Ô tô chạy cao tốc 120 km/h nhưng vì sao chỉ thử nghiệm va chạm ở tốc độ 64 km/h?
Đường cao tốc ở Việt Nam cho phép ô tô chạy tối đa 120 km/h, ở Mỹ có thể lên tới 137 km/h nhưng Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc (IIHS) của Mỹ chỉ thử nghiệm an toàn xe va chạm ở tốc độ 64 km/h. Liệu kết quả đánh giá an toàn xe có tin cậy?
Các cuộc thử nghiệm va chạm đã giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện độ an toàn của các mẫu xe mới được đưa ra thị trường. Có lẽ, vẫn nhiều người vẫn nghĩ rằng, các mẫu ô tô sẽ phải trải qua các thử thách va chạm ở tốc độ cao nhất, ít nhất phải từ 80 km/h trở lên thì mới là mẫu xe an toàn nhất.
Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan nghiên cứu và đánh giá xếp hạng an toàn xe không làm vậy. Các bài thử nghiệm va chạm phía trước đưa ra dải tốc độ và mô phỏng bối cảnh người lái cũng như hành khách trên xe dựa trên tính đại diện, tính phổ biến và sát thực tế nhất ở các vụ tai nạn giao thông, chứ không phải dựa trên nguyên tắc "tình huống va chạm nặng nhất".
Ví dụ như ở bài thử nghiệm va chạm của Viện Bảo hiểm an toàn đường cao tốc (IIHS) của Mỹ- một trong 4 cơ quan đánh giá và xếp hạng an toàn xe uy tín nhất thế giới hiện nay, thường thực hiện ở tốc độ 64 km/h. Tốc độ này thấp hơn nhiều so với tốc độ phổ biến ở các tuyến cao tốc tại Việt Nam từ 80-120 km/h hay tại Mỹ, cao tốc cho phép chạy tới 137 km/h.
Trên kênh Youtube chính thức của IIHS, mới đây, ông Raul Arbelaez, Phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu xe của IIHS, cho biết: "Tốc độ thử nghiệm của chúng tôi là con số tính trung bình dựa trên dữ liệu tốc độ ở các vụ chạm xe cộ trong môi trường thực tế. Mặc dù có những vụ va chạm còn nghiêm trọng hơn, ở tốc độ cao hơn nhưng chúng tôi chỉ lấy con số căn cứ từ phần lớn các vụ va chạm xảy ra.”
"Chúng tôi cố gắng không chỉ làm cho các loại xe an toàn hơn trong các vụ va chạm tồi tệ nhất mà phải làm cho xe an toàn hơn trong các vụ tai nạn thông thường", ông Raul Arbelaez nhấn mạnh. Nói cách khác, con số 64 km/h là tốc độ có tính phổ biến trong các vụ tai nạn hơn là các dải tốc độ trên 80 km/h.
Theo IIHS, mặc dù tốc độ của xe là yếu tố tác động đáng kể đến mức độ nghiêm trọng của sự cố va chạm, nhưng tốc độ cao hơn không phải lúc nào cũng là phương án tốt hơn cho việc thử nghiệm. Việc chọn tốc độ thử nghiệm va chạm phù hợp là rất quan trọng bởi kết quả thử nghiệm sẽ có tác động đến việc thiết kế xe an toàn ở mức hợp lý nhất. Nếu chọn tốc độ thử nghiệm quá cao, kết quả bài thử nghiệm gây ra tác động tiêu cực tới thiết kế an toàn cho xe.
Ví dụ, nếu tăng tốc độ thử nghiệm chỉ thêm 16 km/h, từ 64 km/h lên vận tốc 80 km/h, chỉ nhanh hơn 25% nhưng lực va chạm thực tế có thể tăng lên tới 56% ở dải tốc độ đó. Điều gì sẽ xảy ra nếu chọn tốc độ thử nghiệm lên tới 137 km/h (tốc độ tối đa chạy trên cao tốc ở Mỹ)?
"Kết quả là, chiếc xe của bạn sẽ phải cứng chắc hơn để chống chịu qua lực va chạm đó", ông Raul Arbelaez giải thích.
Nếu áp dụng kết quả này vào thiết kế xe thì chiếc xe ô tô bắt buộc phải đáp ứng một tiêu chuẩn "cứng, chắc" hơn. Một thiết kế như vậy sẽ lại là không an toàn ở các vụ va chạm thông thường, ở dải tốc độ thấp hơn. Nói cách khác, việc thử nghiệm va chạm ở tốc độ cao sẽ "phản tác dụng" trong việc đưa ra khuyến nghị thiết kế xe an toàn.
Trên thực tế, tốc độ thử nghiệm va chạm của tổ chức IIHS dường như là cao nhất trong các tổ chức đánh giá và xếp hạng an toàn xe. Ví dụ như ở Cục Quản lý An toàn giao thông đường cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA) chỉ thử nghiệm va chạm phía trước ở tốc độ hơn 56 km/h, của Chương trình đánh giá xe mới châu Âu (Euro NCAP) là 50 km/h.
Hiện nay, IIHS được coi là tổ chức uy tín nhất trên toàn cầu về xếp hạng đánh giá an toàn xe. Cơ quan này áp dụng tới 5 bài thử nghiệm va chạm. Bên cạnh thử nghiệm va chạm trực diện phía trước là các thử nghiệm va chạm phần hông xe; va chạm phía sau; va chạm cản xe và thử nghiệm đánh giá tác động trần xe. Trong đó, tốc độ thử nghiệm ở 4 bài còn lại thường thấp hơn.
Một số mẫu xe tại Mỹ được IIHS đánh giá an toàn đều là những cái tên quen thuộc như Ford Explorer, Audi A6, A7, Honda Accord, Hyundai Santaffe, KIA K5, Lexus NX...
Theo Carscoops
>> Những lý do khiến ô tô cũ 'ngốn' nhiều xăng