Nữ giáo sư Việt Nam trở thành nhà khoa học lọt top 1% thế giới, được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ dù quá khứ 'kém' tiếng Anh
Do vốn tiếng Anh hạn chế, nữ giáo sư này thậm chí từng bị một trường đại học từ chối nhập học.
Sinh ra từ vùng quê với vốn tiếng Anh hạn chế
GS. Nguyễn Thục Quyên sinh năm 1970 trong một gia đình có 5 anh chị em tại một ngôi làng nhỏ ở Buôn Ma Thuột , Đắk Lắk. Từ nhỏ, cô đã phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, kiếm củi, gánh nước và câu cá để giúp đỡ gia đình. Đến năm 1986, khi gia đình mở tiệm phở ở Bến Đá, Vũng Tàu, cô mới có cơ hội đi học tại trường Trung học Trần Nguyên Hãn.
Tháng 7/1991, cô cùng gia đình sang Mỹ định cư. Những năm đầu tại đất khách không hề dễ dàng, các anh chị em của GS. Nguyễn Thục Quyên thường muốn trở về Việt Nam vì không biết tiếng Anh và khó thích nghi với phong tục tập quán ở Mỹ. Tuy nhiên, riêng cô lại cảm thấy thoải mái vì được theo đuổi điều mình yêu thích mà không phải lo lắng về sự dị nghị của người khác.
Đến tháng 9/1993, cô du học sinh gốc Việt Nguyễn Thục Quyên nộp đơn vào Đại học Santa Monica nhưng bị từ chối vì tiếng Anh còn yếu. Không nản lòng, cô thuyết phục nhà trường cho học thử một kỳ với cam kết sẽ tự nguyện thôi học nếu không đạt yêu cầu. Để cải thiện tiếng Anh, cô đăng ký học thêm miễn phí tại ba trường trung học ở ba thành phố khác nhau. Ban ngày, cô học chính khóa; ban đêm lại đến các lớp tiếng Anh bổ trợ. Nhờ nỗ lực bền bỉ, cô đã vượt qua thử thách và chính thức được nhận vào trường.
Tháng 9/1995, cô xin chuyển lên Đại học California , Los Angeles (UCLA) và theo học ngành Hóa học. Sau khi tốt nghiệp, cô tiếp tục nộp đơn học cao học và nhanh chóng nhận được bằng thạc sĩ ngành Lý - Hóa chỉ một năm sau đó. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, cô được chọn là một trong bảy nghiên cứu sinh xuất sắc nhận học bổng của Đại học California để theo học Tiến sĩ.
Vào tháng 6/2001, cô nhận bằng Tiến sĩ và chỉ ba tháng sau, GS được trao giải thưởng của liên bang để đi tu nghiệp tại một phòng thí nghiệm quốc gia. Tuy nhiên, Nguyễn Thục Quyên đã quyết định từ chối để đến làm việc tại Đại học Columbia ở New York. Sau ba năm tích lũy kinh nghiệm, cô trở về UCLA và bắt đầu xây dựng phòng thí nghiệm của riêng mình. Sau 11 năm cống hiến, cô đã phát triển bảy phòng thí nghiệm, cùng với hơn 10 triệu USD tài trợ cho các dự án nghiên cứu.
Trở thành nữ nhà khoa học có ảnh hưởng toàn cầu
Trong hơn hai thập kỷ giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học California, nữ giáo sư tài năng này dành khoảng 15 giờ làm việc mỗi ngày. Ngoài công tác giảng dạy, cô còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác như biên tập cho các tạp chí khoa học , tổ chức các hội nghị quốc tế, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu...
Nhờ những nỗ lực không ngừng trong sự nghiệp nghiên cứu, GS. Nguyễn Thục Quyên đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá. Năm 2005, bà nhận Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ từ Văn phòng Nghiên cứu Hải quân, tiếp theo là Giải thưởng CAREER của Quỹ Khoa học Quốc gia (2006) và Giải thưởng Harold Plous (2007). Đến năm 2008, bà tiếp tục được vinh danh với Giải thưởng Học giả – Giáo viên Camille Dreyfus, mở đường cho loạt giải thưởng cao quý khác trong sự nghiệp.
Nhà khoa học gốc Việt này còn nhận được nhiều giải thưởng cao quý khác như Nghiên cứu viên Alfred Sloan (2009), Nghiên cứu viên Đổi mới và Năng lực Cạnh tranh Hoa Kỳ của Quỹ Khoa học Quốc gia (2010), Giải thưởng Nghiên cứu Cao cấp Alexander von Humboldt (2015) và Nghiên cứu viên của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia (2016). Đặc biệt, từ năm 2015 đến 2018, GS. Quyên được bình chọn là một trong những Trí tuệ Khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới. Không chỉ vậy, bà còn được xếp vào top 1% các nhà nghiên cứu khoa học vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới, theo đánh giá của Thomson Reuters và Clarivate Analytics.
Đầu năm 2023, nhà khoa học Mỹ gốc Việt này được trao huân chương Wilhelm Exner 2023 - giải thưởng cao quý của Hiệp hội Thương mại Áo. Bên cạnh đó, cô cũng được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ.