'Nóng' vấn đề lãng phí đất công ở TPHCM
Bí thư Quận ủy Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp cho hay, quận đã kiến nghị thu hồi 5 khu đất để thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhưng sau hơn 1 năm chỉ triển khai được 1/5 khu đất, dẫn đến lãng phí.
Chiều 9/12, kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM bước vào phiên thảo luận tổ xoay quanh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, chủ đề, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2025.
Ông Huỳnh Khắc Điệp - Bí thư Quận ủy quận Bình Tân - nhìn nhận mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của TPHCM trên 10% nhằm tiệm cận Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố về tốc độ tăng trưởng là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo, ông chưa thấy giải pháp thật cụ thể, có tính khả thi cao để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) hai con số.
Bàn về các giải pháp để đạt được mục tiêu trên, ông Huỳnh Khắc Điệp nhấn mạnh đến việc khai thác các nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ đất đai, tuy các năm vừa qua có đề ra nhưng thực hiện chưa hiệu quả.
Bí thư Quận ủy Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp nêu vấn đề tại phiên thảo luận. Ảnh: Ngô Tùng. |
Ông Điệp dẫn chứng, ngay tại quận Bình Tân, qua rà soát tổng quỹ đất trên địa bàn và đề xuất thành phố xem xét các khu đất do các doanh nghiệp, tổng công ty thuộc thành phố quản lý, kết quả cho thấy việc khai thác không hiệu quả, thậm chí nhiều khu đất sử dụng chỉ để làm bãi giữ xe.
Quận Bình Tân cũng đã kiến nghị thu hồi 5 khu đất để thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác. Thế nhưng sau hơn 1 năm, cơ quan chức năng chỉ triển khai được 1/5 khu đất, dẫn đến sự lãng phí rất lớn. Từ đó, ông Điệp cho rằng cần siết chặt thực hiện theo quy trình, thủ tục trong bối cảnh thành phố đang thực hiện nhiệm vụ chống lãng phí theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Bên cạnh đó, Bí thư Quận ủy Bình Tân cũng đề nghị thành phố đẩy mạnh công tác giải ngân đầu tư công. Theo ông Điệp, để thực hiện có hiệu quả, thành phố nên mạnh dạn phân cấp, ủy quyền mạnh hơn, hiệu quả hơn cho quận huyện cho thực hiện các dự án đầu tư công.
“Cần ủy quyền dứt điểm, rõ ràng cho quận, huyện, bởi vì hiện nay phân cấp ủy quyền cho quận, huyện nhưng địa phương vẫn hỏi ý kiến thành phố. Cần giao hẳn thẩm quyền cho quận, huyện trên tinh thần địa phương quyết và địa phương chịu trách nhiệm” - ông Điệp góp ý.
Bí thư Quận ủy quận 1 Dương Anh Đức. |
Trăn trở về vấn đề lãng phí, Bí thư Quận ủy quận 1 Dương Anh Đức nhìn nhận, hiện nay “tự chúng ta đang làm khó chúng ta”. Theo ông Đức, cơ chế quản lý đất đai, tài sản công có hai luồng ngược nhau.
Cụ thể, một số doanh nghiệp của thành phố muốn trả lại những mảnh đất mà mình đang quản lý vì họ không dùng hiệu quả mà phải đóng thuế đất, chờ năm này sang năm khác không trả được. Ở chiều ngược lại, có những nơi muốn thu hồi thì lại “không nhả ra”. Ông Đức cho rằng việc này liên quan đến mức độ, hiệu lực của các quy định pháp lý.
Về quản lý tài sản công, Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Mai Phương cho biết, sở đã có văn bản đề nghị các đơn vị báo cáo cụ thể việc rà soát các tài sản trong quá trình quản lý không còn nhu cầu sử dụng để sở báo cáo UBND thành phố cũng như đề xuất các thủ tục liên quan.
Cũng theo bà Phương, đề án Quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công và số hóa dữ liệu là nội dung không chỉ riêng TPHCM mà Bộ Tài chính cũng rất quan tâm. Bộ cũng có chương trình quản lý về tài sản công. Do khối lượng, số lượng nhà đất công của thành phố rất lớn, Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo và sở đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) triển khai đề án Quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công.
Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đề nghị thành phố cần xem xét, đánh giá hết sức cụ thể đối với công tác đầu tư trên địa bàn. Điều này xuất phát từ việc một số dự án hiện nay dù hết thời gian thực hiện nhưng vẫn chưa hoàn thành.
“Điển hình như Trung tâm triển lãm thành phố, khu tái định cư Vĩnh Lộc B. Đầu tư xong hầu hết bỏ trống, hạ tầng xuống cấp. Một số dự án chậm, kéo dài, điều chỉnh tổng mức đầu tư… đã làm lãng phí nguồn lực và kinh phí xã hội”, ông Hùng cho hay.
>>Hàng trăm dự án bất động có đất công xen kẹt tại TPHCM sắp được gỡ vướng
Hàng trăm dự án bất động có đất công xen kẹt tại TPHCM sắp được gỡ vướng 
Hà Nội: Chợ đầu mối trên đất công trình thủy lợi vẫn nhộn nhịp sau lệnh đóng cửa