NSND hiếm hoi được phong hàm Giáo sư, là cánh chim đầu đàn của âm nhạc Việt, có vợ là Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới
Không chỉ được biết đến là một nghệ sĩ lớn, ông còn là một nhà sư phạm mẫu mực, một người thầy kính yêu của nhiều thế hệ nghệ sĩ ở Việt Nam.
Cánh chim đầu đàn của âm nhạc Việt, người thầy vĩ đại của các thế hệ danh ca
Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trung Kiên tên đầy đủ là Nguyễn Trung Kiên. Ông là tên tuổi lớn của nền âm nhạc  Việt Nam nói chung và dòng nhạc cách mạng, thính phòng nói riêng. Sự nghiệp của NSND Trung Kiên gắn liền với dòng chảy lịch sử qua các sự kiện trọng đại từ thời chiến đến thời bình.
Ông là học viên khóa 3 Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). NSND Trung Kiên có cơ hội được tiếp xúc với các giảng viên Nga từ sớm và có thời gian du học tại Liên Xô (cũ). Đặc biệt, tên của ông đã được ghi danh trên bảng vàng những sinh viên xuất sắc của Nhạc viện Tchaikovsky (Nga).
Với giọng nam cao (Tenor) mẫu mực, ông đã thể hiện thành công nhiều ca khúc bất hủ như Đất nước trọn niềm vui, Phất cờ Nam tiến, Cô lái tàu, Tình ca, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Chào sông Mã anh hùng, Quà tháng Năm dâng Người, Bài ca Trường Sơn, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Việt Nam trên đường chúng ta đi, Người là niềm tất thắng...
Không chỉ được biết đến là một nghệ sĩ lớn, NSND Trung Kiên còn là một nhà sư phạm mẫu mực, một người thầy kính yêu của nhiều thế hệ nghệ sĩ ở Việt Nam. Với vốn tri thức nghệ thuật và thanh nhạc phong phú, NSND Trung Kiên là thế hệ giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ông là thầy giáo của nhiều ca sĩ nổi tiếng, có thể kể đến như: NSND Quốc Hưng, NSND Thu Hiền, Quang Thọ, NSND Lê Dung, Bích Hồng, Lan Anh, ca sĩ Trọng Tấn, Tân Nhàn, Phương Nga,...
Với NSND Trung Kiên, dạy học là cách để ông trả ơn cuộc đời song cũng là công việc mà người nghệ sĩ này say đắm. Vào năm 2001, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. NSND Trung Kiên cũng từng đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trong khoảng thời gian từ 1992-2001, cho đến khi về hưu.
Vào ngày 27/1/2021, NSND Trung Kiên qua đời vì tuổi cao bệnh nặng tại Hà Nội. Cho tới khi qua đời, ông vẫn là người duy nhất trong làng nhạc Việt Nam có học hàm Giáo sư về Thanh nhạc.
Hai tình yêu lớn trong cuộc đời NSND Trung Kiên
Với công chúng Việt, nhạc sĩ nổi tiếng Quốc Trung là cái tên không còn xa lạ. Đây là con trai duy nhất của NSND Trung Kiên với người vợ đầu là nghệ sĩ Thanh Nga - Giảng viên Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Trong mắt của NSND Trung Kiên, Thanh Nga là một người phụ nữ lạ lùng và hấp dẫn bởi cá tính phóng khoáng, sôi động cũng như nghị lực phi thường. Bởi vì cả hai vợ chồng đều có cái tôi cá nhân cao, chính vì vậy, NSND Trung Kiên và nghệ sĩ Thanh Nga đều luôn cố gắng dành cho nhau những khoảng tự do nhất định, tôn trọng bản năng sống của nhau. Đây có lẽ đó là lý do không nhỏ khiến cuộc hôn nhân của ông bà hạnh phúc và bền vững cho đến ngày bà mất.
Năm 2000, nghệ sĩ Thanh Nga qua đời sau 7 năm chống chọi với căn bệnh ung thư. Sau khi bà mất, cả hai cha con NSND Trung Kiên đều phải trải qua một khoảng thời gian chông chênh.
Mãi đến sau này, ông mới tìm lại niềm vui tuổi già bên NSND Thu Hà. Cả hai gắn kết nhiều phương diện, tuy nhiên, có lẽ đơn thuần nhất là hai người bạn đời nương tựa và ủi an nhau tuổi xế chiều.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà, với hơn 60 năm học tập và giảng dạy piano chuyên nghiệp, được mệnh danh là "huyền thoại sống" của ngành piano Việt Nam. Với những cống hiến miệt mài, tâm huyết trên cả 3 lĩnh vực: Đào tạo, biểu diễn và quản lý, nghệ sĩ  Trần Thu Hà được phong Giáo sư, Nhà giáo nhân dân và danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam.
Tổng hợp: Báo Tin tức - TTXVN, Báo Điện tử VOV, Báo Quảng Ninh
>> Gia đình hiếm hoi bậc nhất điện ảnh Việt có 3 NSND, 1 NSƯT, cả nhà đều danh tiếng lẫy lừng