Thế giới

Ai thực sự đứng sau chính sách thuế cứng rắn của ông Trump?

Vũ Bấc 09/04/2025 - 09:19

Chính sách thuế quan cứng rắn của ông Trump đang phơi bày những rạn nứt sâu sắc giữa giới chính trị và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc áp dụng mức thuế quan cao hơn trong nỗ lực định hình lại chính sách thương mại, theo đề xuất cứng rắn từ các cố vấn thân cận. Động thái này đã làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.

Theo các nguồn tin thân cận, Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump từng thảo luận việc mở rộng quy mô áp thuế, trong đó Cố vấn thương mại Peter Navarro thúc giục áp dụng mức thuế 25% trên diện rộng đối với hàng nhập khẩu đến từ mọi quốc gia.

Ai thực sự đứng sau chính sách thuế cứng rắn của ông Trump? - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) cùng Cố vấn kinh tế Peter Navarro tại Nhà Trắng

Một lựa chọn khác là áp dụng công thức thuế "có đi có lại" dựa trên thâm hụt thương mại – phương án cũng đã được đưa vào đề xuất chính sách công bố tuần trước, bên cạnh mức thuế cơ bản 10%.

Sau nhiều tuần tranh luận nội bộ, kế hoạch cuối cùng được ông Trump lựa chọn cho thấy sự đồng thuận lớn với quan điểm của "cánh tay phải" Peter Navarro – người được xem là tiếng nói cứng rắn nhất trong nhóm cố vấn thương mại của ông.

Tin đồn về khả năng thay đổi chính sách đã khiến giới đầu tư lo lắng. Nhiều nhà đầu tư từng kỳ vọng ông Trump sẽ mở ra một kỷ nguyên mới với chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ đã bị bất ngờ khi ông thực hiện đúng những cam kết tranh cử: sử dụng thuế quan như một công cụ mạnh mẽ nhằm phá vỡ trật tự kinh tế toàn cầu mà ông cho là bất công với nước Mỹ.

Trước khi ông Trump đưa ra tuyên bố chính thức tại Vườn Hồng vào tuần trước, nội bộ nhóm cố vấn kinh tế đã có nhiều tranh luận. Cuộc thảo luận xoay quanh hai luồng quan điểm : một bên là những người ôn hòa, ủng hộ mức thuế dưới 10% với khả năng áp dụng ngoại lệ; bên kia là nhóm chủ trương hành động quyết liệt, muốn áp dụng thuế quan phổ quát ở mức cao.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nằm trong nhóm thận trọng, kêu gọi sử dụng thuế quan chủ yếu như một công cụ đàm phán. Trong khi đó, Cố vấn thương mại Peter Navarro lập luận rằng thuế quan nên được xem là một công cụ mang tính căn bản để tái định hình các mối quan hệ thương mại toàn cầu. Còn Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cũng góp phần tạo nên không khí căng thẳng với những quan điểm cứng rắn.

Cuối cùng, toàn bộ các cố vấn kinh tế dưới trướng Tổng thống Trump đã nhất trí với kế hoạch áp thuế cứng rắn, một kết quả đến nay đang cho thấy sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng của nước Mỹ.

‘Chỉ mới là sự khởi đầu’

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng làm việc cùng các cố vấn mang tư tưởng truyền thống của Đảng Cộng hòa như Steven Mnuchin và Gary Cohn – những người ủng hộ thương mại tự do. Tuy nhiên, tình thế trong nhiệm kỳ thứ 2 đã xoay chuyển hoàn toàn khi ông Trump đã chọn những người tâm phúc trong Nội các là các chuyên gia kinh tế theo chủ nghĩa bảo hộ.

Cuộc cạnh tranh giữa Scott Bessent và Howard Lutnick để giành chiếc ghế Bộ trưởng Tài chính cho thấy rõ điều này. Thay vì phản biện lẫn nhau, cả hai chính trị gia đều cho thấy mức độ ủng hộ chính sách thuế quan ngày càng chiếm ưu thế trong nội bộ các cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng vẫn còn khả năng ông Trump sẽ sử dụng các mức thuế như đòn bẩy để đàm phán, từ đó giảm về mức cơ bản 10% – ngưỡng được cho là thấp nhất mà ông có thể chấp nhận. Phát biểu trên Fox Business hôm thứ Hai, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent bày tỏ hy vọng: “Tôi hy vọng rằng thông qua các cuộc đàm phán tốt, tất cả những gì chúng ta sẽ làm là thấy các mức thuế giảm xuống".

Khi được hỏi về quá trình xây dựng chính sách thuế quan, cố vấn Navarro từ chối cung cấp chi tiết: “Những gì xảy ra trong Phòng Bầu dục, sẽ ở lại trong Phòng Bầu dục. Không có nguồn tin ẩn danh nào là đáng tin cậy – tất cả chỉ là trò gian lận và đánh lạc hướng từ truyền thông".

Navarro vốn nổi tiếng với phong cách quyết liệt và không khoan nhượng, đôi khi gây tranh cãi trong nội bộ chính quyền Trump. Phản ứng gay gắt không chỉ đến từ bên ngoài: tỷ phú Elon Musk – CEO Tesla (công ty có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan) - đã công khai chỉ trích Cố vấn Navarro là “ngu ngốc hơn cả một bao gạch".

Tranh luận nội bộ căng thẳng

Khi ngày triển khai thuế quan đến gần, một số cố vấn như Bộ trưởng Tài chính Bessent, Đại diện Thương mại Jamieson Greer và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett đã đưa ra những cảnh báo thận trọng.

Theo các nguồn tin, cả giáo sư Hassett và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đều đề xuất mức thuế có mục tiêu rõ ràng và phạm vi hạn chế, nhằm giảm thiểu rủi ro thị trường. Ông Bessent cảnh báo rằng việc triển khai diện rộng có thể gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh Tổng thốngTrump hoàn toàn có thể sử dụng thuế quan như bước đi sau cùng nếu cần thiết.

“Đó là một kế hoạch đã được toàn bộ nhóm thương mại của Tổng thống thảo luận,” Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói với các phóng viên hôm thứ Ba. “Một vài đề xuất đã được đưa ra cho Tổng thống, đã có cuộc tranh luận và thảo luận, và Tổng thống đã đưa ra quyết định của mình".

Ai thực sự đứng sau chính sách thuế cứng rắn của ông Trump? - ảnh 2
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent (trái), Tổng thống Trump (giữa) và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick (phải) tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng

Một điểm mấu chốt khác trong chính sách thuế của Trump là công thức “có đi có lại” – tính toán thuế dựa trên mức thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác. Tuy nhiên, việc ai là người đề xuất công thức này vẫn chưa rõ ràng. Các quan chức trong chính quyền đã đưa ra những phát biểu mâu thuẫn, tạo ra sự mơ hồ đối với giới đầu tư và vấp phải sự chỉ trích từ giới kinh tế học.

Nhiều nhà phân tích cho rằng công thức thuế quan này thiếu cơ sở và không phản ánh đầy đủ thực trạng thương mại. Một số quốc gia bị áp thuế cao nhất lại là những nền kinh tế đang phát triển với mức lương thấp, chuyên sản xuất hàng tiêu dùng – trong đó có những nước từng ký kết hiệp định thương mại tự do với Mỹ, giờ đây gần như bị vô hiệu hóa bởi chính sách thuế quan mới.

Phát biểu trước Quốc hội hôm 8/4, Đại diện Thương mại Jamieson Greer nói: “Khi nhìn vào thâm hụt thương mại của một quốc gia, chúng tôi cho rằng đó là dấu hiệu của sự bất công và cần có một phương pháp tiếp cận thống nhất.”

Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) đã xây dựng nhiều mô hình phân tích nhằm xác định mức thuế dựa trên các rào cản phi thuế quan – như tiêu chuẩn kỹ thuật, thủ tục hành chính hay hạn ngạch – thay vì chỉ dựa vào số liệu thâm hụt thương mại. Những rào cản này thường ít biến động hơn và phản ánh cạnh tranh thực chất giữa các nền kinh tế.

Cố vấn kinh tế Navarro còn cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 7/4 rằng phép tính thuế quan được dựa trên dữ liệu từ CEA. Tuy nhiên, một số nguồn tin tiết lộ rằng trong nhiều trường hợp, mức thuế áp dụng thực tế không khớp với các kết quả do CEA cung cấp.

Tham khảo BNN, Reuters

>> Tỷ phú Mỹ tố ông Trump ‘đánh thuế vào dân nghèo’, cảnh báo thuế quan là ‘một sai lầm chính sách nghiêm trọng’

Những quốc gia hưởng lợi khi Mỹ áp thuế đối ứng

Từ hôm nay, Mỹ chính thức áp thuế 104% lên hàng Trung Quốc, hiệu lực ngay lập tức

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/ai-thuc-su-dung-sau-chinh-sach-thue-cung-ran-cua-ong-trump-140049.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ai thực sự đứng sau chính sách thuế cứng rắn của ông Trump?
    POWERED BY ONECMS & INTECH