'Đệ nhất thần đồng' 6 tuổi đã biết kê đơn thuốc, 17 tuổi trở thành giảng viên ĐH, 38 tuổi đi tu nhưng 15 năm sau hoàn tục mới tiết lộ những điều bất ngờ
Tương lai của một thần đồng với nhiều ngã rẽ bất ngờ khiến bất cứ ai yêu quý anh không khỏi bất ngờ.
13 tuổi được đặc cách vào đại học top đầu
Năm 1977, Phó Thủ tướng  Trung Quốc Phương Nghị nhận được một lá thư viết tay dài 10 trang từ Đại học Khoa học và Công nghệ Giang Tây. Nội dung của thư giới thiệu và tiến cử một học sinh tên Ninh Bạc, quê ở thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây.
Ninh Bạc sinh năm 1965 trong một gia đình khá giả, có cha mẹ đều là trí thức làm việc tại Cục Điện lực. Từ nhỏ, Ninh Bạc đã được tiếp cận với các phương pháp giáo dục  vô cùng đặc biệt. Khi mới hơn 2 tuổi, cậu bé đã bộc lộ những khả năng vượt trội. Nội dung thư tiến cử nêu rõ: “Lúc 2 tuổi rưỡi, Ninh Bạc đã thuộc hơn 30 bài thơ. Đến 3 tuổi, cậu có thể đếm đến 100; 4 tuổi, học hơn 400 ký tự Hán tự; 5 tuổi bắt đầu đi học. Năm 6 tuổi, cậu đã có thể kê thuốc Đông y để chữa bệnh và năm 8 tuổi đã thuộc lòng tác phẩm Thủy Hử...”
Sau khi đọc lá thư, Phó Thủ tướng Phương Nghị đã đề xuất đưa Ninh Bạc, khi đó 13 tuổi, vào danh sách "lớp học thần đồng" khóa đầu tiên của Đại học Khoa học và Công nghệ tỉnh An Huy, nơi chỉ chọn ra 21 học sinh xuất sắc từ khắp Trung Quốc.
Một năm sau, trong chuyến công tác đến An Huy tham dự Hội nghị Khoa học toàn quốc, Phó Thủ tướng Phương Nghị đã đến trường gặp trực tiếp Ninh Bạc. Tại đây, cậu bé thần đồng đã chơi hai ván cờ vây với Phó Thủ tướng và giành chiến thắng cả hai ván. Từ đó, cái tên Ninh Bạc nhanh chóng trở thành hiện tượng, xuất hiện dày đặc trên các mặt báo và đài truyền hình khắp Trung Quốc.
Sức nặng của danh xưng ‘thần đồng’
Sau khi hoàn thành năm học đại cương, bước vào năm thứ hai, Ninh Bạc nhận ra rằng bản thân không hề có hứng thú với khoa học công nghệ. Thay vào đó, thần đồng trẻ tuổi mong muốn đến Nam Kinh để theo đuổi đam mê thiên văn học. Tuy nhiên, nguyện vọng này bị nhà trường từ chối với lý do: "Em là tấm gương sáng cho thanh thiếu niên trong nước. Hãy tiếp tục ngoan ngoãn và trở thành một hình mẫu tốt để mọi người noi theo".
Dù không được chấp nhận nguyện vọng, Ninh Bạc vẫn tiếp tục học tập ngành vật lý tại trường. Trong quá trình học, anh thường xuyên bày tỏ những hoài nghi không ngừng về các vấn đề khoa học. Cộng đồng xung quanh mặc nhiên coi anh phải luôn là người đứng đầu, vượt trội trong mọi kỳ thi, vì danh xưng "thần đồng số 1". Sự nổi tiếng của Ninh Bạc khiến nơi anh ngồi đọc sách trở thành điểm thu hút đông đảo người, ai cũng muốn đến để được nhìn thấy thần đồng.
Đặc biệt, các phương tiện truyền thông lớn gần như túc trực trước cổng trường Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc mỗi ngày. Chỉ cần một học sinh vừa bước ra, họ lập tức đổ xô tới để phỏng vấn về Ninh Bạc.
Những áp lực này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của Ninh Bạc. Báo cáo kết quả học tập năm đó ghi rõ: "Ninh Bạc có điểm số thất thường, nhiều môn không đạt, tính khí không ổn định".
Tuy vậy, bạn bè của Ninh Bạc vẫn nhiều lần thán phục trí tuệ của cậu. "Ninh Bạc rất thông minh. Khi giáo viên giảng bài, cậu ấy không ghi chép mà chỉ ngồi nghe, nhưng sau đó có thể lặp lại toàn bộ những gì đã học. Trí nhớ của cậu ấy thật phi thường. Điểm số không phản ánh được khả năng thực sự," Vương Ngọc, một sinh viên cùng khóa, chia sẻ.
Vương Ngọc cũng cho biết, Ninh Bạc thường than phiền về sự chú ý quá mức từ giới truyền thông khiến cậu cảm thấy áp lực và mệt mỏi. "Tại sao tôi không thể là một người bình thường? Tôi thật sự hối hận khi chọn vào học lớp thần đồng này," Vương Ngọc nhắc lại lời tâm sự của Ninh Bạc.
Ngã rẽ bất ngờ khiến nhiều người tiếc nuối
Ở tuổi 17, Ninh Bạc tốt nghiệp đại học và được giữ lại trường giảng dạy, trở thành "giảng viên trẻ nhất Trung Quốc". Sau đó, cái tên Ninh Bạc liên tục xuất hiện trong danh sách đăng ký thi nghiên cứu sinh nhưng anh chưa bao giờ có mặt tại phòng thi. Có lần, giám thị phải tìm kiếm anh khắp nơi để đưa vào phòng thi, nhưng anh kiên quyết từ chối tham gia.
"Ninh Bạc muốn chứng minh rằng thành công không nhất thiết phải đến từ việc trở thành tiến sĩ", Vương Ngọc, một người bạn thân của anh chia sẻ. Người này còn cho biết thêm "Cậu ấy luôn khát khao được sống như một người bình thường".
“Tại sao tôi phải học nghiên cứu sinh? Tại sao tôi không thể chỉ là một người bình thường?”, Ninh Bạc từng bộc bạch với bạn bè như vậy.
Vào những năm 1990, Ninh Bạc dần trở nên cô độc trong công việc, dành hầu hết thời gian trong phòng thí nghiệm. Lúc này, Vương Ngọc đã giới thiệu Lục Hoa Nhân, một cô gái dịu dàng và tinh tế cho Ninh Bạc. Họ nhanh chóng nảy sinh tình cảm và kết hôn sau vài năm.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của thần đồng trẻ không mấy suôn sẻ. Sau khi có con, những mâu thuẫn về phương pháp giáo dục ngày càng trở nên căng thẳng. Ninh Bạc kiên quyết phản đối cách dạy "nhồi nhét" của vợ, một lối suy nghĩ nhằm biến con trở thành "thần đồng".
Đến năm 1995, anh quyết định đến Hải Nam sinh sống một mình. 7 năm sau đó, người ta vô cùng bất ngờ khi thần đồng Trung Quốc quyết định xuất gia ở tuổi 38. Sau này trong một cuộc trò chuyện với bạn, Ninh Bạc xác nhận đã ly hôn với Lục Hoa Nhân từ lâu.
Trong suốt những năm xuất gia, Ninh Bạc tập trung nghiên cứu Phật giáo và đạt được giác ngộ. Ông còn mở rộng kiến thức về tâm lý học. Đến năm 53 tuổi, Ninh Bạc quyết định hoàn tục, trở lại cuộc sống mà mình hằng mong muốn – một cuộc sống bình dị như bao người. Ngoài ra, ông cũng trở thành một nhà tư vấn tâm lý chuyên nghiệp.
Sau nửa đời người, Ninh Bạc phản đối mạnh mẽ phương pháp giáo dục “nhồi nhét”. Trong một chương trình truyền hình, ông chia sẻ quan điểm rằng cha mẹ nên để con trẻ phát triển tự nhiên, phù hợp với độ tuổi, năng lực và sở thích cá nhân. Ông khuyên không nên ép buộc trẻ trở thành “thần đồng” hay “thiên tài” nếu các em không thực sự muốn.