Những giai thoại về 'đại phú giàu nhất Nam Bộ' với gần 40.000 căn nhà phố khắp Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn
Giai thoại về độ giàu có của đại gia bất động sản khuynh đảo một thời khắp các tỉnh Nam Bộ đầu thế kỷ 20 dường như chưa bao giờ kể hết.
Câu tục ngữ “Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa” thường được người dân Nam Bộ dùng để ví việc đi lại khi xưa rẻ và tiện khi được di chuyển bằng tàu của chú Hỷ - một đại gia sở hữu hệ thống tàu chạy khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Còn “ở nhà chú Hỏa” sung sướng bởi đại phú bất động sản  chú Hỏa thời ấy sở hữu gia tài gần 40.000 căn nhà khắp Sài Gòn.
Dân Sài Gòn xưa còn truyền nhau câu nói về độ giàu có của những người Hoa ở khu Sài Gòn - Chợ Lớn là: “Nhất Hỏa, nhì Đàm, tam Xường, tứ Ích” với “quán quân” là chú Hỏa. Khó có thể thống kê được hết số bất động sản của Công ty Hui Bon Hoa (do ông Hỏa thành lập). Khối tài sản này khiến bao đại gia, "ông lớn" lúc bấy giờ không khỏi dè chừng với chú Hỏa.
“Chú Hỏa” tên thật là Hui Bon Hoa 黃文華 (Huỳnh Văn Hoa), tên khác là Tú Vinh, tên hiệu là Tình Nham, nguyên quán ở Nam An. Chú Hỏa sinh năm 1845 và mất năm 1901. Năm 20 tuổi, ông sang Việt Nam để lập nghiệp, thành lập Công ty Hui Bon Hoa cùng các con. Doanh nghiệp của ông đạt cực thịnh vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thể kỷ 20 với những đóng góp không nhỏ vào kinh tế thành phố Sài Gòn khi xưa.
Giai thoại về cách làm giàu của chú Hỏa kể cả ngày chưa hết
Câu chuyện phổ biến nhất khi hỏi về con đường làm giàu của chú Hỏa chính là chỉ từ hai bàn tay trắng với một gánh ve chai, chú Hỏa đã từng bước tạo dựng sự nghiệp giàu sang cho chính mình. Người xưa thường kể rằng chú Hỏa với xuất thân nghèo khổ, hàng ngày phải kiếm sống bằng công việc buôn bán phế liệu. Rồi trong một lần nhặt ve chai, chú Hỏa đã may mắn nhặt được một túi vàng trong một chiếc ghế cũ. Có người lại cho rằng chú Hỏa đã mua được một bức tượng đúc đồng nhưng bên trong chứa vàng.
Người đời còn truyền miệng rằng chú Hỏa “đổi đời” nhờ nhanh nhạy mua lại 20.000 máy truyền tin cũ từ tay chính quyền Pháp do không còn giá trị sử dụng. Nhờ kinh nghiệm nhiều năm trong ngành buôn bán phế liệu, ông đã thu hoạch được nhiều vàng từ trong những cỗ máy tưởng chừng như vô giá trị đó.
Sự giàu có của chú Hỏa còn được tương truyền là do thành thạo chữ Hán. Chú Hỏa đã bôn ba khắp nơi tìm mua những món đồ cổ có giá trị như những vật phẩm từ thời Nguyên, thời Thanh hoặc thời Hán để bán lại cho những dân buôn sưu tầm đồ cổ với giá cao.
Theo văn bia Thành phố Hồ Chí Minh, do bắt tay với người Pháp làm ăn, buôn bán, đồng thời ông còn nhập Pháp tịch, bởi vậy “ông được người Pháp hỗ trợ nên trong hoạt động kinh doanh, mở mang sự nghiệp rất thuận lợi. Gia tộc của ông hầu như thâu tóm thị trường kinh tế Sài Gòn và cả vùng đất Nam bộ” lúc bấy giờ.
Số người khác cho rằng Chú Hỏa xưa kia thuộc con cháu nhà Minh, do gia đình ly biệt nên tạm chôn giấu mọi của cải để lánh thân, sau đó chú Hỏa trở về quê nhà ở Trung Quốc để đào lại số vàng bạc đó, mang sang Việt Nam hùn vốn làm ăn với người Pháp rồi từ đó sự nghiệp phát đạt.
Các giai thoại trên đều chỉ là những câu chuyện truyền miệng trong dân gian, song đều thống nhất tính cách không thể thiếu ở Chú Hỏa là tinh thần cần cù, chịu khó, cũng như sự nhanh nhẹn nắm bắt thời cơ để làm ăn, nhờ đó tích vốn để ông kinh doanh bất động sản  tại lục tỉnh miền Nam.
Gia tài hàng nghìn lô “đất vàng” của Chú Hỏa
Trong ấn phẩm “Sài Gòn năm xưa” xuất bản vào năm 1960 của Vương Hồng Sển có ghi: “Hiện nay, phố xá Sài Gòn một phần lớn là của Công ty Hui Bon Hoa làm chủ”.
Ngoài ra, trên văn bia Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi chép: “Trong thời kỳ cực thịnh, hầu như con phố nào ở Sài Gòn - Gia Định họ đều có những tòa nhà, căn hộ của gia tộc Hui Bon Hoa cho thuê. Toàn thành phố có khoảng hơn 200.000 bất động sản cho thuê thì có tới 40.000 căn thuộc sở hữu của gia tộc Hui Bon Hoa”.
Trong hàng trăm ngàn bất động sản kể trên, không thể không nhắc tới khu đất Hậu Phương Lan - được xem là khu đất giúp sự nghiệp của Chú hỏa phất lên như “diều gặp gió”. Hiện nay, khu đất này chính là Khu vực Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.
Khu đất được nhắc tới trong văn bia “Hoàng Trọng Huấn mẫu Trịnh Thái phu nhân mộ chí minh”: “Trong nước Việt có khoảng đất gọi là Hậu Phương Lan, dài rộng hơn mười nghìn thước, để hoang vu đã lâu mà không người biết… Hoàng Văn Hoa (Chú Hỏa) biết rằng sau này nó sẽ trở thành khu trọng yếu của giới thương nhân nên đã có ý muốn có được nó…
Vậy là chú chặt cỏ cắt lá, sửa sang bờ đất, lâu dần rồi cảnh tượng thay đổi, tiếng xe ngựa chạy, đường ray thông tứ hướng, bỗng chốc trở thành chốn thương trường rộng lớn. Giá đất so với trước kia hoặc tăng năm lần hoặc tăng tới 10, 100 lần”.
Dẫu mang danh giàu có, song chú Hỏa được người dân Nam Kỳ miêu tả là một bậc đại phú sống có tình có nghĩa, hành động biết trước biết sau. Vì vậy nhà văn hóa cổ Việt Vương Hồng Sển mới từng có câu “công ty này được tiếng là rất “biết điều” và không xa cách, làm khó người mướn phố.”
Gia đình chú Hỏa cũng được biết đến với những hành động đóng góp lớn cho cộng đồng như hiến đất, xây tặng nhà cho chính quyền, cho cư dân địa phương với nhiều công trình công cộng như khách sạn Majestic, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Trường THCS Minh Đức, Phụng Sơn Tự (quận 1)…
Theo Từ điển Thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, từ ngày 22/03/1955 trở về trước, tên của chú Hỏa là Hui Bon Hoa đã được đặt cho một con đường lớn ở Sài Gòn, nay là đường Lý Thái Tổ, quận 10, TP HCM.
Tinh thần làm giàu “di truyền” qua những đời sau
Chú Hỏa có 3 người con trai là Huỳnh Trọng Huấn (1876-1934), Huỳnh Trọng Tán (1977-1934) và Huỳnh Trọng Bình (1892-1951). Là một doanh nhân có ý chí, làm việc có nguyên tắc và luôn hướng về cộng đồng, Chú Hỏa luôn răn dạy các con cần phải noi gương cha, đoàn kết và làm ăn chính đáng.
Năm 1901, khi chú Hỏa mất, các con đã sáp nhập Công ty Hui Bon Hoa của cha mình cùng một người Pháp là Louis Ogliatro và trở thành Công ty liên doanh Ogliastro-Hui Bon Hoa tập trung quản lý các tiệm cầm đồ ở Sài Gòn thời bấy giờ. Đến năm 1919, công ty sở hữu 25 nhà thuốc lớn trên toàn Đông Dương, trong đó có 6 nhà thuốc tại Sài Gòn.
Đến những năm 1920, ba người con của Chú Hỏa đã xây dựng mới ba tòa nhà nguy nga ngay trên phần đất khởi nghiệp của chú Hỏa được bao quanh bởi các con đường: Alsace-Lorraine (nay là đường Phó Đức Chính), Bác sĩ Calmette, d'Ayot (nay là đường Nguyễn Thái Bình) và Hamelin (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm, quận 1). Từ đó, người dân luôn gọi luôn 3 tòa nhà này là “Nhà Chú Hỏa” với trục đường chạy ngang trước cửa của tòa nhà là đường Alsace Lorraine là đường Chú Hỏa.
Con trai trưởng Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa) sinh ra là lớn lên ở Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Quốc. Năm 1896, ông theo cha đến Việt Nam, lập gia đình và sống tại Sài Gòn để tiện hỗ trợ cha điều hành công ty bất động sản  “Cha con Hui Bon Hoa”.
Sang thập niên 1910, ông trở lại quê nhà ở Phúc Kiến mở Công ty Địa ốc Huỳnh Vinh Viễn Đường. Khu nhà trụ sở công ty ông ngày nay được xem là một trong 10 di tích kiến trúc nổi tiếng ở thành phố Hạ Môn, vừa là trưởng biểu diễn nghệ thuật, vừa là địa điểm du lịch trọng điểm của nơi đây. Ông qua đời năm 1934, được chôn cất ở cùng bố tại khu “Mộ chú Hỏa” tại Phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương ngày nay.
Người con trai thứ là Huỳnh Trọng Tán (Thang Chanh Hui Bon Hoa) sinh ra và lớn lên tại Tuyền Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc. Ông lập gia đình ở quê hương và sau đó cùng đến Sài Gòn với cha mình để cùng cha hỗ trợ sự nghiệp. Sau đó, ông cũng qua đời cùng năm với anh trai mình là Huỳnh Trọng Huấn vào năm 1934 để lại sự nghiệp cho em trai út là Huỳnh Trọng Bình (Thang Phien Hui Ban Hoa).
Bên cạnh đó, các thế hệ con cháu sau này trong dòng họ Hui Bon Hoa cũng nối tiếp con đường kinh doanh bất động sản của cha ông mình. Hàng năm, họ tổ chức những bữa cơm nuôi những người vô gia cư và góp của xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng, điển hình như Phước Thiện Y Viện năm 1909 (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi), Chẩn Y Viện năm 1937 (nay là Bệnh viện đa khoa Sài Gòn), Bệnh viện Maternité Indochinoise năm 1937 (tên Việt là Bảo sanh viện Đông Dương, nay là Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ), chùa Phụng Sơn (1949), chùa Kỳ Viên (1949-1952),...
Maternité Indochinoise (nay là Bệnh viện Từ Dũ) được xây dựng trên miếng đất do dòng họ Hui Bon Hoa tặng và xây dựng trên đường Arras (nay là đường Cống Quỳnh, Q.1, TP. HCM). Tòa nhà được xây dựng năm 1937, tức 36 năm sau khi Chú Hỏa qua đời (1901).
Sau 30/04/1975, con cháu dòng họ Chú Hỏa lần lượt tách dần, lập nghiệp khắp nơi trên thế giới, không còn ai ở lại Việt Nam. Lớp người đầu tiên chỉ tập trung làm ăn, kinh doanh, chẳng ai nghĩ đến việc ghi chép lại công trạng của mình, khiến những thông tin cùng vết tích lịch sử về họ hết sức ít ỏi, chỉ còn những giai thoại truyền miệng đến đời nay.
Khám phá lâu đài xây bằng 3.000 tấn đá trong suốt 14 năm của vị đại gia Ninh Bình 
Bình Thuận chốt phương án tháo dỡ biệt phủ không phép của đại gia khoáng sản