Ông lớn châu Âu muốn tới Việt Nam làm siêu dự án cảng Cần Giờ 5,5 tỷ USD: Sở hữu tàu container lớn nhất thế giới
Với mạng lưới vận tải phủ khắp các tuyến đường biển quan trọng, MSC đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp di chuyển hàng hóa giữa các nền kinh tế lớn và các thị trường đang phát triển.
Mediterranean Shipping Company (MSC) có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ , là một trong những tập đoàn vận tải biển  lớn nhất thế giới. Được thành lập vào năm 1970 bởi thuyền trưởng người Ý Gianluigi Aponte, MSC khởi đầu với một tàu duy nhất mang tên Patricia.
Trải qua hơn 50 năm phát triển, MSC đã vươn lên trở thành một trong những tập đoàn có ảnh hưởng nhất trong ngành vận tải biển, sở hữu đội tàu container lớn nhất thế giới và mạng lưới hoạt động toàn cầu.
MSC hiện cạnh tranh sát sao với Maersk, thậm chí có lúc đã vượt qua đối thủ của mình trong việc vận chuyển container, tùy theo từng thời điểm và thống kê số liệu.
Năm 2022, tổng doanh thu của MSC đạt 86,4 tỷ euro, mang lại lợi nhuận hoạt động ấn tượng là 35,7 tỷ euro. Hãng sở hữu hơn 850 tàu chở hàng, hơn 675 văn phòng tại 155 quốc gia cùng 200.000 nhân viên đang làm việc cho hãng. Các tàu chở hàng của doanh nghiệp giao thương trên 300 tuyến thương mại tại 520 cảng trên thế giới.
Được biết, MSC thực hiện hoạt động chở hàng của mình trên rất nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp (gạo, cacao, đường…), hóa chất, thực phẩm, khoáng sản…
Ngoài các tuyến đường thủy, các tuyến đường bộ và đường sắt cũng được MSC chú trọng đầu tư với mục tiêu đa dạng và tối ưu hóa việc vận chuyển, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Hãng cũng đầu tư vào vận tải hàng không như là một dịch vụ bổ sung cho mảng kinh doanh truyền thống. Vào năm 2022, MSC ra mắt MSC Air Cargo. Động thái này giúp MSC cung cấp giải pháp logistics tốc độ cao hơn, đặc biệt là cho những nhu cầu vận chuyển hàng hóa yêu cầu thời gian nhanh chóng.
Đội tàu container của hãng có tổng công suất lên đến 4,9 triệu TEU, chiếm khoảng 17% thị phần toàn cầu. Đặc điểm nổi bật của đội tàu MSC là sự đa dạng về kích cỡ và khả năng vận chuyển.
Hồi tháng 3/2023, MSC đã sở hữu thêm 2 tàu chở hàng MSC Tessa và MSC Irina với công suất lần lượt là 24.116 TEU và 24.345 TEU. Điều này giúp MSC tối ưu hóa khả năng vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường biển quan trọng. Đáng chú ý, MSC Irina là tàu container lớn nhất thế giới hiện nay.
Đặc biệt, trong bối cảnh ngành vận tải biển đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường, MSC đưa ra cam kết mạnh mẽ đối với việc phát triển bền vững. Tập đoàn đã đầu tư vào việc hiện đại hóa đội tàu với các công nghệ thân thiện với môi trường, nhằm giảm lượng khí thải carbon.
Cụ thể, MSC đã đầu tư vào các tàu sử dụng nhiên liệu ít phát thải như LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) và áp dụng các giải pháp tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng trên tàu. Hãng đặt ra mục tiêu giảm phát thải carbon trên mỗi container vận chuyển ít nhất 50% vào năm 2030, với tầm nhìn đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
MSC có sự hiện diện mạnh mẽ tại các khu vực kinh tế trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á và châu Phi. Với mạng lưới vận tải phủ khắp các tuyến đường biển quan trọng, MSC đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp di chuyển hàng hóa giữa các nền kinh tế lớn và các thị trường đang phát triển.
Đáng chú ý, “gã khổng lồ” trong ngành vận tải biển toàn cầu MSC đã đề xuất đầu tư siêu dự án cảng Cần Giờ. Cảng trung chuyển quốc tế này được đánh giá là một công trình tầm vóc, mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam. Được biết, tổng vốn đầu tư của dự án vào khoảng 5,5 tỷ USD.
>> ‘Ông lớn’ Trung Quốc sắp vào thị trường Việt Nam: Sở hữu xe điện sạc nhanh nhất thế giới