Nước Mỹ chọn ông Trump hay bà Harris, Trung Quốc đều "đau đầu"
Bài phát biểu quan trọng của bà Kamala Harris trước đảng Dân chủ Mỹ vừa qua đã thu hút sự chú ý của những người không có mặt tại hội trường ở Chicago, bao gồm các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh.
Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị cho sự lựa chọn khó chịu giữa hai ứng cử viên diều hâu nổi tiếng là Tổng thống Joe Biden và đối thủ Cộng hòa Donald Trump, việc bà Harris  đột ngột tham gia đường đua đã làm tăng thêm sự bất ổn cho cuộc bầu cử vốn đã rất quan trọng đối với quan hệ Mỹ-Trung.
Chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phân tích các tuyên bố và hồ sơ để tìm manh mối về lập trường của chính quyền bà Harris đối với mối quan hệ với Bắc Kinh — và liệu điều đó có tốt hơn kịch bản ông Trump đắc cử lần nữa hay không.
"Ông Trump và bà Kamala Harris đều là hai lựa chọn không mang lại nhiều tích cực đối với Bắc Kinh", Zhao Minghao, giáo sư của Viện Nghiên cứu Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan, cho biết. "Cả hai đều coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hoặc đối đầu".
Trong khi bà Harris - thời điểm còn là nghị sĩ, đã đồng bảo trợ các dự luật liên quan tới vấn đề nhân quyền ở Hong Kong và Tân Cương, ông Trump phát động chiến tranh thương mại và cam kết tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nếu đắc cử lần nữa.
Bà Harris chỉ đề cập đến Trung Quốc một lần trong bài phát biểu tại đại hội đảng Dân chủ, tuyên bố sẽ đảm bảo "nước Mỹ - chứ không phải Trung Quốc - sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh cho thế kỷ 21".
Ngược lại, ông Trump đã đề cập đến Trung Quốc 14 lần tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa vào tháng trước, bao gồm khẳng định rằng ông đã giữ Bắc Kinh "ở thế bí" trong suốt nhiệm kỳ tổng thống trước và than thở về việc mất Căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan, nơi mà ông tuyên bố "cách nơi Trung Quốc sản xuất vũ khí hạt nhân một giờ".
Trước khi trở thành phó tổng thống, bà Harris — người chưa bao giờ đến Trung Quốc — có tương đối ít kinh nghiệm về các vấn đề đối ngoại. Kể từ khi nhậm chức, bà đã công du 17 lần, bao gồm bốn lần đến thăm Đông Á, nơi bà đã có cuộc gặp ngắn với ông Tập Cận Bình tại Thái Lan vào năm 2022 và tiếp xúc Thủ tướng Lý Cường, tại Jakarta vào năm ngoái.
Hầu hết các học giả Trung Quốc cho biết điều quan trọng hơn thành tích của bà Harris là liệu bà có giữ lại các thành viên trong nhóm chính sách đối ngoại của ông Biden, chẳng hạn như ngoại trưởng Antony Blinken, phó của ông là Kurt Campbell và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, cũng như các quan chức cấp cao khác có vai trò quan trọng trong các chính sách diều hâu đối với Trung Quốc.
Sự không chắc chắn về đội ngũ của Phó Tổng thống Mỹ khiến không chỉ Bắc Kinh mà ngay cả các chuyên gia ở Washington phải vội vã tìm ra những ứng viên tiềm năng bà sẽ chọn cho các vị trí quan trọng trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.
“Điều thực sự quan trọng là bà ấy tin tưởng ai vì bà ấy không phải là chuyên gia về các vấn đề đối ngoại”, Wang Chong, một chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Chiết Giang, cho biết. Ông cũng nói thêm rằng việc đề cử bà Harris là một “bất ngờ” đối với nhiều người ở Trung Quốc.
Người bạn đồng hành của bà Harris - "phó tướng" Tim Walz, có khả năng mang lại nét cá nhân hơn cho quan hệ song phương, một số nhà phân tích Trung Quốc cho biết.
>> Ông Trump và bà Harris chuẩn bị kỹ càng cho cuộc tranh luận trực tiếp 
Công tố viên đặc biệt Mỹ trình cáo trạng mới chống ông Trump 
Ông Trump muốn dựng lá chắn tên lửa trên khắp nước Mỹ nếu tái đắc cử