Thu nhập từ ngành vi mạch bán dẫn có thể lên tới 2 tỷ đồng/người/năm
Đến năm 2030, thế giới cần thêm khoảng 900.000 kỹ sư bán dẫn.
Chiều 23/9, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. HCM phối hợp cùng Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP. HCM đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến phát triển ngành vi mạch bán dẫn  TP. HCM. Sự kiện nhằm thảo luận và xây dựng các chính sách ưu tiên phát triển ngành vi mạch bán dẫn - lĩnh vực được xem là mũi nhọn của công nghệ hiện đại.
Theo Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP. HCM, ngành vi mạch bán dẫn đang bùng nổ tại các quốc gia tiên tiến về công nghệ như Mỹ, Nhật Bản, và Singapore, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghệ và kinh tế toàn cầu.
Các đại biểu tham dự hội nghị diễn ra chiều 23/9 |
Ông Nguyễn Phúc Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP. HCM, nhận định đây là ngành đầy tiềm năng và có thể mang lại thu nhập cao cho những ai gắn bó với nó. Đối với các bạn trẻ, kinh nghiệm và kỹ năng càng tăng, mức lương sẽ càng tăng trưởng theo thời gian.
Thực tế đã ghi nhận những chuyên gia trong ngành vi mạch bán dẫn có thu nhập lên đến 2 tỷ đồng mỗi năm. "Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành này bởi người Việt có thiên hướng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, sự chuyên cần và tỉ mỉ", ông Vinh nhấn mạnh.
Theo số liệu từ các cơ quan quốc tế, đến năm 2030, thế giới cần thêm khoảng 900.000 kỹ sư bán dẫn, và trung bình mỗi lao động trong ngành này tạo ra doanh thu 275.000 USD (gần 7 tỷ đồng).
Tại Việt Nam, ngành vi mạch bán dẫn đã được chọn là nhóm ngành chủ lực quốc gia, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế với các sản phẩm điện tử và tin học, chiếm khoảng 20% GDP. Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 phê duyệt chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là Việt Nam sẽ đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên để phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Đến năm 2030, thế giới cần thêm khoảng 900.000 kỹ sư bán dẫn |
Góp ý cho sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn TP. HCM, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. HCM, cho rằng TP. HCM cần tập trung củng cố các “hệ sinh thái”, thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, đào tạo nguồn nhân lực phải là bước tiên phong.
"TP. HCM đóng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, do đó cần nâng cao chuỗi giá trị, sẵn sàng cơ sở hạ tầng và thể chế cạnh tranh với các nước", ông Thi nhấn mạnh. Chỉ khi đó, ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam mới có thể từng bước phát triển, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.
>>Tập đoàn đa ngành của Hàn Quốc sắp xây nhà máy bán dẫn 100 triệu USD tại Việt Nam 
Tập đoàn đa ngành của Hàn Quốc sắp xây nhà máy bán dẫn 100 triệu USD tại Việt Nam 
Amkor - nhà máy bán dẫn lớn nhất Việt Nam - chính thức xuất khẩu lô hàng đầu tiên