Theo quan niệm dân gian, vào ngày Rằm tháng Giêng mọi người nên kiêng kỵ những điều sau để mang lại may mắn.
Rằm tháng Giêng  hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu là một trong những ngày rất quan trọng trong lịch âm của người châu Á. Tết Nguyên Tiêu - đêm trăng sáng đầu tiên của một chu kỳ xuân mới, ánh trăng chiếu sáng khắp miền hạ giới sau một mùa đông dài tối tăm, lạnh lẽo. Tết Nguyên Tiêu cũng được cho là đánh dấu sự kết thúc tháng "ăn chơi" để bắt tay vào công việc cho một năm mới.
Tùy thuộc vào văn hóa tín ngưỡng của mỗi vùng miền, ngày Rằm tháng Giêng trong dân gian khác nhau nhưng mang ý nghĩa lớn nhất là cầu phúc. Rằm tháng Giêng cũng là một trong bốn ngày rằm lớn nhất năm mà người Việt, đặc biệt là Phật tử thường viếng chùa, lễ Phật để cầu gia đạo bình an, tài lộc,...
Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, cách đón Rằm tháng Giêng cũng có nhiều thay đổi nhưng đa số mọi người vẫn thường đi lễ chùa và giải hạn nhằm cầu mong sự phù hộ của trời đất để có một năm an lành, phát đạt.
Dưới đây những kiêng kỵ trong ngày Rằm Tháng Giêng để một năm mới bình an và may mắn cho cả gia đình.
Không để bàn thờ bụi bẩn
Trước khi cúng Rằm tháng Giêng, các gia đình cần lau chùi, dọn dẹp bàn thờ  gia tiên cho thơm tho, sạch sẽ. Nên thắp một nén nhang khấn xin thần linh, tổ tiên về việc lau dọn.
Tuyệt đối không xê dịch bát hương  trong quá trình lau dọn bàn thờ. Các vật phẩm cúng được bày biện gọn gàng, đúng thứ tự, tránh đổ vỡ.
Không dùng hoa, quả giả dâng lễ cúng
Hoa và trái cây dâng lễ cúng Rằm tháng Giêng là điều không thể thiếu. Các gia đình chú ý không dùng hoa, quả giả để dâng lên bàn thờ, đồng thời không dùng vật phẩm đã được sử dụng để cúng. Đây được coi là hành động bất kính, không thành tâm.
Bên cạnh đó, khi đặt tiền lên bàn thờ với hàm ý cầu xin tài lộc, cần lưu ý không sử dụng tiền giả hay không phải do mình làm ra.
Không dùng đồ chay giả mặn
Một số gia đình muốn tránh sát sinh nên dùng đổ giả chay để dâng lên cúng Phật và cúng gia tiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy, điều này không đúng vì giống như lừa dối bề trên. Bởi vậy, tốt nhất là dùng đồ thật.
Mâm lễ cúng Phật thường có hoa quả, chè xôi, các món đậu, canh xào không thêm nhiều hương liệu. Ngày nay, mâm cúng Phật còn có bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong cả năm mọi việc đều hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.
Mâm cỗ cúng gia tiên thường là lễ mặn, có 4 bát, 6 đĩa (hoặc nhiều hơn). 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc. 6 đĩa gồm thịt gà hoặc thịt lợn, giò hoặc chả, nem thính có thể thay bằng đĩa xào, dưa muối, đĩa xôi hoặc bánh chưng và bát nước chấm.
Kiêng nói những điều xui
Những phát ngôn ngày Rằm tháng Giêng sẽ có ảnh hưởng đến những chuyện sẽ xảy ra trong năm. Vì vậy, bạn đừng nên nói những từ xui xẻo, không may mắn, thay vào đó bạn nên nói những từ ngữ dễ chịu, vui vẻ, và những câu mang lại may mắn không chỉ cho bản thân mà cho cả người xung quanh.
Kiêng để có tiếng khóc trong nhà
Người xưa thường nói “đi lễ quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng” nhằm chỉ sự quan trọng của ngày này. Chính vì vậy, trong ngày này bạn nên kiêng để trẻ con khóc, bởi trẻ con khóc sẽ làm gia đình không may mắn, dễ xảy ra một số việc không mong muốn, vào ngày này cha mẹ không nên để con cái khóc nhiễu.
Kiêng sát sinh
Nếu sát sinh trong ngày Rằm tháng Giêng sẽ bị suy giảm tài vận, gặp tai nạn, bệnh tật, trong khi các loại thịt như thịt chó, mèo, vịt,... thường được cho là sẽ mang lại xui xẻo.
Không đến nơi nhiều âm khí
Trong ngày Rằm tháng Giêng bạn nên kiêng đi đến những nơi âm khí nặng như mồ mả, nơi hoang vu hoặc bệnh viện, nhất là những người sức khỏe yếu kém, sẽ bị vận xui đeo bám.
*Thông tin chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm
>> Những điều kiêng kỵ khi đến chùa dịp Rằm tháng Giêng không phải ai cũng biết