Tranh cãi xung quanh công thức áp thuế đối ứng của ông Trump
Công thức thuế quan mới của Nhà Trắng vấp phải chỉ trích dữ dội từ các nhà kinh tế về hiệu quả và tính minh bạch, độ chính xác cũng như tác động của chính sách này đến thương mại toàn cầu.
Ngày 2/4 (giờ Mỹ), chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố phương pháp tính toán thuế quan mới, đặt trọng tâm vào cán cân thương mại giữa Mỹ và các đối tác, thay vì phản ánh mức thuế hay rào cản thương mại mà các nước này đang áp dụng với hàng hóa Mỹ. Đây là một thay đổi đáng kể so với các tuyên bố trước đó về việc đánh thuế dựa trên nguyên tắc đối ứng.
Theo tuyên bố được Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) phát hành tối thứ Tư, công thức tính thuế quan được xây dựng dựa trên dữ liệu thương mại năm 2024 từ Cục Thống kê Dân số Mỹ. Cụ thể, tỷ lệ thặng dư thương mại của một quốc gia với Mỹ được chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia đó, sau đó chia đôi để ra mức thuế đề xuất.

Ví dụ, Trung Quốc ghi nhận thặng dư thương mại với Mỹ ở mức 295 tỷ USD trong tổng số 438 tỷ USD hàng xuất khẩu sang thị trường này trong năm ngoái—tương ứng tỷ lệ 68%. Khi áp dụng công thức của chính quyền Trump, con số này được chia đôi, dẫn tới mức thuế quan đề xuất là 34%.
Công thức tương tự được áp dụng với các nền kinh tế có thặng dư lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài ra, mọi quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ—bất kể quy mô lớn hay nhỏ—cũng sẽ phải chịu mức thuế cố định tối thiểu 10%. Điều này bao gồm cả những nước có cán cân thương mại tương đối cân bằng.
Bên cạnh tỷ lệ thặng dư thương mại, công thức đánh thuế của ông Trump còn bao gồm hai biến số kinh tế khác: độ co giãn giá của nhu cầu nhập khẩu và độ co giãn giá nhập khẩu đối với thuế quan. Tuy nhiên, cả hai hệ số này đều được đặt ở mức khiến chúng triệt tiêu lẫn nhau, khiến tác động thực tế gần như bằng không—tức công thức cuối cùng tương đương với phép nhân đơn giản bằng một.Các nhà kinh tế cho rằng việc cố định hai hệ số này mà không dựa trên dữ liệu thực tế hoặc biến động thị trường  làm giảm độ tin cậy của toàn bộ mô hình.
Cách tiếp cận này khiến một số quốc gia có mức xuất siêu lớn sang Mỹ nhưng nhập khẩu ít hàng hóa từ Mỹ phải đối mặt với mức thuế rất cao. Cụ thể, Việt Nam và Campuchia lần lượt bị áp mức thuế 46% và 49%.
Ngược lại, các quốc gia có thặng dư thương mại thấp hơn, như Vương quốc Anh—nơi ghi nhận thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ trong năm ngoái—chỉ phải chịu mức thuế cơ bản 10%, được áp dụng đồng loạt cho hầu hết các nước, trừ Canada và Mexico đã có mức riêng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lập luận rằng việc cố gắng đưa thâm hụt thương mại song phương về mức 0 bằng biện pháp thuế quan là thiếu cơ sở, bởi cán cân thương mại chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô như tỷ giá, mức tiêu dùng, chính sách tiền tệ—chứ không chỉ đơn thuần là mức thuế áp dụng.
Ông Thomas Sampson, Phó Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế London (LSE), nhấn mạnh rằng các loại thuế quan, dù được thiết kế phức tạp đến đâu, cũng không thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ của thâm hụt thương mại Mỹ—vốn bắt nguồn từ yếu tố kinh tế vĩ mô.
“Miễn là nước Mỹ không tiết kiệm đủ để tài trợ cho nhu cầu đầu tư trong nước , họ buộc phải vay từ phần còn lại của thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc nước này sẽ tiếp tục ghi nhận thâm hụt thương mại,” ông giải thích. “Thuế quan không thể thay đổi được logic kinh tế cơ bản đó".
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) khẳng định rằng dù về mặt kỹ thuật có thể tính toán mức thuế dựa trên các rào cản thương mại thực tế, phương pháp hiện tại được cho là phù hợp hơn với mục tiêu cốt lõi của ông Trump: thu hẹp thâm hụt thương mại song phương với các đối tác.
Chính quyền Trump cho biết mức thuế phản ánh không chỉ các rào cản thuế quan mà còn cả những rào cản phi thuế quan  như thuế nội địa, chính sách tiền tệ và các hình thức bảo hộ khác. Trong tài liệu trình bày, các mức thuế được đặt trong danh mục có tiêu đề: “Thuế quan áp dụng cho Mỹ bao gồm thao túng tiền tệ và rào cản thương mại”.
Tham khảo BNN, Financial Times (FT)