Vĩ mô

Những gam màu sáng của kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024

Khúc Văn 10/07/2024 19:42

Theo báo cáo của TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, kinh tế Việt Nam trong quý II và 6 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực. Đà phục hồi kinh tế đang khá đồng đều.

Nhiều gam màu sáng

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II ước đạt 6,93% và 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết 01. Mặc dù còn một số cấu phần chưa đạt mức trước dịch, song đây là mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, cho thấy nền kinh tế tiếp tục khởi sắc, nhiều khả năng đạt "cận trên" mục tiêu tăng trưởng (6,5%) cho cả năm 2024.

Tăng trưởng kinh tế tiếp tục gặp nhiều thách thức.
GDP quý 2 ước đạt 6,93% và 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết 01.

Đánh giá về tốc đô tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khẳng định một số động lực tăng trưởng truyền thống cho thấy đà phục hồi khá đồng đều. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại thặng dư 11,63 tỷ USD, góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối.

“Thu hút và giải ngân FDI tiếp tục khởi sắc. Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ước đạt 15,2 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, giải ngân vốn FDI đạt 10,84 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 6 năm”, ông Lực nói.

Báo cáo cũng cho biết giải ngân đầu tư công đạt kết quả khả quan dù không đồng đều và còn chậm, đầu tư tư nhân phục hồi; sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực dù chưa đồng đều, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn còn, nhất là khi giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý (lương cơ sở, y tế, giáo dục, điện…) dự báo còn tăng theo lộ trình.

Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng ước tăng 5,2% so với cuối năm 2023, cải thiện khá mạnh so với mức 2,41% cuối tháng 5.2024. Tín dụng cả năm dự báo tăng 13 - 14%, phù hợp với diễn biến vĩ mô, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản đang dần phục hồi.

>>GNI bình quân đầu người tăng 45 lần, Việt Nam vẫn trượt nhóm thu nhập trung bình cao

Một số đầu tàu kinh tế tăng trưởng chững lại

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức chính. Đáng chú ý, một số động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn ở mức thấp so với trước dịch và chưa bền vững.

Cụ thể, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% chỉ bằng khoảng 66% mức tăng trung bình của cùng kỳ thời trước dịch 2018-2019 (8,6%); tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78%, thấp hơn mức trước dịch; đầu tư tư nhân tăng 6,7%, thấp hơn nhiều mức tăng 17% cùng kỳ trước dịch 2018-2019 và thấp hơn khu vực FDI (10,3%).

Đà Nẵng là 1 trong 6 địa phương trên cả nước có tốc độ tăng trưởng GRDP âm trong quý I/2024
Một số đầu tàu kinh tế tăng trưởng chững lại.

Ngoài ra, cơ chế cho các động lực tăng trưởng mới, nhất là thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh (cơ chế thử nghiệm sandbox cho fintech và các nền tảng số; danh mục phân loại xanh, đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon Việt Nam…) còn chậm ban hành so với yêu cầu phát triển.

Tiến trình cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm (trong 6 tháng đầu năm 2024, chưa có doanh nghiệp nhà nước nào được cổ phần hóa theo kế hoạch; việc cơ cấu lại, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu do quy trình, thủ tục phức tạp, khó khăn trong định giá tài sản và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp.

Hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn dù đã có dấu hiệu khởi sắc. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt gần 120 nghìn. Tuy nhiên số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vẫn tăng 18,6% so với cùng kỳ do các vướng mắc về pháp lý (đặc biệt là thị trường đất đai, bất động sản); áp lực tài chính và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao…

Nợ xấu và tỷ giá tăng dù trong tầm kiểm soát, thị trường vàng còn nhiều biến động. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết tháng 4/2024 ở mức 4,93%, cao hơn mức 4,55% cuối năm 2023 và 2% cuối năm 2022; dư nợ xấu tăng 8,61% so với đầu năm. Dù những con số vẫn trong tầm kiểm soát song đây là thách thức lớn khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã hạn chế quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ông Lực cũng cho rằng thực thi chính sách còn bất cập, môi trường đầu tư - kinh doanh chậm cải thiện, một số "đầu tàu" kinh tế tăng trưởng thấp hơn tiềm năng.

Ngoài ra, việc ban hành văn bản, kế hoạch hành động triển khai các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ còn chậm, chưa có nhiều chuyển biến trong môi trường đầu tư - kinh doanh; nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công và chương trình mục tiêu quốc gia thấp…

>>CIEM: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt gần 7%

Đón sóng đầu tư công, Vinaconex sáng cửa tăng trưởng, cổ phiếu VCG được kỳ vọng tăng 20%

CIEM: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt gần 7%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhung-gam-mau-sang-cua-kinh-te-viet-nam-trong-6-thang-dau-nam-2024-241618.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Những gam màu sáng của kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024
    POWERED BY ONECMS & INTECH