &Whitney PT 6-60A (Canada).
Đây là máy bay phản lực  cánh quạt hai động cơ loại nhỏ, sức chở tối đa 11 người, thân dài hơn 10m, sải cánh hơn 15m, buồng lái có chỗ cho 2 phi công. Bầu Đức cho biết tậu máy bay để phục vụ công việc. Để đưa vào khai thác, bầu Đức còn tốn thêm khoảng 2 triệu USD nộp thuế, thuê tổ lái, bảo dưỡng kỹ thuật...
Tuy nhiên, đến năm 2016, đại gia Việt  đầu tiên sở hữu máy bay đã bán lại chiếc Beechcraft King Air350 cho Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) - một đơn vị kinh tế thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc Phòng. Giá bán không được tiết lộ.
Khoảng một thời gian sau, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai được chú ý khi di chuyển liên tục bằng chiếc máy bay nhãn hiệu Legacy 600. Song đại diện của hàng không Việt Nam cho biết, máy bay này được khai thác dưới sự đăng ký của một cá nhân nước ngoài và bầu Đức chỉ là người thuê lại.
Trực thăng của tỷ phú Trần Đình Long
Chiếc trực thăng từng thuộc sở hữu của Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Người Lao Động |
Tỷ phú Trần Đình Long , Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát , là người sở hữu máy bay riêng thứ hai tại Việt Nam.
Năm 2010, Hoà Phát chi khoảng 5 triệu USD để sắm mẫu trực thăng EC135Pi có 6 chỗ ngồi. Đây là loại máy bay tầm thấp, không bay được vào đường hàng không, mà bay phía dưới. Vì vậy, mỗi chuyến bay đều phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng.
Ông Long thuê Công ty Dịch vụ Bay miền Bắc thực hiện các dịch vụ liên quan đến việc bảo dưỡng, lo thủ tục sử dụng chiếc EC135Pi. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, ông đã bán lại chiếc máy bay này cho Công ty VinaCopter của Hong Kong (Trung Quốc).
Cục Hàng không Việt Nam sau đó đã xoá đăng ký quốc tịch của chiếc máy bay. Từ đó đến nay, ông Trần Đình Long không đăng ký sở hữu máy bay riêng.
Hai chiếc trực thăng của ông Trịnh Văn Quyết
Một trong những chiếc trực thăng được gắn logo của FLC. Ảnh: Nhà Đầu Tư |
Vào năm 2014, ông Trịnh Văn Quyết , cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC , tuyên bố FLC sẽ tham gia vào kinh doanh dịch vụ cho thuê trực thăng và du thuyền.
Lãnh đạo FLC khi đó cho biết đã mua hai chiếc trực thăng có trị giá trên 1.000 tỷ đồng, với tham vọng là hãng đầu tiên tiên khai thác dịch vụ trực thăng bay tới các điểm du lịch mà tập đoàn này quản lý.
Nhưng sau một thời gian đưa vào khái thác, nhận thấy dịch vụ sử dụng trực thăng tại Việt Nam còn gặp nhiều bất cập nên ông Quyết đã sang nhượng hai chiếc trực thăng cho đối tác.
Nhìn chung, số tiền phải bỏ ra để sở hữu một chiếc máy bay không hề nhỏ, bao gồm chi phí mua, cải tạo máy bay ban đầu cũng như chi phí vận hành, bảo dưỡng... định kỳ. Chẳng hạn, để đưa vào khai thác, ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai còn phải tốn thêm khoảng 2 triệu USD nộp thuế, thuê tổ lái, bảo dưỡng kỹ thuật... Thời điểm đó, mỗi tháng, Bầu Đức bỏ khoảng 300 triệu đồng cho chiếc phi cơ riêng.
Ngoài chi phí, một nguyên nhân quan trọng là việc sở hữu và khai thác máy bay riêng tại Việt Nam có hạn chế liên quan tới quy định cấp phép bay. Khi mỗi chuyến của máy bay riêng hay bay khai thác hàng không chung đều phải xin cấp phép riêng.
>> Sầu riêng 1 vốn 5 lời: Đại gia Việt đua nhau trồng, dự thu lãi hàng nghìn tỷ