Gia đình nữ Giáo sư Việt Nam được Bác Hồ đặc biệt quý mến, mẹ là liệt sĩ, bố là vị tướng duy nhất lịch sử hiện đại đánh bại 4 quốc gia, được lấy tên để đặt tên đường
Mới đây, tên của nữ giáo sư tài năng này còn được chọn để đặt cho một tuyến đường mới tại Quảng Bình.
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Hồng Anh (1939 - 2009) là một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực toán, lý ở cả Việt Nam và thế giới. Năm 1988, bà trở thành người đầu tiên nhận Giải thưởng Kovalevskaya, giải thưởng cao quý nhất của Việt Nam dành cho các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật .
Không thể phủ nhận rằng, tài năng và những đóng góp lớn lao của Giáo sư Võ Hồng Anh có một phần thừa hưởng từ gia đình. Bà là con gái duy nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp  và Liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái, em gái của nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai. Giáo sư Võ Hồng Anh kế thừa phẩm chất ưu tú từ cha mình, một vị Đại tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, và người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam; cùng với mẹ, một nhà hoạt động cách mạng xuất sắc trong lịch sử dân tộc.
GS.TS Hồng Anh là kết quả của mối tình lãng mạn giữa hai trí thức trẻ có hoài bão lớn. Năm 1929, trên chuyến tàu Hà Nội - Huế, chàng thanh niên cách mạng Võ Nguyên Giáp, trong vai trò nhà báo, đã gặp Nguyễn Thị Quang Thái - em gái của nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai. Võ Nguyên Giáp ấn tượng mạnh với vẻ đẹp dịu dàng, cương trực của nữ sinh Đồng Khánh Huế.
Sau này, khi làm việc tại Huế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại bà Nguyễn Thị Quang Thái trong một cuộc gặp gỡ tình cờ. Sau đó, họ kết hôn khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp 24 tuổi và bà Quang Thái vừa tròn đôi mươi.
Sau khi cưới nhau, họ ra Hà Nội, Võ Nguyên Giáp dạy học, Quang Thái học trường Y. Năm 1941, Võ Hồng Anh ra đời ở thủ đô nhưng không được sống với ba mẹ nhiều vì ba mẹ bận việc cách mạng. Quang Thái bị bắt và giam ở Hỏa Lò. Trước khi chết, bà rất mong được gặp Hồng Anh. Bà nội đưa Hồng Anh lên tàu ra gặp mẹ nhưng năm đó máy bay của quân đồng minh ném bom đoàn tàu, bà cháu không ra được. Thế là nhà cách mạng Quang Thái hy sinh mà không được gặp chồng con.
Trong kháng chiến chống Pháp, khi sơ tán lên Việt Bắc, một lần Bác Hồ đến thăm gia đình, Hồng Anh nhận ra Bác ngay nhưng không dám tới gần. Mãi tới khi ba bảo: “Hồng Anh ra đây chào Bác Hồ đi con!”, lúc ấy chị mới lò dò đến gần Bác và nói: “Cháu chào Bác Hồ ạ!”. Bác Hồ kéo Hồng Anh vào lòng hỏi: “Ra Việt Bắc cháu có vui không?” - “Dạ, có ạ”. Cha Hồng Anh nói thêm: “Nó ra đây thấy cái gì cũng mới lạ. Vừa rồi được đi ô tô lần đầu, cháu reo lên vui thích, nhưng chỉ một lúc sau là ỉu xìu vì chóng mặt”. Bác Hồ cúi xuống hỏi: “Thế lúc ấy cháu có khóc không?” “Dạ, cháu chưa khóc ạ!”, Bác Hồ liền sửa ngay: “Cháu phải nói là “không khóc” chứ không phải là chưa khóc”.
Mẹ mất sớm, cha bận rộn với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, bà Hồng Anh lớn lên chủ yếu dưới sự chăm sóc của ông bà nội, ngoại. Mãi đến năm 1946, bà mới gặp lại cha lần đầu và phải đợi đến năm 1951 mới có cơ hội gặp lại ông lần thứ hai. Sau đó, bà được chính phủ đưa sang Quế Lâm và Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc để học tập.
Năm 1954, bà sang Liên Xô học tập và trở thành học sinh của Trường Thiếu nhi Việt Nam Internat Moskva. Năm 1959, bà tốt nghiệp phổ thông với tấm Huy chương vàng và sau đó theo học ngành Vật lý lý thuyết lượng tử tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov Moskva. Tại đây, bà tốt nghiệp với tấm bằng đỏ (hạng ưu) vào năm 1965.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Giáo sư Võ Hồng Anh sự quý mến đặc biệt. Khi bà còn là học sinh trường Internat, mỗi lần sang thăm Liên Xô, Bác Hồ đều ghé thăm trường và chính Hồng Anh được tập thể tín nhiệm viết và đọc lời chúc mừng Bác, kể cho Bác nghe về tình hình học tập, sinh hoạt của sinh viên Việt Nam tại Xô Viết.
Không phụ sự tin yêu của Bác, Giáo sư Võ Hồng Anh đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy khoa học, tạo dựng tầm vóc quốc tế với hơn 50 công trình khoa học, phần lớn được công bố ở nước ngoài. Tiêu biểu là cuốn sách về lý thuyết tương tác của bức xạ cường độ mạnh lên chất rắn, xuất bản tại Nga.
Trước khi nhận Giải thưởng Khoa học Quốc tế Kovalevskaia năm 1988, bà đã được khen thưởng toàn Viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna cho khóa 1979-1983. Với những cống hiến đặc biệt to lớn, bà được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ và Huy chương Vì sự nghiệp Khuyến học, minh chứng cho những đóng góp to lớn của bà trong cả nghiên cứu khoa học lẫn công tác khuyến học của nước nhà.
Mới đây nhất, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Nghị quyết số 191/NQ-HĐND về việc đặt tên đường trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Trong đó, con đường được đặt theo tên Giáo sư Võ Hồng Anh được đặt tại xã Bảo Ninh với chiều dài 630m, rộng 32m. Điểm đầu của tuyến đường tiếp giáp với đường Võ Nguyên Giáp, điểm cuối giáp với đường quy hoạch rộng 36m. Việc đặt tên đường này nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của Giáo sư Võ Hồng Anh cho nền khoa học nước nhà, đồng thời thể hiện lòng biết ơn và trân trọng đối với vị nữ giáo sư tài năng này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một chỉ huy quân sự lỗi lạc của Việt Nam. Ông là chỉ huy chính trong các chiến dịch và chiến thắng chính trong Chiến tranh Đông Dương (1946–1954) đánh đuổi thực dân Pháp, Chiến tranh Việt Nam (1960–1975) đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước và Chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979) chống quân Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc. Vị tướng này cũng là người duy nhất trong lịch sử hiện đại đánh bại quân của đế quốc Nhật Bản, quân đội Pháp, quân đội Mỹ và quân đội Trung Quốc hùng mạnh. |