'Ông lớn' nào đứng sau dự án trường đua ngựa gần nửa tỷ USD ở Hà Nội?
UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa, tổng vốn đầu tư khoảng 420 triệu USD.
Theo đó, Sóc Sơn sẽ lấy ý kiến về sự cần thiết và mục tiêu lập quy hoạch; tác động của quy hoạch tới cộng đồng và khu vực nằm trong quy hoạch; việc quy hoạch sử dụng đất đã phù hợp chưa; sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, thiết kế đô thị, kết nối giao thông giữa trường đua với khu vực lân cận...
Thời gian lấy ý kiến đến ngày 4/2.
Liên quan đến dự án này, năm 2022, tại báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ hợp thứ 7 HĐND TP khoá XVI, UBND TP. Hà Nội cho biết, tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tháng 10/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu, chứng nhận thay đổi lần thứ 3 vào tháng 3/2020.
Dự án có quy mô 125ha tại xã Tân Minh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn với mục tiêu đầu tư xây dựng trường đua ngựa, đầu tư xây dựng vận hành khách sạn 3 sao... Dự án có tổng vốn đầu tư 9.576 tỷ đồng (tương đương khoảng 420 triệu USD).
Nhà đầu tư là Công ty TNHH H&G - liên doanh giữa Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourist) và Công ty Global Consultant Network Co.Ltd (Hàn Quốc).
Công ty TNHH H&G được thành lập từ tháng 11/2019 với vốn điều lệ 2.736 tỷ đồng, tương đương 120 triệu USD. Trong đó, Global Consultant Network góp 2.325,6 tỷ đồng, tương ứng 85% vốn điều lệ còn Hanoi Tourist góp 15%.
Công ty TNHH H&G do ông Lee Dae Bong (SN 1941) là người đại diện theo pháp luật. Ông Lee Dae Bong cũng là Chủ tịch Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc).
Tháng 10/2019, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội lúc đó đã trao quyết định đầu tư dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa  tại huyện Sóc Sơn cho Tập đoàn Charmvit.
Trường đua dự kiến hoạt động sau năm 2021 nhưng gặp một số khó khăn nên chưa thể triển khai.
Giữa năm 2022, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng gỡ khó việc thu hồi 125ha đất để thực hiện dự án.
Vào tháng 8/2023, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh có buổi tiếp ông Lee Dae Bong, Chủ tịch Tập đoàn Charmvit, tới chào xã giao và bàn thảo về các vấn đề hợp tác hai bên cùng quan tâm.
Trao đổi về các hợp tác liên quan, chủ tịch tập đoàn Charmvit đề cập đến dự án trường đua ngựa tại Sóc Sơn. Theo đó, ông kỳ vọng phía thành phố quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện, giải quyết các vướng mắc để tập đoàn có thể sớm triển khai.
Theo Chủ tịch Charmvit, đây là dự án trọng điểm của tập đoàn tại Hà Nội. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực này của Hàn Quốc, ông khẳng định dự án khi hoàn thiện sẽ góp phần phát triển cơ sở hạ tầng cũng như đem lại nguồn thu, đóng góp cho cộng đồng nói riêng và sự phát triển của TP. Hà Nội nói chung.
Ông chủ khách sạn dát vàng, sân golf
Theo giới thiệu, Charmvit là tập đoàn đa ngành gồm các lĩnh vực kinh doanh khách sạn, sân golf, bất động sản...
Tại Việt Nam, Charmvit là chủ đầu tư tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và khách sạn gồm 2 tòa tháp Grand Plaza (khu khách sạn) và Charmvit Tower (khu văn phòng) tọa lạc tại 117 Trần Duy Hưng (Hà Nội).
Khách sạn Grand Plaza được khánh thành tháng 9/2010. Đây là khách sạn 5 sao, một trong những công trình trọng điểm vào dịp một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội và được xem là khách sạn dát vàng đầu tiên ở Hà Nội.
Năm 2019, khách sạn này từng vướng vào vụ việc nhân viên bảo vệ tại khách sạn đuổi người trú mưa trong cơn dông lốc.
Bên cạnh khu tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn trên, Tập đoàn Charmvit còn đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng, golf...
Tại Hoà Bình, UBND tỉnh Hòa Bình và Tập đoàn Charmvit Hàn Quốc đã có biên bản thỏa thuận nguyên tắc từ năm 2004 về việc đầu tư xây dựng sân golf 54 lỗ trên diện tích khoảng 300ha tại xã Sơn Lâm, huyện Lương Sơn.
Tập đoàn CharmVit được thuê đất 50 năm, miễn tiền thuê đất 11 năm theo chính sách ưu đãi đầu tư.
Dự án sân golf trên đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư 2004.
Dự án triển khai xây dựng từ năm 2005, đến năm 2009, sân golf Phượng Hoàng chính thức đi vào khai thác, sử dụng.
Năm 2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công khai kết luận thanh tra công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2004-2014. Trong đó, phát hiện vi phạm của UBND tỉnh Hòa Bình trong việc thu hồi đất để Công ty TNHH sân golf Phượng Hoàng thực hiện dự án xây dựng sân golf Phượng Hoàng.
TTCP còn phát hiện việc xây dựng công trình sân golf, nhà điều hành, khách sạn 3 tầng và các công trình phụ trợ khác không có giấy phép xây dựng, không có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm Luật Xây dựng 2003.
Cơ quan Thanh tra nhận định, dự án đầu tư xây dựng sân golf Phượng Hoàng là dự án đầu tư nước ngoài 100% nhưng UBND tỉnh Hòa Bình đã buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều sai phạm.
“Khi thu hồi đất, cho thuê đất thực hiện dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; nhiều hạng mục công trình xây dựng không phép; xác định tiền thuê đất không đúng quy định, khấu trừ tiền chủ đầu tư ứng trước cho bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; tự thỏa thuận giá đất cho thuê, không tuân thủ quy định của pháp luật;
Ngoài ra, việc ký hợp đồng cho thuê đất theo phương thức trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đất là không đúng với giấy chứng nhận đầu tư Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp, gây thất thoát ngân sách nhà nước”, kết luận nêu rõ.
>> Gia hạn dự án trường đua ngựa nghìn tỷ, thêm trường đua chó