Dự án nhà máy vi mạch bán dẫn được đặt tại khu công nghệ cao TP HCM với diện tích 2.000 m2.
Ban Quản lý khu công nghệ cao TP. HCM vừa trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Besi Việt Nam cho Công ty BE Semiconductor Industries N.V (Hà Lan) trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn .
Tại hội đàm giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hà Lan diễn ra tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Samsung (Hà Nội) , Ban Quản lý khu công nghệ cao TP. HCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Besi Việt Nam cho Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Theo đó, tổng vốn đầu tư  của dự án hơn là 115 tỷ đồng (khoảng 4,9 triệu USD), thời gian hoạt động là 50 năm; dự kiến quý 1/2025 nhà máy đi vào hoạt động.
Besi là công ty toàn cầu có trụ sở tại Hà Lan, hoạt động trên 7 cơ sở ở châu Á và châu Âu với lĩnh vực hoạt động là phát triển, sản xuất, kinh doanh và cung cấp thiết bị bán dẫn cho ngành công nghiệp  bán dẫn và điện tử toàn cầu.
Khách hàng của doanh nghiệp này chủ yếu là các nhà sản xuất vi mạch đa quốc gia, các nhà thầu lắp ráp và các công ty điện tử, công nghiệp .
Để tiết kiệm thời gian và sớm đưa dự án vào hoạt động, Công ty Besi đã quyết định thuê nhà xưởng xây sẵn từ Công ty TNHH đầu tư nhà xưởng Lập Thành với diện tích 2.000 m2 tại khu công nghệ cao TP. HCM.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao TP. HCM, dự án đầu tư tuy có quy mô nhỏ, nhưng là giai đoạn 1 để đánh giá môi trường đầu tư tại Việt Nam, trước khi quyết định dự án đầu tư có quy mô lớn hơn.
Dự án ngoài việc tạo cơ hội việc làm trình độ cao cho lao động Việt Nam còn đào tạo một đội ngũ kỹ thuật viên trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để cung cấp dịch vụ cho các khách hàng tại Việt Nam và quốc tế.
Ngoài ra, người lao động Việt Nam  cũng sẽ được tham gia các khóa đào tạo quản lý, kỹ thuật trong và ngoài nước liên quan đến dịch vụ mà dự án thực hiện và qua đó có cơ hội tiếp thu và hấp thụ công nghệ về lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong quá trình làm việc tại dự án.
Việt Nam muốn thành số 1 Đông Nam Á về số lượng startup thiết kế vi mạch bán dẫn 
Thu nhập từ ngành vi mạch bán dẫn có thể lên tới 2 tỷ đồng/người/năm