Nữ phó giáo sư 9X ‘khoe cơ bắp’ để tuyển sinh tiến sĩ
TRUNG QUỐC - Nữ giảng viên Đại học Công nghệ Cáp Nhĩ Tân gây ấn tượng bất ngờ với đoạn video nâng tạ 15kg và mời gọi ứng viên ứng tuyển cho các vị trí nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ ở trường cô.
Hồi giữa tháng 10, Dương Tuyết Mai - nữ phó giáo sư tại Trường Đại học Công nghệ Cáp Nhĩ Tân (Harbin Institute of Technology) ở cơ sở Thâm Quyến, Trung Quốc - đã gây chú ý khi đăng tải đoạn video độc đáo trên mạng xã hội.
Trong video, cô thực hiện động tác kéo xà đơn với tạ 15kg, đồng thời mời ứng tuyển cho các vị trí nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ trong ngành Hóa học. Sự kết hợp giữa "phó giáo sư 9x, cơ bắp cuồn cuộn" và "lời mời tuyển sinh" nhanh chóng thu hút đông đảo sự quan tâm của cư dân mạng.
Sinh ra tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Dương Tuyết Mai từng theo học Đại học Nam Kinh. Sau khi tốt nghiệp, cô du học Mỹ và Thụy Sĩ, rồi trở về nước năm 2022, gia nhập Đại học Công nghệ Cáp Nhĩ Tân (cơ sở Thâm Quyến) với vai trò phó giáo sư.
Theo Xinhua News Agency, bên cạnh nghiên cứu khoa học, cô Dương, 31 tuổi, còn là một tín đồ gym - niềm đam mê thừa hưởng từ cha mình. Nữ giảng viên cho biết, cô bắt đầu đến phòng gym khi đi du học ở Mỹ và nhanh chóng coi việc luyện tập như một phần không thể thiếu trong cuộc sống, đặc biệt vào những lúc gặp áp lực công việc và học tập.
Cô Dương Tuyết Mai không ngần ngại chia sẻ về niềm tự hào khi sở hữu vóc dáng khỏe khoắn, mạnh mẽ. Trong đám cưới diễn ra đầu năm nay, cô thậm chí còn chọn váy cưới khoe cơ bắp thay vì những thiết kế thông thường nhằm thể hiện quan điểm: Vẻ đẹp không chỉ nằm ở ngoại hình mảnh mai mà còn đến từ sức khỏe và phong cách sống lành mạnh.
Ngoài công việc nghiên cứu, cô Dương còn tổ chức những buổi học đặc biệt với tên gọi “Hóa học hấp dẫn” để chia sẻ kiến thức hóa học trong luyện tập thể hình với sinh viên. Cô khuyến khích sinh viên chú ý đến sức khỏe và thể chất, đồng thời phản đối những quan điểm thẩm mỹ không lành mạnh như “cân nặng dưới 50 kg mới chuẩn đẹp”.
Việc cô Dương Tuyết Mai công khai niềm đam mê thể hình đã phá vỡ định kiến về hình mẫu giảng viên truyền thống. Cô hy vọng hình ảnh một phó giáo sư yêu thể hình sẽ tạo cảm hứng để sinh viên và đồng nghiệp chú trọng đến sức khỏe hơn.
“Tôi muốn bản thân không chỉ đạt danh hiệu giáo sư mà còn có hàm lượng cơ bắp cao nhất”, nữ giảng viên bày tỏ. Với cô, việc rèn luyện sức khỏe cũng quan trọng như những thành tựu trong nghiên cứu khoa học.
>>Phó giáo sư giàu nhất Việt Nam: Quê Quảng Nam, nhận thù lao 0 đồng ở tuổi 68
Nữ giảng viên gen Z trẻ nhất ĐH Bách khoa Hà Nội 
Lương không đủ sống, giảng viên đại học Mỹ cầu cứu cộng đồng để có tiền thuê nhà