Những loại thực phẩm nguy hiểm nhất, thậm chí có thể gây tử vong, không hề xa lạ với người Việt
Có những thực phẩm trông rất hấp dẫn, thậm chí là đặc sản tại một số quốc gia nhưng lại mang chất cực độc, gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng.
Cá nóc Nhật (Fugu)
Cá nóc Nhật Fugu bị cấm ở Mỹ bởi nó là một trong những loại thực phẩm độc nhất trên thế giới. Nếu không được nấu chín, cá nóc có thể độc gấp 1.200 lần xyanua, một hợp chất cực độc.
Trong gan và nội tạng của cá nóc có chứa chất độc tetrodotoxin, đây là một loại chất độc mà chưa có thuốc giải. Đối với người Nhật, nhất là ở thành phố Shimonoseki thì cá nóc thành một món ăn tuyệt hảo. Cá nóc được người dân ở đây chế biến thành nhiều món ăn ngon như sashimi, chiên, luộc hay nấu với miso.
Sứa
Mặc dù đa số các loài sứa đều không có khả năng gây độc, tuy nhiên một số loài sứa lại chứa chất độc  có khả năng gây chết người. Cụ thể như độc tố của loài sứa hộp có khả năng tấn công tim và hệ thần kinh, khiến tim ngừng đập chỉ trong vòng vài phút. Do đó, cần xem xét kỹ lưỡng nếu có ý định chế biến các món ăn có liên quan đến sứa.
Pho mát thối Casu Marzu
Loại pho mát này được lên men bởi giòi sống, không dành cho người "yếu tim" hoặc mắc bệnh dạ dày .
Pho mát thối được chế biến từ sữa cừu. Trong quá trình lên men đã có nhiều ấu trùng ruồi sinh sống. Giòi làm pho mát lên men nhanh hơn. Khi nó gần như nhão, người ta mới ăn. Lúc này, hàng ngàn ấu trùng ruồi vẫn còn trong pho mát, khi ăn pho mát, thực khách có thể còn bị giòi nhảy từ đĩa thức ăn vào mặt. Để tránh cho mắt khỏi bị tổn thương, khi ăn pho mát Casu Marzu người ta thường đeo kính.
Bạch tuộc sống
Bạch tuộc là một trong những động vật thông minh nhất, có bộ não khác trong hệ thống thần kinh. Những xúc tu (râu) vẫn hoạt động dù đã bị cắt rời, tức là giác hút của chúng có thể dính vào cổ họng khi bạn nuốt.
Tại Hàn Quốc có món bạch tuộc sống. Người ta cắt nhỏ bạch tuộc, nhúng vào nước xốt đậu nành hoặc dầu vừng, rồi bỏ vào miệng. Con bạch tuộc chưa kịp chết đã bị đưa vào miệng, lúc này các xúc tu vẫn hoạt động có thể bám vào cổ họng gây nghẹt thở. Trung bình tại Hàn Quốc, mỗi năm có 6 ca tử vong do ngạt thở vì ăn bạch tuộc sống. Có những trường hợp xúc tu từ khoang miệng chui thẳng vào khoang mũi.
Khoai tây xanh
Khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, khoai tây dần xuất hiện mảng màu xanh và lan dần ra cả củ. Nguyên nhân chính do sự xuất hiện của chất diệp lục ở lớp bên dưới vỏ khoai. Mặc dù chất diệp lục có ở các loại rau xanh hay ăn hàng ngày và không gây hại đến sức khỏe, đây lại là dấu hiệu cho thấy khoai tây đã bắt đầu sản sinh ra glycoalkaloid, hay còn được gọi là solanine.
Solanine là cơ chế bảo vệ tự nhiên của khoai tây khỏi tác nhân của tia UV, côn trùng, động vật và các loại nấm gây hại. Cơ chế hoạt động của hợp chất này chính là ức chế enzyme dẫn đến phá hủy một vài chất dẫn truyền thần kinh. Bên cạnh đó, solanine còn gây hỏng màng tế bào và tính thấm của ruột.
Theo tạp chí Best Life, hàm lượng solanine cao có thể gây ngộ độc cho con người. Khi khoai tây có vỏ xanh, tinh bột trong khoai được chuyển thành đường, lượng đường này sẽ biến đổi thành các alcaloid gọi là solanine và chaconine-alpha gây nên ngộ độc khoai tây. Nếu ăn một lượng ít, các alcaloid này có thể gây bệnh về đường tiêu hóa.
Hàm lượng solanine thường có nhiều trong vỏ khoai tây, gọt vỏ hoặc bỏ một vài mắt có thể giảm 30% các chất độc hại. Nhưng chuyên gia khuyến khích bỏ đi những củ khoai tây đã xuất hiện các vệt xanh.
Cà chua xanh
Trong cà chua xanh có chứa các chất alkaloid, cụ thể là solanine, một chất độc gây rối loạn tiêu hóa và thần kinh. Nó gây ra các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, đau rút dạ dày, đau đầu và chóng mặt. Ở hàm lượng lớn, solanine còn có thể gây tử vong. Khi chín, hàm lượng solanine có trong cà chua sẽ giảm dần và biến mất. Do đó chỉ nên ăn những quả cà chua đã chín đỏ, không nên sử dụng cà chua xanh để ăn hay chế biến các món ăn.
Nấm hoang dã
Nấm hoang dã là thực phẩm nguy hiểm nhất trên thế giới. Nó có thể gây nôn mửa, và thậm chí có thể gây ra tử vong nếu ăn một số lượng lớn.
Củ sắn (khoai mì)
Trong lá và củ sắn có chứa một lượng hydrogen cyanide (HCN) đáng kể. Các giống sắn ngọt chứa 20 - 30mg/kg củ tươi, các giống sắn đắng chứa 60 - 150 mg/kg củ tươi. Trong khi đó, 20 mg HCN sẽ gây ngộ độc cho một người lớn bình thường và cứ 50 mg HCN cho mỗi 50kg thể trọng sẽ gây chết người. Do đó trước khi ăn, sắn cần phải được lột vỏ, cắt đầu và đuôi vì đấy là những bộ phận chứa nhiều chất độc nhất. Sau đó ngâm củ sắn trong nước qua đêm, luộc với nhiều nước và mở nồi khi luộc để chất độc tan ra và bay hơi theo nước. Tuyệt đối không ăn đọt sắn, sắn cao sản, sắn lâu năm hoặc sắn có vị đắng vì đây là những loại có chứa rất nhiều chất độc.