Sang năm 2023, lạm phát vẫn đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với giới siêu giàu trên toàn cầu.
Thị trường tài chính vừa bước sang năm mới nhưng lạm phát vẫn đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với giới siêu giàu trên toàn cầu.
Ông Michael Sonnenfeldt, Chủ tịch của mạng lưới Tiger 21 (Câu lạc bộ các nhà triệu phú, tỷ phú Mỹ), bày tỏ: "Tương tự mọi tay chơi trên thị trường tài chính, giới siêu giàu cũng quan ngại về lạm phát và muốn bảo toàn tài sản của họ trong năm mới".
"Bắt đáy" cổ phiếu công nghệ
Tỷ lệ lạm phát cao, cùng với việc các ngân hàng trung ương trên thế giới, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì chính sách nâng lãi suất mạnh tay khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn bán cổ phiếu và trái phiếu để tìm lối thoát.
Các nhà quản lý quỹ phục vụ giới siêu giàu cũng tham gia xu hướng này, nhưng không phải tất cả. Một bộ phận nhà đầu tư giàu có đang để mắt tới cơ hội mua cổ phiếu giá trị, nhất là nhóm công nghệ - hiện đã giảm giá khá sâu.
Quan điểm đầu tư đưa ra khá dễ hiểu: họ muốn mua cơ hội tăng trưởng dài hạn với mức giá thấp, khi chỉ số Nasdaq Composite, chỉ số tập trung nhóm công nghệ đã giảm hơn 33% trong năm 2022, ngay cả cổ phiếu của những “ngôi sao” như Alphabet (công ty mẹ của Google) và Microsoft cũng giảm khoảng 30%. Trong tháng 5/2022, Vision Fund, một trong những quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới thông báo thua lỗ khoảng 27 tỷ USD, trong khi đó, Tiger Global, quỹ phòng hộ nổi tiếng về đầu tư startup cũng báo lỗ 17 tỷ USD…
Trong đà rơi này, nhiều nhà đầu tư giàu có tìm kiếm cơ hội “tóm” được khoản đầu tư giá trị, dù nhóm này hiện chỉ chiếm thiểu số. Theo kết quả khảo sát các cá nhân giàu có (sở hữu tài sản ít nhất 50 triệu USD) do Tiger 21 thực hiện, khoảng 4% người tham gia khảo sát cho biết đang đầu tư gom cổ phiếu công nghệ.
Đổ tiền vào bất động sản
Cũng theo khảo sát trên của Tiger 21, có 23% người được khảo sát cho biết đang đổ tiền vào thị trường bất động sản.
Với giới siêu giàu, bất động sản không chỉ là phương tiện để khẳng định vị thế và quyền lực, mà còn là một khoản đầu tư được ưu tiên với lợi nhuận cao và ổn định.
Michael Sonnenfeldt, người sáng lập Tiger 21 cho biết, rõ ràng có tâm lý lo lắng và thận trọng đối với các nhà đầu tư giàu có. Đó là lý do mà các tài sản an toàn được đề cập đến nhiều hơn, trong đó bất động sản cư trú được xem là khoản đầu tư chiến lược. Các nhà đầu tư thận trọng muốn đứng ngoài cuộc chơi “bắt dao rơi”, họ lựa chọn rót tiền vào bất động sản - một trong những kênh đầu tư truyền thống và cũng hiệu quả bậc nhất với… người giàu.
Năng lượng - cơ hội tốt, rủi ro cao
Các tài sản trong lĩnh vực năng lượng cũng là một trong những khoản đầu tư được giới siêu giàu ưa chuộng. Nhà đầu tư tập trung vào yếu tố mức độ đầu tư phát triển khai thác dầu mỏ và khí đốt duy trì ở mức thấp trong thập kỷ qua, những đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng liên quan tới xung đột Nga - Ukraine và nhóm năng lượng cũng là lĩnh vực duy nhất trong chỉ số S&P 500 có mức tăng khoảng 30% trong năm nay…
“Nhóm năng lượng đã làm khá tốt trong năm 2022, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khó đoán định liên quan tới tình hình Ukraine. Đây rõ ràng là cơ hội kiếm tiền tốt, dù rủi ro cao”, Richard Warr, giáo sư tài chính tại North Carolina State University cho biết.
Ngay cả khi chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đang dành nhiều ưu tiên cho năng lượng sạch và mối lo ngại toàn cầu về năng lượng hóa thạch gây biến đổi khí hậu, giới siêu giàu không ngần ngại khi đầu tư vào mảng này, nhất là việc khai thác các giếng dầu mới.
Đầu tư tác động bền vững
Sự phát triển nhận thức về các vấn đề mang tính hệ thống như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng… đã thúc đẩy xu hướng đầu tư theo tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) hay đầu tư bền vững trong những năm gần đây.
Theo số liệu từ báo cáo của Bloomberg Intelligence (BI), thực hành ESG đang ngày càng trở thành chiến lược chủ đạo, thậm chí là bắt buộc ở một số quốc gia khi đầu tư ESG năm 2020 vượt 35.000 tỷ USD. Dự báo, dòng tài sản có tích hợp các yếu tố ESG toàn cầu có thể đạt 50.000 tỷ USD vào năm 2025.
Giới siêu giàu không đứng ngoài dòng chảy này, thậm chí nhanh chóng nhập cuộc từ sớm và đón nhận cơ hội từ một số chính sách mới của các quốc gia liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững.
Một báo cáo công bố năm 2022 của Silicon Valley Bank cho thấy, 79% các công ty quản lý tài chính gia đình (phục vụ nhu cầu quản lý gia sản của giới siêu giàu) đang đầu tư theo chiến lược ESG và đầu tư tác động (impact investing) - chiến lược đầu tư không chỉ tạo ra lợi nhuận tài chính mà còn tạo ra tác động tích cực tới xã hội, môi trường. Trong khi đó, năm 2020, chưa tới một nửa số công ty quản lý tài sản tham gia khảo sát cho biết có tham gia đầu tư ESG.
Tất nhiên, trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu bất ổn, nhóm siêu giàu để mắt tới hoạt động đầu tư ESG không chỉ bởi ý nghĩa môi trường và phát triển bền vững, mà còn bởi lợi ích kinh tế. Chẳng hạn, KKR - công ty đầu tư hàng đầu thế giới đã thiết lập quỹ đầu tư tác động thứ hai của mình với quy mô lên đến 1,3 tỷ USD. Quỹ đầu tư tác động đầu tiên mà KKR thành lập đã mang về lợi suất kỷ lục 29% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2022.
Trong giai đoạn đầu của xu hướng đầu tư ESG, một bộ phận nhà đầu tư cho rằng, việc đầu tư tập trung vào yếu tố ESG buộc phải hy sinh phần nào lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, ghi nhận tại các công ty quản lý tài sản của giới siêu giàu cho thấy, nhóm nhà đầu tư này tin rằng, việc đầu tư tác động hiện tại là cơ hội chỉ có một lần trong hàng thế hệ để tác động thực tế tới toàn thế giới. Đồng thời, đây vẫn là một cơ hội tốt để thu về lợi ích.
Trong bối cảnh có nhiều lo lắng tại các thị trường tài chính, bao gồm việc lãi suất tăng, lạm phát ở mức cao, tăng trưởng kinh tế đình trệ…, sự tự tin này của giới siêu giàu vẫn tồn tại và là động lực để họ tiếp tục dồn tiền đầu tư theo chiến lược ESG.
Đi đường ngách, doanh nghiệp Việt chinh phục thành công lĩnh vực viễn thông quy mô 65 tỷ USD