Ít ai biết được rằng bên dưới nơi chúng ta đang đứng có thể là những thành phố ngầm hàng nghìn năm tuổi.
1. Derinkuyu - Đô thị ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ  cổ đại
Được biết đến với cái tên Derinkuyu, thành phố  ngầm này chỉ nằm ở độ sâu dưới lòng đất chưa đến 90 mét, bao gồm 18 tầng, có một mạng lưới đường hầm rộng lớn như mê cung và từng là nơi ở của 20.000 người. Mặc dù vẫn chưa rõ nguồn gốc và mục đích chính xác của nó, nhưng Bộ Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ ước tính rằng việc xây dựng thành phố bắt đầu khoảng 2.800 năm trước, bởi một nhóm người được gọi là Phrygians, một dân tộc Ấn-Âu từ thời đồ sắt, nổi tiếng với tài năng kiến trúc.
Derinkuyu gần như bị lãng quên một thời gian dài, cho đến khi nó được phát hiện lại vào năm 1963. Thời điểm đó, trong quá trình sửa sang nhà cửa, một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ tình cờ dỡ bỏ bức tường ở tầng hầm và phát hiện ra rằng có cả một căn phòng lớn phía sau bức tường đó. Căn phòng đó chính là nơi được nối liền với mê cung Derinkuyu.
2. Matiate: Thành phố ngầm lớn nhất thế giới
Điều đáng ngạc nhiên là Derinkuyu không phải là thành phố ngầm duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Vào năm 2022, khi đang dọn dẹp đường phố và các tòa nhà trong thị trấn lịch sử Midyat, một nhóm nhà bảo tồn Thổ Nhĩ Kỳ tình cờ phát hiện ra lối vào hang động dẫn xuống một khu phức hợp đồ sộ gồm hàng chục đường hầm và gần 50 phòng.
Gani Tarkan - người khai quật chính của dự án cho biết: "Đây là một thành phố có niên đại 1.900 năm tuổi rồi và có thể từng là nơi sinh sống của tới 60.000 hoặc 70.000 người. Nhưng ở thời điểm đó, nhóm khai quật mới chỉ khám phá được khoảng 3% thành phố dưới lòng đất này".
Các cuộc khai quật đã diễn ra từ năm 2022, nhưng cho đến nay kích thước đầy đủ và phần lớn lịch sử của Matiate vẫn còn là một bí ẩn.
3. Thành phố dưới lòng đất ở Orvieto, Italy
Các nhà sử học tin rằng vào thời cổ đại, người Etruscan (nền văn minh cổ đại của Italy) đã thành lập một thành phố được gọi là Velzna trên đỉnh một ngọn núi lửa đã tắt. Vị trí này mang lại cho họ khả năng phòng thủ vượt trội, nhưng lại có điểm yếu là khó tiếp cận với nguồn nước. Để khắc phục tình trạng này, người Etruscan đã đào những chiếc giếng sâu và bể chứa nước để hứng nước mưa trên sườn dốc và cũng giúp họ chống chọi được với cuộc vây hãm của người La Mã trong gần hai năm. Tuy nhiên, vào năm 264 TCN, người La Mã đã chiếm ưu thế và cuối cùng thành phố thất thủ.
Người La Mã sau đó đã nhìn thấy tiềm năng từ việc mà người Etruscan đã làm, họ tiếp tục sâu xuống lòng đất. Ở phía trên, thành phố Orvieto tiếp tục phát triển và vươn cao lên, nhưng bên dưới lớp đất, cư dân của nó đã đào những đường hầm để phục vụ các mục đích khác nhau; bao gồm: nơi trú ẩn, mỏ đá, hang động và phòng trưng bày.
Tổng cộng có khoảng 1.200 công trình kiến trúc đã được tìm ra bên dưới thành phố Orvieto và có lẽ con số này sẽ không còn tăng lên, vì hiện tại nơi đây đã chính thức cấm bất kỳ các hoạt động đào sâu thêm đường hầm dưới lòng đất hay hoạt động khảo cổ.
4. Petra, Jordan: Thành phố cổ được tạc trong đá sa thạch
Petra là thành phố lớn được chạm khắc trực tiếp vào vách đá sa thạch ở phía Tây Nam Jordan, từng là thủ đô của đế chế Nabataean. Ở thời kỳ đỉnh cao, từ năm 400 TCN đến năm 106 CN, Petra là một trung tâm thương mại và văn hóa thịnh vượng, nhưng sau đó lại bị bỏ hoang đáng tiếc trong nhiều thế kỷ.
Theo National Geographic, các nhà khảo cổ học tìm thấy bằng chứng cho thấy người Nabataean đã sinh sống ở Petra từ ít nhất là năm 312 trước Công nguyên. Nhưng kể từ khi đế chế Nabataean đã rơi vào tay người La Mã vào năm 106 CN, Petra bị lãng quên và dần rơi vào tình trạng mục nát. Ngoài ra, động đất trong khu vực cũng khiến thành phố nằm trong vách đá bị thiệt hại.
Theo thời gian, thế giới dần dần quên mất Petra. Mãi đến đầu những năm 1800, một du khách châu Âu ghé thăm địa điểm cổ xưa và khiến nó được biết đến rộng rãi trở lại Năm 1985, Công viên khảo cổ Petra được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO  và được mệnh danh là kỳ quan mới của thế giới vào năm 2007.
5. Thành phố ngầm Coober Pedy ở Australia
Coober Pedy là một thành phố đặc biệt nhất trong danh sách này, vì không giống như nhiều thành phố ngầm khác trên thế giới đã bị bỏ hoang từ lâu, Coober Pedy vẫn là nơi sinh sống của khoảng 3.500 người thuộc 45 quốc tịch khác nhau cho đến tận ngày nay. Hầu hết cư dân của nó là hậu duệ của những người châu Âu đến vào thế kỷ 20, với hy vọng kiếm tiền từ đá quý.
Khoảng 150 triệu năm trước, Coober Pedy là lòng đại dương rộng lớn, nơi thủy triều đưa khoáng chất từ đáy biển sa thạch vào các vết nứt của Trái đất. Trải qua nhiều thiên niên kỷ, lớp trầm tích silic còn sót lại ở đó dần dần cứng lại, tạo ra hàng ngàn viên opal (ngọc mắt mèo có thành phần chính là silic) vẫn còn sót lại trong đá. Cuối cùng, một mỏ opal khổng lồ đã được tạo ra trong khu vực và thị trấn Coober Pedy cũng được chính thức thành lập vào năm 1915.
Những cư dân đầu tiên đã bỏ phiếu để đặt tên cho thị trấn của họ là Coober Pedy, bắt nguồn từ thuật ngữ thổ dân kupa-piti, có nghĩa là “người da trắng trong một cái hố”.
6. Thành phố trong hang động Ellora ở Ấn Độ 
Hang động Ellora là một chuỗi gồm 34 ngôi đền bằng đá ở phía Tây Ấn Độ, nằm gần làng Ellora. Mỗi ngôi đền ở đây được chạm khắc trực tiếp vào vách đá bazan, ngoại trừ ngôi đền Kailasa được xây dựng bằng cách đào trực tiếp từ sườn dốc xuống, để đón nhiều ánh sáng mặt trời tự nhiên chiếu vào hang động. Đền Kailasa được đặt tên theo ngọn núi thuộc dãy Kailasa của dãy Himalaya - được cho là nơi thần Shiva của đạo Hindu được cho là ngự trị.
Tổng cộng có 12 ngôi đền theo phong cách Phật giáo có niên đại từ khoảng năm 200 TCN đến 600 CN, 17 ngôi đền Ấn Độ giáo ở trung tâm các hang động có niên đại từ năm 500 đến năm 900 và 5 ngôi đền Kỳ Na giáo có niên đại khoảng năm 800 đến 1000.
Phong cách và thiết kế của những ngôi đền trong khu vực hang động Ellora thường phù hợp với văn hóa của những người xây dựng chúng. Ví dụ, các hang động của Ấn Độ giáo có thiết kế phức tạp hơn nhiều so với các hang động của Phật giáo.