Dù đã đi triển lãm ở nhiều nơi song chỉ khi đến Hồ Tây - điểm dừng chân cuối cùng, đôi rồng mới nhả ngọc xuống hồ trong quá trình lắp đặt.
Hồ Tây  là một trong những thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội , nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Vẻ đẹp của Hồ Tây là một nét chấm phá lãng mạn, thi vị trong bức tranh đầy màu sắc của Hà Nội, nơi gặp gỡ, ghi dấu kỷ niệm của biết bao người, nơi níu chân du khách mỗi lần đếm thăm Thủ đô.
Hồ Tây có nhiều chỗ chụp ảnh đẹp như đường Thanh Niên, phủ Tây Hồ , công trình hai con rồng… Trong đó, hai con rồng Hồ Tây là kiệt tác gốm sứ vô cùng đặc sắc.
Đôi rồng gốm sứ phỏng theo phong cách thời Lý từng được Công ty Dịch vụ làng Bát Tràng trưng bày tại công viên Bách Thảo nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ, đơn vị tiếp nhận kỷ vật đã quyết định di dời công trình về Hồ Tây, đoạn đầu đường Nguyễn Hoàng Tôn, đối diện phủ Tây Hồ. Khi chuyển về đây, 2 con rồng đã được thiết kế thêm cột đèn chiếu sáng, đài phun nước để tăng thêm vẻ đẹp sống động.
Công trình được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam và sách kỷ lục Guinness. Mỗi con rồng cao 8,5m và dài 15,6m, được gia công bằng lớp bê tông dày và khung thép chắc chắn với tổng khối lượng lên tới 60 tấn.
Phía ngoài thân rồng được trang trí bằng nhiều mảnh gốm sứ, ấm chén, chai lọ nung ở nhiệt độ 1.300 độ C. Trong đó, phần thân được chế tác từ 6.000 chiếc đĩa và 4.000 chiếc cốc.
Hai con rồng là kỷ vật hướng tới đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, mang ý nghĩa khơi dậy văn hóa, tinh hoa của con người ở mảnh đất ngàn năm văn hiến. Theo các nhà nghiên cứu, rồng là con vật linh thiêng nên cần được đặt ở nơi trang trọng, mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa. Hồ Tây chính là nơi lý tưởng để đặt hai con rồng.
Sau khi xem xét các yếu tố liên quan, các nhà nghiên cứu và các cơ quan thành phố cùng thống nhất với quận Tây Hồ lắp đặt đôi rồng trên mặt nước Hồ Tây, cách đường dạo ven hồ 12m . Việc lắp đặt được tiến hành tỉ mỉ, một rồng chầu hướng Bắc, một rồng chầu hướng Nam . Phía trước là không gian mặt nước rộng lớn, phía sau là vườn hoa Lạc Long Quân tạo một điểm nhấn đẹp.
Dù đã đi triển lãm ở nhiều nơi song chỉ khi đến Hồ Tây - điểm dừng chân cuối cùng, đôi rồng mới nhả ngọc xuống hồ trong quá trình lắp đặt. Theo người dân Thủ đô, điều này là điềm báo cho biết Hồ Tây là vùng đất thiêng.
Sau gần 7 năm kể từ ngày được lắp đặt tại Hồ Tây, đôi rồng đã được tu sửa vào đầu năm 2019. Theo đó, những người thợ sử dụng các mảnh gốm sứ vỡ theo các kích thước khác nhau để ốp vào thân rồng, tu sửa phần móng rồng, phần ốp hai bên bệ đỡ…
Từ xưa, hình tượng con rồng đã trở nên vô cùng quen thuộc và phổ biến trong kiến trúc và mỹ thuật của người Việt. Theo một số nhà nghiên cứu, con rồng bắt đầu xuất hiện từ thời Lý với truyền thuyết dời đô của Lý Công Uẩn. Con rồng thời Lý có mối quan hệ chặt chẽ với Phật giáo, gắn liền với các hình tượng như đức Phật, hoa sen, lá đề, chùa chiền…
Thời Lý, Phật giáo Việt Nam phát triển đến đỉnh cao, vì vậy hình tượng con rồng thời Lý cũng mang những biểu hiện của mỹ thuật Phật giáo. Đặc biệt, con rồng thời này có những nét khác biệt với con rồng của các triều đại khác, điều này được phản ánh qua các bộ phận trên cơ thể con rồng.
>> Ngôi đền tọa lạc tại bán đảo lớn nằm nhô ra giữa hồ nước, được mệnh danh là chốn linh thiêng bậc nhất đất kinh kỳ |